Đẩy mạnh liên kết sản xuất, tiêu thụ tôm hùm

Tôm hùm là đối tượng nuôi thương phẩm chủ lực của tỉnh Khánh Hòa. Để ổn định đầu ra cho người nuôi, ngành Thủy sản tỉnh đang tập trung xây dựng các mô hình chuỗi liên kết trong sản xuất – thu mua – xuất khẩu tôm hùm gắn với truy xuất nguồn gốc để xuất khẩu chính ngạch.

Nỗi lo tiêu thụ

Những năm qua, nghề nuôi tôm hùm thương phẩm trên địa bàn tỉnh đã phát triển mạnh tại các vùng nuôi trong tỉnh. Trong 6 tháng đầu năm nay, người dân trong toàn tỉnh thả nuôi 77.445 lồng, sản lượng thu hoạch dự kiến đạt 2.650 tấn. Ông Nguyễn Ngọc Ý – Trưởng phòng Kinh tế huyện Vạn Ninh cho biết: “Hiện nay, trên địa bàn huyện có hơn 33.000 ô, lồng nuôi tôm hùm, chủ yếu là tôm hùm bông. Việc tiêu thụ tôm hùm thường bấp bênh, lên xuống thất thường, chủ yếu phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc. Ví dụ như cách đây hơn một tháng, tôm hùm bông loại 2 (hiện nay, người nuôi chủ yếu nuôi tôm loại 2 từ 0,7 đến 1kg/con) có giá gần 2 triệu đồng/kg, sau đó rớt xuống 1,6 triệu đồng/kg, giờ lên lại ở mức 1,8 triệu đồng/kg”. Ông Võ Khắc Én – Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản cho biết: “Tôm hùm là đối tượng nuôi chủ lực của người dân các địa phương ven biển trong tỉnh. Tuy nhiên, việc tiêu thụ tôm hùm theo đường tiểu ngạch sang thị trường Trung Quốc trong suốt thời gian dài vừa qua cho thấy nhiều rủi ro đối với người nuôi, khi giá cả lên xuống thất thường, bị thương lái ép giá, nợ gối đầu kéo dài… Hiện nay, đã có một số doanh nghiệp thu mua và xuất khẩu tôm hùm sang Trung Quốc theo đường chính ngạch nhưng không nhiều”.

Hướng đến xây dựng các chuỗi liên kết

Theo tìm hiểu của chúng tôi, trung bình hàng năm, có khoảng 85% sản lượng tôm hùm thương phẩm được xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc theo đường tiểu ngạch. Tuy nhiên, con đường này đang hẹp dần khi Trung Quốc áp dụng những điều kiện nghiêm ngặt về nhập khẩu các mặt hàng nông, lâm, thủy sản. Vì vậy, việc liên kết sản xuất, thu mua, xuất khẩu tôm hùm gắn với truy xuất nguồn gốc để xuất khẩu chính ngạch là bước đi phù hợp nhằm góp phần phát triển bền vững nghề nuôi tôm hùm thương phẩm.

Triển khai việc nuôi tôm hùm theo chuỗi, đến nay, trên địa bàn tỉnh đã có 3 tổ hợp tác, tổ hội nghề nghiệp ở huyện Vạn Ninh tham gia chuỗi cung cấp tôm hùm nuôi an toàn theo chuẩn VietGAP. Ông Trần Minh Hiền – Tổ trưởng Tổ hội nghề nghiệp nuôi tôm hùm lồng thôn Khải Lương (xã Vạn Thạnh, huyện Vạn Ninh) chia sẻ: “Hiện nay, tổ hội của chúng tôi có 20 hộ nuôi tham gia chuỗi liên kết, mỗi năm cung cấp cho doanh nghiệp thu mua 31,5 tấn tôm thương phẩm đạt tiêu chuẩn VietGAP. Tôm đạt kích cỡ thương phẩm được 2 doanh nghiệp ở TP. Nha Trang và TP. Cam Ranh thu mua hết với giá cao hơn thị trường nhờ đảm bảo chất lượng, truy xuất nguồn gốc để phục vụ xuất khẩu chính ngạch. Hiện nay, một số hộ nuôi lân cận cũng đề nghị tham gia tổ hội để liên kết sản xuất – tiêu thụ”.

Một bè nuôi tôm hùm thương phẩm tại xã Vạn Thạnh (huyện Vạn Ninh).

Ngoài chuỗi liên kết này, tại huyện Vạn Ninh còn có 2 chuỗi liên kết khác gồm: Tổ hợp tác nuôi trồng thủy sản xã Vạn Hưng có 20 hộ nuôi, mỗi năm cung cấp ra thị trường 29,9 tấn tôm thịt; Tổ hội nghề nghiệp nuôi trồng thủy sản thôn Ninh Tân (xã Vạn Thạnh) có 15 hộ nuôi quy mô lớn, mỗi năm cung cấp ra thị trường 128 tấn tôm thịt. Tôm thương phẩm của các hộ nuôi đều được doanh nghiệp thu mua để phục vụ xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Trung Quốc.

Ông Lê Văn Hoan – Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết: “Việc hình thành nên một số vùng nuôi thủy sản đạt chứng nhận VietGAP bước đầu đáp ứng được yêu cầu của doanh nghiệp xuất khẩu, thị trường nhập khẩu; tạo sức lan tỏa cho các vùng nuôi khác trong tỉnh. Tuy nhiên, quy mô của các tổ này còn hạn chế so với diện tích, sản lượng của toàn tỉnh. Vừa qua, sở đã đề xuất với Viện Kinh tế và Quy hoạch thủy sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) về triển khai xây dựng mô hình liên kết trong sản xuất, tiêu thụ tôm hùm tại tỉnh. Trong đó, sở đề xuất 5 hợp tác xã, tổ hợp tác, tổ hội nghề nghiệp nuôi tôm hùm tại huyện Vạn Ninh; 3 hợp tác xã nuôi tôm hùm tại TP. Cam Ranh; 6 tổ liên kết nuôi tôm hùm tại TP. Nha Trang để xây dựng chuỗi liên kết”.

Để xây dựng thành công các mô hình liên kết, ngành thủy sản sẽ tập trung hỗ trợ các bên có liên quan tham gia chuỗi tiếp cận những chính sách hỗ trợ; hướng dẫn chuyển giao tiến bộ khoa học – công nghệ trong nuôi trồng thủy sản; triển khai tốt quy hoạch vùng nuôi trồng thủy sản tập trung để phát triển vùng nguyên liệu; tạo điều kiện thuận lợi để các đơn vị thu mua, xuất khẩu kết nối với người nuôi tôm hùm trong tỉnh…

Để xuất khẩu tôm hùm chính ngạch sang thị trường Trung Quốc, doanh nghiệp phải được cấp mã doanh nghiệp xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc do Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường – Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cấp; có chứng thư kiểm dịch của các chi nhánh của Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường cấp.

HẢI LĂNG

Nguồn: Baokhanhhoa.vn

Tin mới nhất

CN,28/04/2024