Dân nuôi tôm hùm khốn đốn vì bị ‘nợ dây chuyền’
Tình trạng “nợ dây chuyền” đang xuất hiện tại vùng nuôi tôm hùm ở vịnh Cam Ranh, thành phố Cam Ranh, tỉnh Khánh Hòa khi thương lái nợ hàng chục tỷ trong thời gian dài rồi biệt tăm. Những người đứng ra thu mua tôm cho thương lái bỗng lâm vào cảnh nợ nần chồng chất, phải thế chấp nhà cửa… vì không có tiền trả cho ngư dân.

Tiền tỷ “không cánh mà bay”

Tại cuộc họp báo chiều 10/7 ở trụ sở UBND tỉnh Khánh Hòa, thiếu tá Đỗ Bảo Liêm – Trưởng Phòng Tham mưu Công an tỉnh Khánh Hòa, cho biết: Hiện Công an tỉnh Khánh Hòa đang điều tra vụ việc bà N.T.A.T. (ở thành phố Đà Nẵng) bị người nuôi tôm hùm ở thành phố Cam Ranh tố cáo lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Trước đó, vào tháng 7/2022, Công an tỉnh Khánh Hòa cũng đã thụ lý, tiến hành điều tra vụ việc liên quan tới đơn của ông Nguyễn Hữu Tránh tố cáo bà N.T.A.T. có hành vi lừa đảo, chiếm đoạt tài sản hàng chục tỷ đồng. Theo ông Tránh, hành động của bà N.T.A.T. khiến hàng chục hộ nuôi tôm hùm tại vịnh Cam Ranh, thành phố Cam Ranh lâm vào cảnh lao đao vì bị thương lái nợ với tổng số tiền hơn 43 tỷ đồng.

Trong căn nhà lụp xụp được dựng tạm bằng tôn, bà Nguyễn Thị Bích Hà (ở phường Ba Ngòi, thành phố Cam Ranh) buồn rầu cho biết, đã đổ hết vốn liếng vào việc nuôi tôm hùm. Năm 2017, gia đình bà Hà đầu tư 60 triệu đồng để nuôi 1 lồng tôm hùm xanh và qua thời gian gây dựng được 30 lồng. Nhưng đến nay chỉ còn 10 lồng do không đủ tiền xoay vốn.

Vợ chồng bà Hà không còn đủ tiền nuôi tôm nên phải đưa lồng nuôi về nhà

Đến năm 2022, bà Hà bán tôm cho thương lái tên N.T.A.T. thông qua trung gian là ông Trần Hữu Tránh (ở phường Cam Thuận, thành phố Cam Ranh) với tổng số tiền gần 500 triệu đồng, nhưng đến nay vẫn chưa được thanh toán bất cứ khoản nào.

“Gia đình khốn đốn vì toàn bộ tiền vốn nuôi tôm vụ mùa 2022 không thu được. Vốn liếng mất hết nên việc tái sản xuất rất khó khăn. Tôi đang bị hở van tim 3 lá, mắt yếu và nhiều bệnh khác nên thường xuyên phải đến bệnh viện điều trị nhưng không có tiền nên phải vay mượn khắp nơi. Bị thương lái nợ khiến cuộc sống gia đình tôi càng trở nên khó khăn hơn”, bà Hà bức xúc nói.

Còn ông Trương Văn An (cùng nuôi và thu mua tôm hùm trên vịnh Cam Ranh) cho biết, ông cũng huy động tôm từ bà con và bán cho bà N.T.A.T. qua trung gian là ông Tránh với tổng số tiền khoảng 11 tỷ đồng nhưng đã hơn 2 năm chưa được thương lái trả tiền. Sau đó, ông An phải vay ngân hàng 9,5 tỷ đồng để trả cho ngư dân. Hiện ông phải trả lãi 90 triệu đồng mỗi tháng.

“Lúc bán khoảng 12 chuyến tôi mới giật mình thấy sao lâu quá mà chưa có tiền nên tìm mọi cách gặp bà N.T.A.T. để hỏi. Tại buổi gặp bà N.T.A.T. hứa trong vòng một tuần tới sẽ trả tiền nhưng mãi vẫn chưa trả đồng nào”, ông An kể.

