Nâng cao năng lực hội nhập và cạnh tranh của ngành thủy sản Việt Nam sang thị trường EU

Vừa qua, Học viện Ngoại giao tổ chức Hội thảo khoa học quốc gia với chủ đề: “Cơ sở lý luận và thực tiễn về hiệu quả hội nhập kinh tế quốc tế của doanh nghiệp ngành thủy sản”.

 

Hội thảo hướng đến nâng cao năng lực hội nhập, sức cạnh tranh và giá trị xuất khẩu của ngành thủy sản Việt Nam sang thị trường Liên minh châu Âu (EU). (Nguồn: BTC)

 

Đây là hoạt động trong khuôn khổ Đề tài khoa học cấp quốc gia “Nghiên cứu giải pháp nâng cao hiệu quả hội nhập kinh tế quốc tế của các doanh nghiệp ngành thủy sản Việt Nam vào thị trường EU”, thuộc Chương trình khoa học và công nghệ cấp quốc gia giai đoạn đến năm 2030 “Nghiên cứu các vấn đề quốc tế và khu vực nhằm chủ động, tích cực hội nhập quốc tế” do Học viện Ngoại giao là cơ quan chủ trì và Quyền Trưởng khoa Kinh tế quốc tế Nguyễn Thị Minh Phương làm chủ nhiệm đề tài.

Tham dự Hội thảo, về phía Học viện Ngoại giao có Quyền Giám đốc Học viện Ngoại giao Nguyễn Hùng Sơn, Quyền Trưởng khoa Kinh tế quốc tế Nguyễn Thị Minh Phương, nguyên Đại sứ Việt Nam tại Ukraine và Moldova Nguyễn Anh Tuấn, nguyên Đại sứ Việt Nam tại Singapore Tào Thị Thanh Hương. Về phía diễn giả và khách mời có sự góp mặt của các chuyên gia thuộc Bộ Ngoại giao, Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, đại diện hiệp hội các ngành, trường đại học, viện nghiên cứu và doanh nghiệp.

 

Quyền Giám đốc Học viện Ngoại giao Nguyễn Hùng Sơn phát biểu khai mạc. (Nguồn: BTC)

 

Phát biểu khai mạc, Quyền Giám đốc Học viện Ngoại giao Nguyễn Hùng Sơn nhấn mạnh vai trò của Học viện trong kết nối giới học thuật, các nhà hoạch định chính sách và cộng đồng doanh nghiệp, đồng thời công bố đề tài nghiên cứu cấp quốc gia “Nghiên cứu giải pháp nâng cao hiệu quả hội nhập kinh tế quốc tế của các doanh nghiệp ngành thủy sản Việt Nam vào thị trường EU”.

Đây là đề tài có ý nghĩa chiến lược, hướng đến nâng cao năng lực hội nhập, sức cạnh tranh và giá trị xuất khẩu của ngành thủy sản Việt Nam sang thị trường EU, đặc biệt trong bối cảnh EVFTA mở cơ hội tiếp cận thị trường mới cho doanh nghiệp Việt Nam. Mặc dù ngành thủy sản đóng góp quan trọng vào GDP và xuất khẩu, việc hội nhập vào EU vẫn gặp nhiều thách thức về quy định, kỹ thuật và năng lực cạnh tranh.

Hội thảo là cơ hội để các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý và doanh nghiệp cùng chia sẻ quan điểm, trao đổi và bàn luận các vấn đề lý luận và thực tiễn về hiệu quả hội nhập kinh tế quốc tế của doanh nghiệp ngành thủy sản, từ đó, góp phần tìm kiếm các định hướng và giải pháp để hỗ trợ doanh nghiệp thủy sản phát triển bền vững và hoàn thiện đề tài nghiên cứu.

 

Các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý và doanh nghiệp bàn luận các vấn đề lý luận và thực tiễn về hiệu quả hội nhập kinh tế quốc tế của doanh nghiệp ngành thủy sản. (Nguồn: BTC)

 

Trong tham luận, Quyền Trưởng Khoa kinh tế quốc tế Nguyễn Thị Minh Phương, đại diện nhóm nghiên cứu, trình bày tổng quan về đề tài, mục tiêu và các hoạt động nghiên cứu đã triển khai. Xuất phát từ thực trạng hội nhập kinh tế quốc tế của doanh nghiệp thủy sản Việt Nam còn nhiều hạn chế, nhóm nhấn mạnh sự cần thiết chuyển trọng tâm từ “tham gia” sang “hội nhập hiệu quả”, với doanh nghiệp giữ vai trò trung tâm trong tiến trình này.

Bài trình bày làm rõ khái niệm, các quan điểm trong nước và quốc tế về hiệu quả hội nhập, đặc biệt là kinh nghiệm từ Trung Quốc, Na Uy và Thái Lan. Trên cơ sở đó, nhóm nghiên cứu đề xuất hệ thống quan điểm và 5 nhóm tiêu chí đánh giá hiệu quả hội nhập: Nhận thức của doanh nghiệp; năng lực đáp ứng yêu cầu nhập khẩu của EU; năng lực cạnh tranh; mức độ tham gia vào chuỗi giá trị; tác động tổng thể từ hội nhập. Phần trình bày đóng góp khung lý thuyết có giá trị, làm cơ sở định hướng chính sách và nâng cao năng lực hội nhập của doanh nghiệp thủy sản trong bối cảnh hội nhập thế hệ mới.

Các phiên tham luận tiếp theo mang đến góc nhìn đa chiều từ cơ quan quản lý, hiệp hội ngành nghề và doanh nghiệp, đồng thời khai thác kinh nghiệm quốc tế nhằm nâng cao hiệu quả hội nhập cho ngành thủy sản Việt Nam, gồm các chủ đề như “Ngành thủy sản Việt Nam trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế”, “Phát huy vai trò của ngoại giao kinh tế trong hỗ trợ doanh nghiệp thủy sản hội nhập kinh tế quốc tế”, “Quy định về phòng vệ thương mại của EU và bài học kinh nghiệm trong việc xử lý các vụ việc điều tra PVTM đối với thủy sản xuất khẩu của Việt Nam”…

Với 10 bài tham luận diễn ra trong 4 phiên, Hội thảo tập trung làm rõ các vấn đề lý luận và thực tiễn, đồng thời mở ra nhiều hướng tiếp cận mới nhằm nâng cao năng lực hội nhập cho doanh nghiệp thủy sản trong bối cảnh mới.

Kết luận Hội thảo, các chuyên gia nhấn mạnh, để nâng cao hiệu quả hội nhập kinh tế quốc tế, ngành thủy sản Việt Nam cần sự phối hợp chặt chẽ giữa nhà nước, doanh nghiệp và các tổ chức liên quan. Việc nâng cao năng lực cạnh tranh, tuân thủ các tiêu chuẩn quốc tế, tận dụng thương mại điện tử và học hỏi kinh nghiệm quốc tế được xem là những yếu tố then chốt giúp ngành vươn lên mạnh mẽ tại thị trường EU và toàn cầu. Hội thảo đã thành công trong việc tạo dựng diễn đàn đối thoại học thuật – thực tiễn, góp phần hoàn thiện chính sách và chiến lược hội nhập sâu rộng cho ngành thủy sản Việt Nam.

Xuân Sơn

Nguồn: baoquocte.vn

Tin mới nhất

T3,22/04/2025