Đánh vi sinh đúng cách khi ao nuôi bị phèn

[Người Nuôi Tôm] – Phèn cao không chỉ làm giảm chất lượng nước trong ao nuôi tôm mà còn vô hiệu hóa chế phẩm sinh học. Xử lý phèn đúng cách là chìa khóa để tiết kiệm chi phí và ổn định môi trường ao, giúp tôm nuôi phát triển khỏe mạnh.

Phèn ảnh hưởng thế nào đến hiệu quả của vi sinh?

Vi sinh là một trong những công cụ quan trọng giúp cải thiện môi trường ao nuôi, xử lý chất hữu cơ và khí độc. Tuy nhiên, trong điều kiện nước bị phèn, vi sinh rất dễ bị vô hiệu hóa:

• pH thấp khiến vi sinh bị ức chế hoạt động hoặc chết ngay sau khi thả xuống ao.

• Ion sắt và nhôm trong nước tạo kết tủa, phá vỡ màng tế bào của vi sinh vật.

• Phèn kết bông chất hữu cơ, khiến vi sinh xử lý đáy và nước kém hiệu quả.

• Giảm oxy hòa tan, ảnh hưởng đến cả tôm, cá và hệ vi sinh. Vì vậy, nếu không xử lý phèn trước, việc đánh vi sinh chẳng khác nào ném tiền qua ao.

Chọn lựa và đánh vi sinh đúng cách sẽ giúp mang lại kết quả cao. Ảnh: ST

Ba bước đánh vi sinh hiệu quả khi phèn cao

Bước 1: Kiểm tra tình trạng phèn và pH

Trước khi đánh vi sinh, cần kiểm tra pH và nồng độ ion sắt/ nhôm bằng pH kế, giấy quỳ hoặc bộ test chuyên dụng.

• Nếu pH < 6.5, đặc biệt dưới 5.5, tuyệt đối không đánh vi sinh ngay.

• Nếu ion Fe3+ hoặc Al3+ > 1 ppm, nguy cơ làm chết vi sinh rất cao.

Giải pháp: Xử lý phèn trước khi sử dụng vi sinh.

Bước 2: Xử lý phèn đúng cách

Sử dụng vôi để trung hòa phèn và nâng pH:

• Vôi CaCO₃ (vôi nông nghiệp): 30 – 50 kg/1.000 m³ nước với ao phèn nhẹ.

• Vôi CaO (vôi sống): 10 – 15 kg/1.000 m³ nếu pH rất thấp và phèn nặng.

Lưu ý:

• Rải đều vào buổi trưa nắng để tăng hiệu quả, kết hợp quạt nước để phân tán nhanh.

• Sau 1 – 2 ngày, kiểm tra lại pH và nồng độ phèn trước khi tiến hành đánh vi sinh.

Bước 3: Chọn và sử dụng vi sinh phù hợp

Lựa chọn chủng vi sinh chịu được pH thấp nhẹ:

• Ví dụ: Bacillus subtilis, Bacillus licheniformis, Lactobacillus… Chọn sản phẩm có chất mang tốt, giúp bảo vệ vi sinh trước ion kim loại trong nước.

Kích hoạt sinh khối trước khi đánh:

• Pha vi sinh với 1 lít mật rỉ + 20 lít nước ao sạch, ủ 12 – 24 giờ trong thùng kín.

• Có thể sục khí nhẹ nếu điều kiện cho phép để tăng mật độ vi sinh.

• Không trộn với hóa chất diệt khuẩn.

Thời điểm đánh:

• Sáng sớm hoặc chiều mát, tránh lúc trời nắng gắt.

• Không đánh cùng lúc với vôi, nên cách nhau ít nhất 24 giờ để tránh tương tác bất lợi.

Liều lượng và tần suất:

• Đánh 3 – 5 ngày/lần, tùy theo mật độ tôm và tải lượng hữu cơ.

• Nếu đáy ao nhiều mùn bã, nên kết hợp thêm vi sinh chuyên xử lý đáy (Bacillus + enzyme).

Một số lưu ý tăng hiệu quả khi dùng vi sinh trong ao có phèn:

• Duy trì pH nước từ 7.0 – 8.0 để tạo điều kiện tốt nhất cho vi sinh hoạt động.

• Không trộn vi sinh với các hóa chất oxy hóa mạnh như KMnO₄, iodine, formol…

• Sau mưa lớn, kiểm tra lại pH và nồng độ phèn – vì nước mưa có thể kéo phèn từ bờ ao xuống.

• Cấy men định kỳ ngay từ đầu vụ, giúp tăng mật độ vi sinh có lợi và ổn định môi trường.

Vương Đệ