Chi phí đầu vào tăng cao, người nuôi trồng thủy sản gặp khó

Dưới tác động của dịch Covid -19, giá thức ăn thủy sản trong năm qua liên tục tăng, trong khi việc tiêu thụ sản phẩm gặp nhiều khó khăn, giá cá thương phẩm giảm mạnh. Điều này đã và đang khiến người nuôi trồng thủy sản trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc gặp nhiều khó khăn.

Với diện tích nuôi trồng thủy sản khoảng 8 mẫu, gia đình anh Trần Trung Anh, xã Liên Châu, huyện Yên Lạc sử dụng gần 1.500 bao cám các loại mỗi vụ. Ảnh: Thế Hùng

Chuyển từ mô hình 1 lúa + 1 cá sang nuôi thâm canh cá 4 năm nay, anh Trần Trung Anh, chủ một ao nuôi thủy sản với diện tích 8 mẫu tại xã Liên Châu, huyện Yên Lạc đã trải qua không ít khó khăn. Có thời điểm thiệt hại hàng chục triệu đồng do dịch bệnh. Thế nhưng, chưa khi nào anh lại thấy nghề nuôi cá khó khăn như năm vừa qua. Dịch Covid -19 bùng phát, kéo dài đã khiến giá cá giảm mạnh.

Anh Trần Trung Anh cho hay: Mặc dù giá cá thời điểm này đã tăng so với cuối năm ngoái, tuy nhiên vẫn có sự sụt giảm nhiều so với thời điểm trước khi dịch Covid – 19 bùng phát. Cụ thể giá cá trắm từ 50.000 đồng/kg nay giảm xuống 47.000 – 48.000 đồng/kg; giá cá chép từ 48.000 đồng/kg nay giảm xuống 44.000 – 45.000 đồng/kg; cá rô phi đơn tính từ 34.000/kg giảm xuống 29.000 -30.000 đồng/kg.

Trong khi đó, giá thức ăn cho cá liên tục tăng. Với 8 mẫu ao thả cá, trung bình mỗi lứa cá gia đình anh sử dụng hết 1.400 -1.500 bao cám các loại. Giá cám tăng thêm từ 50 – 60 nghìn đồng/bao, chi phí thức ăn phục vụ nuôi trồng thủy sản của gia đình cũng bị đội lên từ 70 – 80 triệu đồng/ lứa so với thời điểm 2 năm trước.

Chưa kể, dịch Covid-19 diễn biến phức tạp tại nhiều địa phương đã ảnh hưởng đến quá trình vận chuyển và tiêu thụ sản phẩm thủy sản. Nếu như trước đây, mỗi vụ thu hoạch, gia đình anh chỉ bán trong 5 – 7 ngày là hết, nhưng nay phải kéo dài tới 10 -12 ngày. Với 2,4 triệu đồng tiền thuê nhân công mỗi buổi, chi phí đánh bắt buộc phải tăng thêm hơn 10 triệu đồng/vụ.

Nhìn ao nuôi sắp tới vụ thu hoạch anh Trung Anh không khỏi lo lắng: “Lứa cá thu hồi tháng 10 năm ngoái, gia đình tôi đã lỗ gần 100 triệu đồng. Tới lứa này, hi vọng là có thể hòa vốn”.

Cùng chung khó khăn, anh Vũ Đức Tuấn, xã Yên Đồng, huyện Yên Lạc cho biết: Đến thời điểm hiện nay, giá thức ăn thủy sản đã tăng 20% so với trước. Điều này khiến chi phí đầu tư bị đội lên cao.

Trong khi đó giá các loại cá bình quân đã giảm từ 45.000 – 50.000 đồng/kg xuống còn 35.000 -40.000 đồng/kg. Mặc dù chưa đến mức bị lỗ song lợi nhuận của gia đình đã bị tụt giảm đáng kể.

Với diện tích nuôi trồng gần 5000m2, trước đây, mỗi vụ anh Tuấn xuất bán 60 tấn cá, thu về lợi nhuận trên 50 triệu đồng/lứa. Tuy nhiên, cũng với diện tích ấy, năm 2021, lợi nhuận từ nuôi cá của gia đình anh gần như bằng không. Anh Tuấn chia sẻ: “Với tình hình như năm vừa qua, có thể hòa đã là may mắn”.

Chi phí thức ăn liên tục tăng cao, giá cá ở mức thấp, nguy cơ thua lỗ là rất lớn. Trước tình hình đó, nhiều hộ nuôi trồng thủy sản trong tỉnh đã mạnh dạn áp dụng tiến bộ khoa học – kỹ thuật vào sản xuất, kiểm soát tốt môi trường nước, quản lý nguồn thức ăn để hạn chế rủi ro do dịch bệnh, tăng năng suất và giảm giá thành đầu tư.

Là 1 trong 6 hộ đầu tiên trong tỉnh áp dụng hệ thống cảm biến kiểm soát các yếu tố môi trường nước trong thâm canh cá nước ngọt, anh Vũ Đức Tuấn chia sẻ: “Được hỗ trợ của Trung tâm Khuyến nông tỉnh, cuối năm 2021, gia đình đầu tư lắp đặt hệ thống cảm biến giúp giám sát liên tục biến động của môi trường nước để có những điều chỉnh, xử lý kịp thời, mong muốn hạn chế tối đa rủi ro do dịch bệnh tránh thêm thiệt hại không đáng có”.

Đồng thời, anh Tuấn cũng đã giảm số lượng đầu con trên ao nuôi nhằm giảm chi phí thức ăn, cố gắng vượt qua giai đoạn khó khăn hiện nay.

Cùng với sự chủ động, linh hoạt của các hộ nuôi, hoạt động nuôi trồng thủy sản trên địa bàn tỉnh thời gian qua vẫn được duy trì, đảm bảo nhu cầu tiêu dùng sản phẩm thủy sản.

Ước tính diện tích nuôi trồng tính đến hết tháng 3/2022 đạt trên 4,5 nghìn ha, giảm 0,96%. Tổng sản lượng thủy sản trong quý I ước đạt gần 5,6 nghìn tấn, giảm 0,97% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, sản lượng khai thác nội địa ước đạt gần 500 tấn, giảm 4,54%; sản lượng nuôi trồng ước đạt trên 5 nghìn tấn, giảm 0,63%.

Dù vậy, với tình hình giá thức ăn thủy sản tăng mạnh như hiện nay, nếu thị trường tiêu thụ không chuyển biến tích cực, người nuôi trồng sẽ khó có lợi nhuận. Bởi vậy, sự quan tâm của cơ quan chức năng nhà nước trong tháo gỡ khó khăn, ổn định và phát triển sản xuất là hết sức cần thiết.

Nguyễn Hường

Nguồn tin: Báo Vĩnh Phúc,

Tin mới nhất

T5,21/11/2024