Tăng cường kiểm soát thủy sản Việt Nam xuất khẩu vào châu Âu

[Người Nuôi Tôm] – Ngày 24/2, Văn phòng Thông báo và Điểm hỏi đáp quốc gia về vệ sinh dịch tễ và kiểm dịch động thực vật (SPS) Việt Nam phối hợp với Báo Nông nghiệp Việt Nam tổ chức Hội nghị ‘Triển khai cấp bách các biện pháp tăng cường tuân thủ quy định an toàn thực phẩm của thị trường châu Âu.

 

Hiện nay, xuất khẩu thủy sản vào Liên minh châu Âu (EU) ngày càng có sự tăng trưởng trong thời gian qua. Tuy nhiên, thị trường này có tiêu chuẩn về chất lượng, an toàn thực phẩm rất cao và liên tục thay đổi.

Nguyên nhân sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam bị EU gia tăng cảnh báo

Phát biểu tại hội nghị, Phó Giám đốc Văn phòng SPS Việt Nam Ngô Xuân Nam cho biết, trong năm 2024, châu Âu đã phát 5.268 cảnh báo cho tất cả quốc gia và vùng lãnh thổ. Các cảnh báo về vi sinh vật gây bệnh, dư lượng thuốc trừ sâu, thuốc kháng sinh luôn chiếm tỷ lệ cao. Trong đó, Việt Nam nhận 114 cảnh báo từ châu Âu, tăng gấp đôi so với năm 2023. Ngoài ra, trong gần hai tháng đầu năm 2025, EU đã gửi 16 cảnh báo đối với các sản phẩm nông sản và thực phẩm xuất khẩu của Việt Nam, trong đó có sản phẩm tôm chế biến. Nguyên nhân chính dẫn đến các cảnh báo này là do các quốc gia/vùng lãnh thổ có xu thế gia tăng các biện pháp an toàn thực phẩm và an toàn dịch bệnh động thực vật (SPS) đối với nông sản thực phẩm và thủy sản nhập khẩu; xu thế sử dụng các sản phẩm an toàn, đảm bảo truy xuất nguồn gốc, sản phẩm khai thác hợp lý, sản phẩm hữu cơ, sản phẩm giảm phát thải, sản phẩm dựa trên giá trị, sản phẩm xanh…

Quang cảnh hội nghị. Ảnh: Tùng Đinh

 

Bên cạnh đó, nguyên nhân còn đến từ vùng trồng sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, phân bón không đúng quy định. Vượt mức dư lượng thuốc bảo vệ thực vật cho phép. Kiểm soát sinh vật gây hại, kiểm soát các nguồn tác động. Chưa tuân thủ các quy định của nhà nhập khẩu vì mức dư lượng tối đa (MRL) đối với mỗi hoạt chất của mỗi sản phẩm là khác nhau. Tình trạng lạm dụng kháng sinh trong nuôi trồng thủy sản, tự ý sử dụng kháng sinh, sử dụng không đúng liều lượng, thiếu hiểu biết về vi khuẩn gây bệnh,… vẫn diễn ra. Nguyên nhân từ cơ sở đóng gói/sơ chế/chế biến trong việc kiểm tra nguyên liệu đầu vào; tuân thủ quy trình HACCP; tuân thủ các biện pháp SPS về phụ gia thực phẩm, an toàn thực phẩm đối với bao bì sản phẩm…

Một nguyên nhân khác được ông Ngô Xuân Nam đề cập đến đó là cơ quan quản lý địa phương chưa sát sao với vấn đề liên quan đến SPS, tính đến ngày 20/02/2025, mới có 18/63 (28,5%) tỉnh, thành phố xây dựng kế hoạch thực hiện Quyết định 534/QĐ-TTg về Phê duyệt Đề án “Nâng cao hiệu quả thực thi Hiệp định về áp dụng các biện pháp vệ sinh dịch tễ và kiểm dịch động, thực vật (SPS) của Tổ chức Thương mại thế giới và cam kết SPS trong khuôn khổ các Hiệp định thương mại tự do”. Việc truy xuất nguồn gốc sản phẩm bị cảnh báo chưa được quan tâm đúng mức (chỉ có 63/114 (55,3%) sản phẩm truy xuất và có kết quả xử lý.

