Áp dụng công nghệ: “Chìa khóa” giúp ngành sản xuất thức ăn chăn nuôi, thủy hải sản phát triển bền vững

[Tạp chí Người Nuôi Tôm] – Áp dụng công nghệ hiện đại từ máy móc thiết bị, cho đến giải pháp quản lý kỹ thuật số sẽ giúp các máy thức ăn chăn nuôi, thủy sản gia tăng năng suất, chất lượng, lợi nhuận, tạo giá trị niềm tin và thương hiệu; từng bước nâng cao năng lực cạnh tranh, phát triển bền vững.

Tạp chí Người Nuôi Tôm đã có cuộc trò chuyện với ông Nguyễn Duy Hải (ảnh), Giám đốc Kinh doanh – Thức ăn chăn nuôi, Công ty TNHH Bühler Asia Việt Nam.

Ông đánh giá ra sao về sự chuyển biến của ngành thức ăn chăn nuôi và thủy sản của Việt Nam giai đoạn gần đây?

Ngành thức ăn chăn nuôi, thủy sản của Việt Nam hiện có hơn 400 nhà máy sản xuất, quy mô lớn nhỏ khác nhau và phân bố khác nhau ở nhiều địa phương.

Với ngành thức ăn chăn nuôi, các nhà máy chủ yếu tập trung ở Đồng bằng Sông Hồng và có quy mô nhỏ. Ở khía cạnh của một doanh nghiệp chuyên cung cấp các giải pháp cho các nhà máy thức ăn chăn nuôi, chúng tôi thấy sự chuyển dịch đầu tư. Đó là các nông hộ chăn nuôi nhỏ gặp ngày càng nhiều khó khăn, tính bền vững không cao, đang chiếm tỉ lệ ít dần trong cơ cấu giá trị của ngành chăn nuôi. Trong khi đó, ngày càng nhiều các doanh nghiệp đầu tư theo mô hình 3F (Feed-Farm-Food), không chỉ có những doanh nghiệp có truyền thống làm ngành này; mà nhiều doanh nghiệp chưa từng đầu tư vào chăn nuôi, nhưng sẽ bắt đầu bằng mảng trang trại chăn nuôi, sau đó hướng đến việc tự chủ nguồn thức ăn, bằng cách tự đầu tư nhà máy chế biến thức ăn chăn nuôi.

Tại Việt Nam, hiện còn nhiều nhà máy thức ăn chăn nuôi quy mô nhỏ, thiết bị, công nghệ chưa được cải tiến, do đã đầu tư nhiều năm. Trong bối cảnh nguyên liệu thức ăn có nhiều biến đổi, dẫn tới chất lượng đầu ra không đảm bảo. Họ chủ yếu đi gia công và biên lợi nhuận không lớn để tái đầu tư.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp FDI với tiềm lực tài chính mạnh mẽ đã và đang đầu tư các nhà máy hiện đại, công suất lớn với phương thức sử dụng máy móc của một nhà cung cấp, theo kiểu “chìa khóa trao tay”.

Ngoài ra, cũng có nhiều nhà máy thức ăn chăn nuôi nội địa, với những nhìn nhận chính xác, lâu dài về tầm quan trọng của công nghệ trong sản xuất, đã đầu tư nâng cấp vào những thiết bị quan trọng như máy nghiền, hệ thống định lượng tự động, …

Với thủy sản, thì ngành sản xuất thức ăn cho cá tra đã đi đầu trong công nghệ. Còn thức ăn tôm vẫn còn là nỗi trăn trở khi giá thành quá cao, khiến cho con tôm Việt mất đi vị thế cạnh tranh trên thế giới. Bởi, chi phí thức ăn chiếm trên 70% tổng chi phí sản xuất tôm của nông dân khiến giá tôm thương phẩm của Việt Nam cao hơn các nước đối thủ. Một trong những nguyên nhân dẫn đến chi phí sản xuất thức ăn thủy sản cao do nguồn nguyên liệu không ổn định và phụ thuộc vào nhập khẩu.

