Bến Tre: Tái chế bạt nhựa từ ao nuôi thủy sản thành gạch lát nền

Tận dụng các bạt nhựa trong ao nuôi thủy sản, nhóm tác giả ở Phân Viện Nghiên cứu Hải sản phía Nam sản xuất ra loại gạch nhựa HDPE, có thể dùng lát nền, góp phần giảm ô nhiễm môi trường từ nghề nuôi trồng thủy sản.

Trong nuôi trồng thủy sản, rác thải nhựa là một trong những nguyên nhân chính gây ô nhiễm môi trường.

Là một tỉnh phát triển mạnh nghề nuôi trồng thủy sản, Sở KH&CN Bến Tre đã đặt hàng Phân Viện Nghiên cứu Hải sản phía Nam thực hiện một nghiên cứu nhằm đánh giá hiện trạng sử dụng bạt nhựa từ các ao nuôi thủy sản trên địa bàn tỉnh, từ đó đề xuất giải pháp xử lý bạt ao nuôi qua sử dụng.

Các ao nuôi tôm chủ yếu lót bạt HDPE. Ảnh: Internet

 

Kết quả, theo khảo sát của nhóm nghiên cứu, ở Bến Tre, 100% hộ nuôi tôm theo phương thức siêu thâm canh đều sử dụng bạt nhựa. Tỷ lệ này chiếm 75-77% ở các hộ nuôi tôm thâm canh và bán thâm canh và 10,7% ở các hộ nuôi quảng canh cải tiến. Tổng lượng phát thải nhựa nuôi trồng thủy sản của các phương thức nuôi lần lượt là hơn 3 tấn, gần 1,2 tấn, và 0,26-0,28 tấn/ha/năm.

Phần lớn số bạt cũ thải vào môi trường biển, hoặc đưa về vựa phế liệu, đốt bỏ, tái sử dụng lót ao cá, che chuồng nuôi gia súc, gia cầm,…

Do bạt nhựa lót ao nuôi thủy sản chủ yếu được làm từ nhựa HDPE (High-Density Polyethylene) – một loại nhựa dẻo, thân thiện với môi trường, bền trước những tác động của môi trường và các loại hóa chất tẩy rửa, nhóm tác giả đã đề xuất tái chế chúng thành gạch lát nền.

Cụ thể, bạt nhựa lót ao, đầm nuôi tôm đã qua sử dụng được cắt nhỏ thành miếng 1-2cm bằng máy băm, sau đó được làm sạch và sấy khô. Đem hai nguyên liệu chính là cát (20%) và các mảnh bạt nhựa (80%) phối trộn cùng một số phụ gia (tạo màu, tăng khả năng chống lão hóa cho nhựa,…) rồi đưa vào máy trộn và nung chảy ở nhiệt độ 300 – 320oC thành một hỗn hợp đồng nhất có tính bám dính. Sau đó, hỗn hợp này được cho vào khuôn máy ép để tạo hình gạch.

Sản phẩm gạch nhựa HDPE. Ảnh: NNC

 

Gạch nhựa HDPE có cường độ chịu uốn tốt và chịu nén tốt, đạt 14,4 MPa và 13 MPa, gấp ba lần so với cường độ uốn yêu cầu của gạch terrazzo – loại gạch không nung được sản xuất từ các nguyên liệu cát, bột đá, bột màu, xi măng, phụ gia, có độ cứng cao, bền và khả năng chịu lực, chịu tác động của thời tiết. Ngoài ra, gạch còn có khả năng chịu mài mòn và gần như không hút nước. Các thông số của gạch như độ chịu nén, độ mài mòn, hút nước,… đạt yêu cầu theo các TCVN như 6476-1999, 7744:2013, 6065-1995.

Nhóm cũng xây dựng mô hình sản xuất gạch từ nhựa HDPE đã sử dụng trong nuôi trồng thủy sản trên quy mô công nghiệp. Mô hình đã được chuyển giao cho Công ty TNHH một thành viên Sản xuất – Thương mại – Dịch vụ Đại Hùng Anh (Bến Tre) sản xuất thử nghiệm.

Đề tài “Đánh giá hiện trạng sử dụng bạt nhựa trong ao nuôi thủy sản và đề xuất giải pháp xử lý nhằm bảo vệ môi trường theo hướng bền vững tại Bến Tre” của nhóm tác giả đã được Sở KH&CN Bến Tre nghiệm thu, kết quả đạt.

Kiều Oanh

Nguồn: Báo Khoa học và Phát triển

Đăng số 1316(số 44/2024) KH&PT

Tin mới nhất

T4,20/11/2024