Doanh nghiệp xả thải, người nuôi tôm lãnh đủ

Thời gian gần đây, người dân khu vực ấp 15 (xã Vĩnh Hậu A, huyện Hòa Bình, tỉnh Bạc Liêu) phản ánh các khu nuôi tôm công nghệ cao xả nước thải ra tuyến kênh số 4 gây ô nhiễm nghiêm trọng, ảnh hưởng đến môi trường canh tác của bà con.


Khu vực xả thải của Công ty Long Mạnh ra kênh số 4 gây ô nhiễm nghiêm trọng.

Người nuôi tôm mất thu nhập vì ô nhiễm

Theo phản ánh, khoảng 4 tháng nay, nhiều hộ dân khu vực ấp 15 (xã Vĩnh Hậu A) không thể lấy nước vào vuông để thả con giống. Bởi, nguồn nước thải từ Công ty TNHH MTV Long Mạnh (gọi tắt là Công ty Long Mạnh) và một hộ khác (cũng nuôi tôm siêu thâm canh) đã khiến cho nguồn nước phục vụ sản xuất chung của các hộ xung quanh bị ô nhiễm nghiêm trọng.

Theo bà con nơi đây, phía Công ty Long Mạnh và hộ nuôi tôm siêu thâm canh nói trên thường lợi dụng lúc thủy triều bắt đầu rút để tiến hành xả nước thải. Do đây là khu vực giáp biển nên nước thải đen ngòm được hòa vào dòng nước trên kênh trôi thẳng ra biển. Dù vậy, sau khi nước rút, có một lượng bùn mới đọng dày trên mặt kênh, nước ứ đọng lại có mùi hôi thối nồng nặc.

Ông Lâm Văn Hòa (ấp 15, xã Vĩnh Hậu A) bức xúc nói: “Cùng là người nuôi tôm với nhau mà họ cứ liên tục xả thải như vậy thì người dân trong khu vực này còn làm ăn gì được nữa. Nhà tôi canh tác hơn 2ha mà gần nửa năm nay có thu nhập được gì đâu, nước cứ đen ngòm, hôi thối vậy sao mà lấy vào vuông được, nuôi con gì sống nổi?! Tôi mong các cấp có thẩm quyền sớm xem xét và xử lý dứt điểm sự việc này giùm người dân chúng tôi”.

Không thể chịu nổi cảnh môi trường bị hủy hoại, nguồn thu nhập của gia đình bị ảnh hưởng bởi ô nhiễm, nhiều hộ dân trong khu vực đã nhiều lần lên tiếng và có đơn phản ánh gửi UBND xã, huyện cũng như ngành chức năng để nhờ can thiệp. Tuy nhiên, từ đó đến nay cũng đã gần 2 tháng trôi qua nhưng người dân vẫn chưa nhận được kết quả.

Sớm trả lại môi trường canh tác an toàn cho người dân

Theo Điều 5 Quy định bảo vệ môi trường trong hoạt động nuôi trồng thủy sản trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu vừa được ban hành (19/8/2022), đối với kết cấu hạ tầng phục vụ nuôi trồng thủy sản nêu rõ: Hệ thống kết cấu hạ tầng phục vụ hoạt động nuôi trồng thủy sản phải được xây dựng đồng bộ, phải có hệ thống kênh, mương cấp nước và thoát nước thải riêng biệt, đảm bảo không gây ô nhiễm chéo và dễ xử lý nguồn nước ô nhiễm khi có sự cố môi trường. Hệ thống cấp nước, thoát nước thải phải luôn thông thoáng, được sên vét, cải tạo thường xuyên, đảm bảo không để bồi lắng, tồn đọng gây tác động xấu đến môi trường và hoạt động sản xuất, canh tác của khu vực. Nếu tổ chức, cá nhân vi phạm sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật.

Từ vụ việc trên cho thấy, phía Công ty Long Mạnh và hộ nuôi tôm siêu thâm canh liền kề đã vi phạm nghiêm trọng Quy định mới của UBND tỉnh về việc bảo vệ môi trường trong nuôi tôm.

Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, ông Văn Hoàng Nam – Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Hòa Bình, cho biết: “Sau khi tiếp nhận thông tin phản ánh của người dân, đơn vị đã cử cán bộ xuống hiện trường xác minh vụ việc; đồng thời, tiến hành làm việc với phía Công ty Long Mạnh và buộc phía công ty làm cam kết không xả thải. Đơn vị cũng phối hợp với Cảnh sát môi trường huyện tiến hành lấy mẫu nước để giám định. Khi nào có kết quả chính thức sẽ tiến hành thông tin rộng rãi cho người dân được biết, cũng như có hướng xử lý phù hợp”.

Điều đáng nói, trong lúc chờ đợi kết quả giám định mẫu nước từ cơ quan chức năng thì phía Công ty Long Mạnh và hộ nuôi tôm siêu thâm canh liền kề lại tiếp tục xả nước thải đen ngòm ra môi trường. Vụ việc này lại một lần nữa khiến nhiều bà con nuôi tôm quảng canh trong khu vực vô cùng bức xúc.

Thiết nghĩ, các cơ quan chức năng của huyện Hòa Bình cần đẩy nhanh tiến độ điều tra, xử lý vụ việc để trả lại môi trường canh tác an toàn, bền vững cho người dân nơi đây.

N.L

Nguồn tin: Báo Bạc Liêu

Tin mới nhất

T6,22/11/2024