Theo ông, để tăng cường chất lượng và hạ giá thành của thức ăn chăn nuôi, thủy sản cần làm gì?

 Muốn nâng cao chất lượng và hạ giá thành thức ăn chăn nuôi, thủy sản phải đến từ rất nhiều mắt xích trong chuỗi này. Đầu tiên là khâu nguyên liệu, do Việt Nam phải nhập khẩu hoàn toàn nguyên liệu nên không chủ động được nhưng các khâu khác thì có thể. Đó là tối ưu hóa công thức chế biến thức ăn chăn nuôi, thủy sản.

Khi bắt đầu với các dự án, các nhà đầu tư nên xem xét kỹ về “bức tranh” tài chính của mình. Sử dụng máy móc với suất đầu tư ban đầu thấp, nhưng lại tốn thêm nhiều chi phí vận hành, sẽ làm cho chi phí sản xuất thức ăn chăn nuôi, thủy sản tăng cao. Bởi ngoài việc hỏng hóc, phải dừng máy nhiều, thì máy chỉ chạy được một số nguyên liệu nhất định; so với việc sử dụng máy móc ban đầu có suất đầu tư cao hơn, nhưng chạy được đa dạng nguyên liệu, nhiều nguyên liệu rẻ, ít phải dừng máy, sẽ có ưu thế hơn hẳn.

Cùng với đó, 40% sự thành công của chất lượng thức ăn chăn nuôi, thủy sản đến từ công thức của chính khách hàng. Ở vai trò của nhà cung cấp giải pháp, các chuyên gia của Bühler sẽ đồng hành với khách hàng, xem xét công thức như vậy đã tối ưu chưa, trước khi đưa nguyên liệu sản xuất trong dây chuyền.

Bühler có những giải pháp, cải tiến gì để hỗ trợ ngành thức ăn chăn nuôi, thủy hải sản?

Tập đoàn Bühler đến từ Thụy Sỹ có hơn 160 năm tuổi đời, hiện diện tại hơn 140 quốc gia, là chuyên gia cung cấp các giải pháp chế biến nông sản, thực phẩm, thức ăn chăn nuôi và các giải pháp cho vật liệu công nghệ cao. Bühler mang tới chất lượng hàng đầu trong việc cung cấp các giải pháp cho khách hàng trên toàn thế giới. Quan điểm của Tập đoàn là không hi sinh giá thành vì chất lượng. Ưu điểm của các sản phẩm Bühler là độ bền cao và độ chính xác vượt trội.

Ngành công nghệ, thiết bị chế biến – sản xuất thức ăn chăn nuôi, thủy sản đóng một vai trò quan trọng đối với Bühler Group nói chung, đặc biệt tại thị trường châu Á và Việt Nam nói riêng.

Máy ép đùn Bühler tại Nhà máy thức ăn chăn nuôi

Tại Việt Nam, máy móc của tập đoàn đã xuất hiện từ những năm 60 của thế kỷ XX. Và những cỗ máy của Bühler từ những năm 90/XX hiện diện đất nước hình chữ S vẫn hoạt động rất tốt.

Hầu hết khách hàng lớn trong ngành sản xuất thức ăn chăn nuôi tại Việt Nam đang sử dụng công nghệ Bühler như: Mavin, De Heus, Cargill, CJ, Japfa, Gold Coin, Uni President, Biomin, GREENFEED, Việt Thắng, Thăng Long, Haid, DSM, Nutreco….