Ông Trương Văn An hiện rõ vẻ lo lắng khi phải thế chấp nhà cửa, vay nợ ngân hàng để trả tiền mua tôm cho ngư dân.

Theo tìm hiểu của PV Tiền Phong, số lượng tôm này được bán cho Công ty TNHH thủy sản và thương mại Thành Nhơn và người đứng ra đại diện mua là bà N.T.A.T. Lý giải cho việc làm ăn với bà N.T.A.T., người dân cho biết bà này thường thu mua tôm hùm với giá cao hơn thị trường và tự giới thiệu là doanh nghiệp xuất khẩu tôm lớn nhất Việt Nam nên một số người nuôi tôm đã đặt tin tưởng và đồng ý để bà N.T.A.T. nợ với số tiền rất lớn.

Khốn khổ vì bị “nợ dây chuyền”

Hiện cả người nuôi tôm lẫn người thu mua đều vô cùng khốn khổ với cảnh “nợ dây chuyền” khi ngư dân không biết lấy lại tiền từ đâu, còn người thu mua bỗng dưng “gánh” nợ hàng chục tỷ đồng. Trong khi đó, bà N.T.A.T. đã cắt đứt liên lạc với cả người bán lẫn người thu mua hộ.

Ông Trần Hữu Tránh lao đao vì gánh trên vai số nợ gần 45 tỷ đồng

Kể từ khi sự việc xảy ra, ông Trần Hữu Tránh (ở thành phố Cam Ranh) luôn sống trong lo lắng, thấp thỏm vì bỗng dưng mang trên mình số nợ hàng chục tỷ đồng. Theo lời ông Tránh, đầu năm 2022, bà N.T.A.T. giới thiệu mình là chủ doanh nghiệp xuất khẩu tôm lớn nhất Việt Nam và nhiều lần đề nghị ông Tránh thu mua tôm của người dân và bán lại cho bà N.T.A.T. với mức tiền chênh lệch là 10.000 đồng/kg.

Thời gian đầu hợp tác, bà N.T.A.T. đều thanh toán đầy đủ. Sau đó, bà N.T.A.T. viện các lý do như tiền tôm chưa về kịp, khách còn nợ.., để kéo dài thời gian trả tiền. “Sau nhiều lần bị tôi đòi tiền, bà N.T.A.T. đã viết giấy nhận nợ có nội dung ‘chưa trả hơn 43 tỷ đồng tiền tôm là do thu hồi tiền hàng bị chậm’ và hứa sẽ nhanh chóng thanh toán tiền cho tôi. Sau đó bà N.T.A.T. cắt đứt hoàn toàn liên lạc với tôi. Thời gian qua, tôi đã bị những người bán tôm siết nhà và nhiều lần đe dọa”, ông Tránh tâm sự.

Nhiều người dân đang mong chờ sự giúp đỡ từ các cơ quan chức năng

Sau đó ông Tránh và những người ngư dân đã đi tìm bà N.T.A.T. tại trụ sở công ty, nhà mẹ đẻ, các xưởng, điểm đóng tôm… nhưng đều không thấy. Khi mọi người đến trực tiếp trụ sở Công ty TNHH thủy sản và thương mại Thành Nhơn thì không có biển hiệu, bảng quảng cáo nào thể hiện công ty đang hoạt động.

Liên quan đến vụ việc này, bà Trần Thị Được – Phó Chủ tịch UBND phường Cam Thuận, thành phố Cam Ranh, cho biết: Địa phương đã nắm được vụ việc người dân bị chủ cơ sở thu mua tôm chưa trả với số tiền lớn. Sau những sự việc xảy ra, cơ quan chức năng trên địa bàn đã tuyên truyền, thông báo rộng rãi cho bà con ngư dân bằng nhiều hình thức để đảm bảo an toàn khi bán tôm cho thương lái, tránh tình trạng vì được giá cao mà để xảy ra nhiều vụ bán tôm hùm giá trị lớn đầy rủi ro.

Lồng nuôi tôm hùm của người dân bị bỏ không trên vịnh Cam Ranh vì hết vốn để nuôi

Nhất Nguyên – Lữ Hồ

Báo Điện tử Tiền Phong

Tin mới nhất

T3,03/12/2024