Thường xuyên cập nhật để chủ động ứng phó với các quy định 

Các quy định của EU về tiêu chuẩn chất lượng, an toàn thực phẩm liên tục thay đổi, có những quy định đã được sửa đổi bổ sung 112 lần. Vì vậy, để xuất khẩu nông sản được thuận lợi, tránh bị thu hồi hoặc tiêu hủy các sản phẩm, Văn phòng SPS Việt Nam khuyến nghị các doanh nghiệp nên thường xuyên cập nhật thay đổi các quy định của EU . Trước khi xuất khẩu, doanh nghiệp cần có sự tham vấn từ Văn phòng SPS Việt Nam để phối hợp với Tổng cục Y tế và An toàn thực phẩm của EU (DG-SANTE) hướng dẫn cụ thể về quy trình thực hiện của từng quy định cụ thể. EU không quy định về khối lượng hàng, nên đôi khi hàng hóa chỉ vài kilogram cũng bị kiểm tra và cảnh báo nếu vi phạm nên với nhóm hàng đã bị EU cảnh báo ở mức độ cao, nếu không có giải pháp kịp thời, cải thiện có thể sẽ không được nhập khẩu vào thị trường này.

Ngoài ra, các đại biểu cho rằng, các bên liên quan cần có kế hoạch hành động cụ thể để bảo đảm thủy sản Việt Nam xuất khẩu vào châu Âu đáp ứng các tiêu chuẩn khắt khe, hạn chế cảnh báo, thu hồi, đồng thời nâng cao năng lực sản xuất an toàn, bền vững. Trước mắt, phía văn phòng SPS Việt Nam cũng tăng cường cập nhật thông tin và phổ biến các tiêu chuẩn mới của EU đến người sản xuất (nông dân, HTX, doanh nghiệp) thực hiện đáp ứng đầy đủ các quy định về vệ sinh, an toàn thực phẩm, an toàn dịch bệnh của thị trường EU; Các cơ quan chuyên môn tham mưu Bộ có văn bản hướng dẫn chi tiết về thủ tục xuất khẩu, ghi nhãn, chứng nhận an toàn thực phẩm,… tới các cơ sở sơ chế, chế biến, đóng gói, doanh nghiệp kinh doanh nông sản, thực phẩm xuất khẩu.

Bên cạnh đó, tăng cường kiểm tra, giám sát chặt chẽ chuỗi cung ứng, vùng nguyên liệu, các khâu sản xuất, các cơ sở sơ chế, chế biến, đóng gói, vận chuyển nhằm đảm bảo đáp ứng quy định về các biện pháp vệ sinh dịch tễ và kiểm dịch động, thực vật. Siết chặt việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, kháng sinh và hóa chất trong sản xuất nông sản, thủy sản. Tăng cường kiểm soát tại cửa khẩu, cải thiện quy trình kiểm nghiệm hàng hóa trước khi xuất khẩu, giảm rủi ro bị trả hàng do vi phạm quy định EU. Tăng cường truy xuất nguồn gốc và áp dụng các hệ thống quản lý chất lượng như HACCP, GlobalGAP, ASC, BRC. Văn phòng SPS Việt Nam sẽ tăng cường làm việc với các cơ quan chuyên môn của EU về việc hướng dẫn tuân thủ các quy định mới của thị trường EU, làm rõ việc truy xuất một số doanh nghiệp vi phạm nhưng chưa đầy đủ thông tin. Thông báo kết quả truy xuất nguồn gốc với EU để minh bạch thông tin quản lý an toàn thực phẩm.

Phương Nhung

 

Tin mới nhất

T2,24/02/2025