Bühler có công nghệ nổi tiếng như máy nghiền HammerMill, máy nghiền siêu mịn Pulverex, máy ép đùn, máy ép viên…. Đồng thời cũng bao gồm các giải pháp kỹ thuật số như kiểm soát độ ẩm tự động PelletingPro mà chưa từng có trên thị trường…

5 năm trở lại đây, Tập đoàn Bühler vẫn chi 5% tổng doanh thu hàng năm, tương đương với hơn 150 triệu USD cho nghiên cứu và phát triển. Tuy nhiên, Tập đoàn xác định rõ, song song với sự nghiên cứu về phát triển cơ khí, tập đoàn đẩy mạnh nhiều hoạt động trong mảng công nghệ số. Cụ thể, đó là cần thiết thu thập dữ liệu nhiều hơn thông qua hệ thống điều khiển mới và các cảm biến, mục đích xây dựng hệ thống dữ liệu lớn (Big Data), đặc biệt trong giai đoạn công thức thức ăn thay đổi liên tục này. Các kinh nghiệm vận hành của con người có thể đúng trong nhóm công thức nhất định, nhưng với dữ liệu thu thập sẽ giúp các sản xuất ra được quyết định kịp thời, chính xác hơn rất nhiều.

Bühler đặt các nhà máy gần khách hàng nhất có thể tiết kiệm chi phí và đưa giải pháp phù hợp nhất với thói quen và tập quán vận hành của địa phương. Tại các nhà máy, Bühler đều có đội ngũ kỹ thuật viên và dịch vụ khách hàng, để bất kỳ máy nào của Bühler cần sự can thiệp, bảo hành, bảo dưỡng thì có thể khắc phục sớm nhất. Quan điểm của Bühler khi bán hàng là đồng hành cùng khách hàng làm sao máy móc được vận hành trơn tru nhất, chứ không để cho khách hàng tự xoay xở.

Việt Nam là nơi duy nhất trong khu vực Đông Nam Á mà Bühler có nhà máy sản xuất. Các xưởng dịch vụ của tập đoàn ở Bình Dương và Cần Thơ đều có kỹ sư và máy móc chuyên dụng, nếu có sự cố, đội ngũ của chúng tôi sẽ có mặt 24/24 để giải quyết.

Trước đây, rất nhiều ý kiến cho rằng, các máy móc của Bühler chỉ phục vụ khách hàng ở phân khúc tầm cao, chiếm 20% “phần nổi của tảng băng” ngành thức ăn chăn nuôi, thủy hải sản. Nhưng thời gian tới, chúng tôi sẽ cố gắng tập trung để đa dạng hóa khách hàng, hướng tới 80% khách hàng vừa và nhỏ của ngành thức ăn chăn nuôi, thủy sản.

Bühler mong muốn tăng cường sự hiện diện sâu rộng, mạnh mẽ và toàn diện đến với khách hàng. Bởi chúng tôi khẳng định rằng, việc áp dụng công nghệ hiện đại từ máy móc thiết bị cho đến giải pháp quản lý kỹ thuật số từ Tập đoàn Bühler sẽ giúp các nhà sản xuất tăng năng suất và lợi nhuận, tạo giá trị niềm tin cho toàn chuỗi thực phẩm từ ngành chăn nuôi, thủy sản gia tăng giá trị thương hiệu và từng bước nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển bền vững. Đó cũng là cách chúng tôi muốn đóng góp cho sự phát triển bền vững của ngành chăn nuôi và thủy sản Việt Nam có thể vươn tầm cao mới.

Chân thành cảm ơn ông về cuộc trò chuyện này!

Hà Ngân (thực hiện)

 

Tập đoàn Bühler: Đẩy mạnh hoạt động trong mảng công nghệ số

Song song với sự nghiên cứu về phát triển cơ khí, tập đoàn Bühler đẩy mạnh nhiều hoạt động trong mảng công nghệ số. Cụ thể, đó là cần thiết thu thập dữ liệu nhiều hơn thông qua hệ thống điều khiển mới và các cảm biến, mục đích xây dựng hệ thống dữ liệu lớn (Big Data), đặc biệt trong giai đoạn công thức thức ăn thay đổi liên tục này. Các kinh nghiệm vận hành của con người có thể đúng trong nhóm công thức nhất định, nhưng với dữ liệu thu thập sẽ giúp các hoạt động sản xuất ra được quyết định kịp thời, chính xác hơn rất nhiều.