Chất chống oxy hóa bảo vệ cá rô phi khỏi độc tố Mycotoxin

Một nghiên cứu mới được đăng trên tạp chí Sciencedirect đã khám phá việc sử dụng chất chống oxy hóa quercetin, rutin và polyphenol trong trà để ngăn chặn thức ăn bị nhiễm độc tố nấm mốc T-2 (Mycotoxin) trên cá rô phi.

Những năm qua, trong lĩnh vực sản xuất thức ăn thủy sản, xu hướng thay thế nguồn protein động vật bằng protein thực vật đã dẫn đến nguy cơ nhiễm độc tố cao hơn. Đặc biệt, ở các vùng có khí hậu nóng ẩm, như khu vực Đông Nam Á, việc nhiễm độc tố nấm mốc thường xảy ra phổ biến hơn. 

Mycotoxin là hợp chất hóa học độc hại được tạo ra bởi nấm mốc bao gồm Aflatoxin, Ochratoxin A, Trichothecenes (DON; T-2; độc tố), Zearalenone, Fumonisin và Moniliformin. Nấm mốc có thể lây nhiễm từ ngũ cốc và hạt có dầu, trong giai đoạn trồng, thu hoạch, chế biến và bảo quản. Trong thời gian sản xuất và sử dụng thức ăn, nếu nhiệt độ và độ ẩm thuận lợi, nấm mốc sẽ phát triển và sinh ra độc tố. Mỗi quần thể nấm phát triển ở những điều kiện khác nhau sẽ sinh ra nhiều loại độc tố.

Khác với động vật trên cạn, các loài thủy sản không có các biểu hiện lâm sàng rõ ràng khi nhiễm độc tố nấm mốc, vì vậy chủ đề về ảnh hưởng của độc tố nấm mốc thường không được đề cập trong các thảo luận về nuôi trồng thủy sản. Độc tố nấm mốc là một trong các tác nhân, sẽ ảnh hưởng lên năng suất tăng trưởng, hiệu quả sử dụng thức ăn và khả năng kháng bệnh, gây thiệt hại kinh tế cho người nuôi.

Nhiễm độc mycotoxin từ thức ăn có nguồn gốc từ thực vật sẻ ảnh hưởng xấu đến sự tăng trưởng và sức khỏe của cá rô phi (Oreochromis niloticus). Do đó, nghiên cứu của Deng và ctv được tiến hành để tìm các tác nhân sinh học tự nhiên có thể bảo vệ chống lại các độc tố này.

Chế độ ăn uống có chứa chất chống oxy hóa quercetin , rutin và polyphenol trong trà đã được nghiên cứu về tác dụng của chất chống oxy hóa đến tăng trưởng, phản ứng chống oxy hóa, thay đổi mô bệnh học và dư lượng T-2 trong cá rô phi. 

>>> Bacteriocin kháng lại vi khuẩn gây bệnh gan thận mũ trên cá tra

Nghiên cứu cho ăn

Trong thử nghiệm cho ăn, năm nhóm cá rô phi (Oreochromis niloticus) đã tiếp xúc với việc tăng liều T-2 và bổ sung chất chống oxy hóa (đối chứng, T-2, T-2 + quercetin, T-2 + rutin, T-2 + polyphenol từ trà) trong 20 ngày để đánh giá khả năng tác dụng của chất chống oxy hóa đối với sự tăng trưởng, hoạt động của enzyme chống oxy hóa , mô bệnh học và dư lượng trong gan và cơ cá.

Kết quả chỉ ra rằng việc tiếp xúc với việc tăng liều T-2 làm giảm đáng kể tỷ lệ sống, giảm tăng trưởng, giảm chỉ số gan trên cơ thể, gây tổn thương tế bào gan và cơ, và tăng dư lượng T-2 trong gan và cơ.

Bổ sung chế độ ăn uống với chất chống oxy hóa có hiệu quả làm giảm tổn thương gan và cơ cá. Tóm lại quercetin, rutin và polyphenol trong trà làm giảm đáng kể tổn thương gan và cơ ở cá rô phi.

Bổ sung chế độ ăn cá rô phi bằng rutin cho thấy sự tăng trưởng được cải thiện, tăng khả năng chống oxy hóa và giảm đáng kể tổn thương gan và cơ. Do đó, việc bổ sung chất chống oxy hóa vào chế độ ăn của cá là cần thiết để kích thích miễn dịch chống lại tỷ lệ mắc bệnh và tử vong liên quan đến mycotoxin ở cá.

Độc tố T-2 gây ra tác dụng bất lợi đối với cá rô phi và xáo trộn hệ thống chống oxy hóa trong huyết tương và gan gây viêm gan và nhiễm độc gan. 

Việc bổ sung chất chống oxy hóa vào chế độ ăn uống đã chứng minh hiệu quả bảo vệ cá nuôi trước các độc tố nấm mốc và bằng cách cải thiện tổn thương gan và cơ. Ngoài ra bổ sung Polyphenol từ trà vào thức ăn của cá giúp tăng khả năng chống oxy hóa và giảm các tác động tiêu cực do độc tính T-2 gây ra. Do đó, sự bổ sung này có thể được sử dụng như một chiến lược để giảm độc tính liên quan đến T-2  trong cá. 

Như Huỳnh lược dịch

Xem thêm: Xu hướng mới phòng trị bệnh tôm theo mô hình an toàn sinh học

Tin mới nhất

T5,21/11/2024