Đồng Tháp: Triển khai mô hình nuôi tôm tiết kiệm năng lượng

[Người Nuôi Tôm] – Lần đầu tiên được áp dụng tại một trang trại ở Đồng Tháp (Tiền Giang cũ), mô hình nuôi tôm tiết kiệm năng lượng sử dụng sinh khối kết hợp công nghệ cao không chỉ nâng cao hiệu quả sản xuất mà còn góp phần giảm phát thải khí nhà kính, mở ra hướng đi bền vững cho ngành thủy sản địa phương.

Tôm nuôi tại mô hình trình diễn sạch bệnh, đạt năng suất cao (Ảnh: Minh Đảm)

Nhằm hướng tới phát triển bền vững và thân thiện với môi trường, ngành thủy sản tỉnh Tiền Giang đang tích cực hỗ trợ người dân chuyển đổi sang các mô hình nuôi trồng thủy sản ứng dụng công nghệ cao. Nổi bật trong số đó là mô hình “Trình diễn hệ thống nuôi tôm tiết kiệm năng lượng sử dụng sinh khối” tại trang trại của Công ty TNHH Nuôi trồng thủy sản Tuấn Hiền (xã Tân Phú Đông). Dự án được thực hiện với sự hợp tác giữa Công ty TNHH Yuko Keiso Co., Ltd (Nhật Bản) và Tuấn Hiền, bắt đầu từ năm 2022 và có sự giám sát của Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Đồng Tháp.

Theo ông Sugawara Toshihide, Phó Giám đốc Yuko Keiso, mô hình là một nghiên cứu trình diễn hệ thống nuôi tôm ứng dụng công nghệ điện pin nhiên liệu oxit rắn (SOFC) chạy bằng khí sinh học từ phụ phẩm nông nghiệp kết hợp hệ thống IOT giám sát toàn diện. Mỗi ao nuôi mật độ cao tới 500 con/m3 đều được giám sát chất lượng nước chặt chẽ. Nhờ đó, tỷ lệ sống đạt 85%, năng suất và chất lượng tôm đều tăng rõ rệt.

Hệ thống sản xuất điện gồm túi biogas dung tích 60 m3 lên men chất thải để tạo khí metan, được dẫn vào máy phát điện. Quá trình này được tích hợp cảm biến hiện đại theo dõi nhiệt độ, áp suất và nồng độ khí để đảm bảo tự động hóa hoàn toàn. Điện năng tạo ra được sử dụng ngược lại cho các thiết bị vận hành trong khu nuôi tôm. Theo ước tính, mô hình giúp giảm phát thải khoảng 15,5 tấn CO2/năm với mỗi ao 1.000 m2, thậm chí lên đến 26,9 tấn CO2 nếu so với mô hình thâm canh hiện đại.

Ông Ngô Minh Tuấn, Giám đốc Công ty Tuấn Hiền cho biết, hiện tại mô hình đang triển khai trên 2 ao nuôi và bước đầu cho thấy hiệu quả tích cực trong tiết kiệm chi phí, giảm ô nhiễm và cải thiện năng suất. “Chúng tôi đang theo dõi hiệu quả kinh tế để tiếp tục nhân rộng ra các ao còn lại”, ông Tuấn chia sẻ.

Theo ông Nguyễn Trọng Tuy, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh Đồng Tháp dự án đã cơ bản hoàn thành giai đoạn thử nghiệm. Thời gian tới, địa phương sẽ tập trung chuyển giao kỹ thuật cho người dân và nhân rộng mô hình. Đây là bước tiến quan trọng, góp phần thúc đẩy ngành tôm gắn với định hướng nông nghiệp xanh và bền vững.

Phương Nhung (tổng hợp)

Tin mới nhất

T2,28/07/2025