Bệnh trên tôm càng xanh

Một nhóm các nhà khoa học đã tiến hành nghiên cứu về khả năng bùng phát của một số dịch bệnh và có thể trở thành mối đe dọa đối với ngành nuôi trồng thủy sản trên tôm càng xanh.

Đặc tính

Tôm càng xanh thường sống ở các khu vực nước ngọt (đầm, ao, sông, rạch, ruộng lúa…) và kể cả ở vùng nước lợ cửa sông. Ở Việt Nam, tôm càng xanh phân bố chủ yếu ở các tỉnh Nam Bộ đặc biệt là Đồng Bằng Sông Cửu Long.

Tôm càng xanh có trọng lượng khá lớn, con đực có thể đạt tới 450g/con. Thân tương đối tròn, con trưởng thành có màu xanh dương đậm. Khi chiều dài bình quân 8 – 14cm, trọng lượng cơ thể từ 10-20g, tôm càng xanh có sự phát triển tương đương giữa con đực và con cái. Khi chiều dài vượt quá 14cm, con đực thường phát triển nhanh hơn con cái.

Tôm càng xanh. Ảnh: pbs.twimg.com

Chúng sinh sản gần như quanh năm, mùa đẻ rộ nhất của tôm càng xanh ở Đồng Bằng Nam Bộ tập trung vào hai thời điểm từ tháng 4 – tháng 6, tháng 8 – tháng 10. Số lượng trứng đẻ ra tỷ lệ thuận với trọng lượng tôm cái, trung bình từ 700-1000 trứng/1 gram tôm mẹ thành thục.

Các nhà nghiên cứu từ Trung tâm Khoa học Môi trường, Nghề cá và Nuôi trồng Thủy sản (Cefas), Đại học Thái Lan và Viện Công nghệ châu Á đã công bố một đánh giá khoa học tập trung vào nghiên cứu mầm bệnh trong quá trình nuôi tôm càng xanh nhằm đưa ra các giải pháp có thể hạn chế truyền nhiễm bệnh. Nhóm chuyên gia lưu ý rằng kể từ lần nghiên cứu mầm bệnh cuối cùng vào năm 2012, số lượng các bệnh đặc trưng đã tăng lên.

Một số bệnh do virus truyền nhiễm

Bệnh hoại tử cơ quan tạo máu và cơ quan lập biểu mô (IHHNV)

Nguyên nhân: Bệnh IHHNV do virus infectious hypodermal và hematopoietic necrosis gây ra.

Bệnh thường gặp ở trên cả tôm sú và tôm thẻ chân trắng ở bất cứ giai đoạn phát triển, thời điểm trong năm.

Sau khi xâm nhiễm sẽ phá hủy các tế bào biểu mô ở vùng đầu, đuôi, cơ quan tạo máu, hệ bạch huyết, các tế bào thần kinh, tuyến râu, có thể lây truyền theo chiều dọc lẫn chiều ngang, làm hoại tử mô và làm tôm sưng to.

Những cá thể mang mầm bệnh nếu sống sót cũng sẽ mang virus trong suốt vòng đời và sẽ lây truyền cho thế hệ sau.

Bệnh Parvovirus gan tuỵ ở tôm he (HPV)

Tác nhân gây bệnh Parvovirus là nhóm Parvovirus.

Biểu hiện tôm nhiễm bệnh: Tôm bỏ ăn, ít ăn, hoạt động yếu, dễ bị nhiễm các sinh vật bám trên mang, vỏ và các phần phụ. Gan tôm bị teo lại hoặc hoại tử, hệ cơ bụng đục mờ, hiện tượng chết thường xảy ra ở tôm ấu trùng, tỷ lệ chết từ 50-100%.

Bệnh liên quan đến mang tôm (GAV)

Bệnh GAV do giống Okavirus thuộc bộ Nidovirales gây ra và thường gây bệnh trên tôm khoẻ.

Biểu hiện tôm nhiễm bệnh: Tôm có dấu hiệu hôn mê, kém ăn và bơi trên tầng mặt và gần bờ ao. Cơ thể xuất hiện màu đỏ thẫm ở các phần phụ, mang tôm chuyển sang màu hồng và vàng.

Ngoài ra, còn có các bệnh khác như bệnh tôm chết bí ẩn do Nodavirus (CMNV), Bệnh đốm trắng do virus gây ra (WSSV), Virus gây bệnh ánh kim (DIV1),..

Bệnh do vi khuẩn, nấm

Nấm có xu hướng gây ra tỷ lệ tử vong thấp hơn so với các bệnh do nhiễm virus và vi khuẩn. Tuy nhiên, chúng có thể làm thay đổi màu sắc tôm, khiến giá trị thương mại của tôm bị sụt giảm. Nhiễm trùng nấm men sẽ thường xuất hiện vào những tháng mùa đông khi nhiệt độ nước xuống thấp.

Nhiễm trùng microsporidia (Microsporidia là một loại bào tử nấm ký sinh nội bào bắt buộc là nấm hoặc họ hàng gần với chúng), được thấy ở tôm càng xanh nhưng cho đến nay vẫn chưa có nhiều mô tả về mặt phân loại bệnh.

Nghiên cứu cho thấy có khả năng nhiều mầm bệnh ảnh hưởng đến các loài tôm khác có thể lây nhiễm sang tôm càng xanh. Các nhà sản xuất tôm đang nỗ lực tìm đến các liệu pháp kháng sinh nhằm phòng ngừa và hạn chế rủi ro, thiệt hại cho trại nuôi của họ.

Nhất Linh

Tép Bạc

Tin mới nhất

T5,21/11/2024