‘Bắt bệnh’ sức cạnh tranh yếu trong xuất khẩu con tôm Việt Nam

Giá thành cao từ 30 – 100% khiến con tôm Việt Nam ngày càng mất sức cạnh tranh trên thị trường xuất khẩu.

“Gót chân Achilles” của tôm Việt

Theo số liệu Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản (VASEP), kim ngạch xuất khẩu tôm trong tháng 5/2023 đạt 331 triệu USD, giảm 28% so với cùng kỳ năm ngoái. Tính chung, 5 tháng đầu năm 2023, xuất khẩu tôm của Việt Nam đạt khoảng 1,4 tỉ USD. Xuất khẩu tôm của Việt Nam giảm sút từ tháng 8/2022 kéo dài cho tới nay.

“Bắt bệnh” sức cạnh tranh yếu trong xuất khẩu con tôm Việt Nam

Nguyên nhân chính của sự sụt giảm này theo ông Lê Văn Quang – Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc Minh Phu Seafood Corp, ngành tôm đang phải đối mặt với các áp lực lớn của thị trường như suy thoái kinh tế toàn cầu, sức mua giảm. Giá tôm giảm do dư cung, biên lợi nhuận của doanh nghiệp giảm.

Tuy nhiên, vấn đề cốt lõi của ngành tôm Việt Nam hiện nay đó là sức cạnh tranh. Ông Lê Văn Quang phân tích, so sánh giá thành sản xuất tôm giữa 3 đối thủ cạnh tranh là Việt Nam, Ecuador, Ấn Độ thì giá thành tôm nuôi của Việt Nam (4,8 – 5,0 USD/kg) cao hơn 100% so với Ecuador (2,3 – 2,4 USD/kg) và hơn 30% so với tôm Ấn Độ (3,4 – 3,8 USD/kg).

Tỉ lệ thành công của tôm Việt Nam đạt dưới 40%, thấp hơn so với Ecuador (90%) và Ấn Độ (60 – 70%). Tỷ lệ sống của tôm Việt Nam trong nuôi thương phẩm đạt thấp do chưa chủ động chọn giống và sản xuất tôm giống có sức chống chịu tốt với điều kiện bất lợi của môi trường.

Căn nguyên của tình trạng trên là do đặc điểm của nuôi tôm ở Việt Nam là nuôi nhỏ lẻ, hộ gia đình, mỗi gia đình chỉ nuôi từ 1-3 ha và không có kênh cấp thoát nước riêng. Do vậy, nên tỷ lệ sống của tôm thấp. Chính việc nuôi tôm nhỏ lẻ cũng khiến đầu tư cơ sở hạ tầng, đường xá, giao thông cho vùng nuôi rất khó khăn.

“Tôm nuôi Việt Nam có mật độ lên tới 250 – 500 con/m2, Ấn Độ 60 con/m2 trong khi Ecuador chỉ 20 – 30 con/m2. Tôm nuôi Việt Nam có mật độ dày, cao hơn so với sức tải sinh thái và khả năng quản lý ao, dẫn tới rủi ro lớn. Giá các nguyên vật liệu thiết yếu phục vụ nuôi tôm cao hơn thực tế khi đến tay người nuôi tôm”, ông Lê Văn Quang cho hay.

Một vấn đề nữa được các doanh nghiệp cho biết đó là tình trạng nuôi tôm có kháng sinh tiêu tốn khoảng 10 nghìn tỷ đồng mỗi năm. Sự tiêu tốn này phát sinh trong chi phí lấy mẫu kiểm kháng sinh tại vùng nuôi, trong nhà máy, trước khi nhập cảnh, thời gian lưu bãi. Tất nhiên, các chi phí này cộng hết vào giá tôm. Chính tình trạng này khiến Nhật Bản kiểm tra 100% hàng từ Việt Nam trong khi Ấn Độ, Thái Lan không bị.

Nâng sức cạnh tranh, yếu tố sống còn

Đầu thập kỷ 2010, Việt Nam chỉ đứng sau Trung Quốc và Thái Lan về sản lượng tôm. Hiện tại Ecuador, Ấn Độ và Indonesia đã vượt qua Việt Nam. Thị trường ngày càng đặt ra các yêu cầu cao như sản phẩm sạch, truy xuất được nguồn gốc, mô hình bền vững, đảm bảo phúc lợi của tôm nuôi. Điều này dẫn tới phát sinh thêm chi phí hoặc không khả thi với mô hình sản xuất kinh doanh hiện tại.

Sản lượng tôm sú của Việt Nam – là loài bản địa với sản lượng đứng đầu thế giới – gần như không tăng. Năm 2022, tôm sú chỉ chiếm 25% còn lại 75% là tôm chân trắng. Nếu không được đầu tư, Việt Nam bỏ lỡ cơ hội gia tăng năng lực cạnh tranh.

Ông Võ Văn Phục – Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc Công ty CP Thủy sản sạch Việt Nam – đánh giá, cuộc khủng hoảng trên thế giới chưa biết bao giờ sẽ dừng lại. Do đó, thị trường tiêu thụ sẽ khó khăn, cộng thêm thách thức chiến lược về nguồn cung tôm giá rẻ, trong khi cung vượt cầu làm cho giá tôm thành phẩm xuống thấp, thậm chí còn thấp hơn giá nguyên liệu. Cho nên, người nuôi tôm bị thua lỗ và co lại, ảnh hưởng tới quy mô ngành tôm.

Việc giá thành tôm trong nước cao, doanh nghiệp xuất khẩu sẽ hướng tới sử dụng nguồn nguyên liệu nhập khẩu từ bên ngoài. Việc này đồng nghĩa sẽ khuyến khích đối thủ phát triển ngành nuôi tôm, đồng thời sẽ làm mai một ngành nuôi tôm trong nước và ảnh hưởng tới giá tôm trong nước.

“Cần một cuộc cách mạng giảm giá thành, tăng năng suất trong lĩnh vực nuôi tôm, trong đó, nhấn mạnh đến vai trò của doanh nghiệp”, ông Võ Văn Phục nhận định và cho rằng, trong thời gian tới doanh nghiệp cần thay đổi suy nghĩ để làm sao chúng ta có được sự đầu tư mạnh mẽ vào vùng nuôi. Đây là tiền đề để giải quyết được thách thức về mặt giá thành nguyên liệu. Đồng thời chứng minh cho người mua là các doanh nghiệp Việt Nam làm ăn chân chính, nghiêm túc, vùng nuôi có chứng nhận, có truy xuất nguồn gốc, xuất xứ.

Bên cạnh đó, Nhà nước có vai trò lớn để phát triển ngành tôm. Theo đó, cần quy hoạch cơ sở hạ tầng thuận lợi cho vùng nuôi, như đường xá, kênh thủy lợi, tích tụ ruộng đất, các cơ sở hạ tầng khác và có các chính sách hỗ trợ nông dân để tránh mai một nghề nuôi.

Hiện năng lực chế biến của Việt Nam thuộc Top đầu thế giới nhưng các đối thủ Ecuador, Ấn Độ cũng đang vận động, phấn đấu và có thể đuổi kịp Việt Nam. Trong khi Ấn Độ, Ecuador đã có nhiều thế mạnh về nuôi tôm, nếu họ phát triển tốt khâu chế biến thì chỉ 10 năm nữa, Việt Nam khó có thể cạnh tranh.

Ngành thủy sản đặt ra mục tiêu giai đoạn 2023 – 2045, nâng cao giá trị và ưu thế cạnh tranh của ngành tôm Việt Nam trên cơ sở lợi nhuận, tính bền vững và độ tín nhiệm của người tiêu dùng.

Ngành tôm Việt Nam buộc phải nhảy vào cuộc đua về chất lượng và giá thành. Trong bối cảnh mới, ông Trần Văn Phẩm – Chủ tịch HĐQT Công ty Thủy sản Sóc Trăng – cho rằng, VASEP cần quan tâm cả chuỗi giá trị ngành tôm, bên cạnh đó, cần thúc đẩy sự quan tâm của Chính phủ để có thể đưa ra các chính sách phát triển, hỗ trợ, đầu tư phù hợp, kịp thời để phát triển nghề nuôi tôm.

Đồng thời, VASEP cần đẩy mạnh hơn nữa trong việc đấu tranh chống bơm chích tạp chất, kháng sinh… trong ngành tôm.

Bên cạnh đó, việc dự báo với ngành tôm rất quan trọng và mang tính sống còn. Chính vì vậy, VASEP ngoài những thông tin về tình hình trong nước, cần cập nhật thêm các thông tin về tình hình của các nước đối thủ như giá cả, sản lượng nuôi, xuất khẩu của Ấn Độ, Ecuador, Indonesia… cũng như cập nhật diễn biến của các thị trường nhập khẩu như Hoa Kỳ, Hàn Quốc, Nhật Bản, EU, Australia… cho doanh nghiệp.

Nguyễn Hạnh

Nguồn: congthuong.vn

Tin mới nhất

CN,28/04/2024