Xuất khẩu tôm sang Hoa Kỳ: Cơ hội và thách thức dưới thời Tổng thống mới

[Người Nuôi Tôm] – Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản (VASEP) nhận định rằng sự thay đổi Tổng thống tại Hoa Kỳ, cùng với các chính sách mới, sẽ có ảnh hưởng sâu sắc đến chiến lược phát triển của doanh nghiệp xuất khẩu tôm Việt Nam trong thời gian tới. 

Các doanh nghiệp xuất khẩu cần có sự chuẩn bị kỹ lưỡng để đối phó với những thay đổi

 

Cụ thể, sự trở lại của ông Donald Trump tại Nhà Trắng sẽ tạo ra nhiều tác động quan trọng đối với Việt Nam, đặc biệt là ngành xuất khẩu tôm. Các chính sách kinh tế của ông, như tăng thuế nhập khẩu, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp và khuyến khích đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Hoa Kỳ, dự kiến sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến nhiều ngành nghề và lĩnh vực của Việt Nam.

 

Hoa Kỳ tiếp tục là thị trường xuất khẩu tôm lớn nhất của Việt Nam

Dự báo kim ngạch xuất khẩu tôm sang Hoa Kỳ sẽ đạt 1,85 tỷ USD vào cuối năm 2024, với mức tăng trưởng 19% so với năm trước. Điều này không chỉ khẳng định sức mạnh của thị trường này mà còn cho thấy Hoa Kỳ chiếm đến 20% tổng xuất khẩu tôm của Việt Nam.

Trong ba quý đầu năm 2024, xuất khẩu tôm Việt Nam sang Hoa Kỳ đạt 566 triệu USD, tăng 9% so với cùng kỳ năm 2023. Sau khi ghi nhận sự sụt giảm 7% trong quý II, xuất khẩu tôm đã phục hồi mạnh mẽ trong quý III với mức tăng 19%, đạt 263 triệu USD so với cùng kỳ năm ngoái. Trong số đó, tôm chân trắng vẫn chiếm tỷ trọng lớn nhất với 85,5%, tiếp theo là tôm sú với 8,9%, phần còn lại là các loại tôm khác. Đáng chú ý, giá trị xuất khẩu tôm sú chế biến đã ghi nhận mức tăng trưởng ấn tượng lên tới 44%. Trong nhóm sản phẩm tôm loại khác, tôm tươi/đông lạnh đã có sự bùng nổ với mức tăng trưởng mạnh mẽ 188%.

Mặc dù phải đối mặt với các chính sách bảo vệ nghiêm ngặt như thuế chống bán phá giá và thuế chống trợ cấp, nhưng nhu cầu lớn và chất lượng thủy sản Việt Nam ngày càng được nâng cao đã giúp duy trì và mở rộng vị thế của sản phẩm tại thị trường Hoa Kỳ. Theo số liệu từ FAS.USDA, trong 9 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu tôm từ Việt Nam vào Hoa Kỳ đã ghi nhận kết quả khả quan hơn so với các đối thủ như Ấn Độ, Ecuador, Indonesia và Thái Lan.

 

Cơ hội dịch chuyển đơn hàng sang Việt Nam

Trong tháng 10 năm nay, tôm đông lạnh tiếp tục dẫn đầu thị trường bán lẻ thủy sản đông lạnh tại Hoa Kỳ về cả khối lượng và giá trị, với doanh số bán ra tăng 6%. Tôm tươi cũng ghi nhận sự gia tăng doanh số trong cùng tháng. Theo VASEP, nhu cầu đối với hai mặt hàng này tăng lên một phần do giá trung bình giảm, kích thích người tiêu dùng Hoa Kỳ. Thêm vào đó, việc ông Trump đề xuất tăng thuế nhập khẩu hàng hóa sau khi tái đắc cử đã khiến doanh nghiệp Hoa Kỳ đẩy nhanh tốc độ nhập hàng để dự trữ trước thuế, dẫn đến dự đoán rằng nhu cầu nhập khẩu, trong đó có tôm, sẽ tiếp tục tăng trong các tháng cuối năm.

Thương mại thủy sản giữa Việt Nam và Hoa Kỳ ít bị ảnh hưởng bởi các biến động chính trị. Tuy nhiên, VASEP nhận định rằng các chính sách thương mại đặc thù dưới thời Tổng thống Donald Trump có thể tạo ra cả cơ hội lẫn thách thức cho xuất khẩu thủy sản Việt Nam. Dù trong bối cảnh chiến tranh thương mại gia tăng và chuỗi cung ứng toàn cầu bị đứt gãy, đây cũng là thời điểm để Việt Nam vươn lên trở thành nguồn cung tiềm năng cho các quốc gia, đặc biệt trong bối cảnh thuế quan của Hoa Kỳ đang tăng cao đối với các sản phẩm thủy sản.

Căng thẳng thương mại Hoa Kỳ – Trung Quốc đang tạo ra những cơ hội mới cho ngành thủy sản Việt Nam. Việc Hoa Kỳ có thể giảm nhập khẩu thủy sản từ Trung Quốc để tìm kiếm nguồn cung thay thế đã mở ra cánh cửa rộng lớn cho tôm và cá tra Việt Nam. Với lợi thế về chất lượng và giá cả cạnh tranh, Việt Nam hoàn toàn có thể trở thành nhà cung cấp thủy sản hàng đầu cho thị trường Hoa Kỳ. Đồng thời, việc Trung Quốc có thể giảm nhập khẩu từ Hoa Kỳ cũng tạo điều kiện thuận lợi để Việt Nam tăng cường xuất khẩu sang thị trường này. Đây là cơ hội vàng để Việt Nam nâng cao vị thế trên bản đồ thủy sản thế giới và thúc đẩy kinh tế đất nước.

Tuy nhiên, trong bối cảnh mới, các doanh nghiệp Việt Nam vẫn phải đối mặt với các biện pháp phòng vệ thương mại từ Hoa Kỳ, bao gồm thuế chống bán phá giá, thuế chống trợ cấp và những yêu cầu khắt khe về chất lượng sản phẩm. Hơn nữa, chính sách bảo hộ và hàng rào thuế quan của Hoa Kỳ có thể làm gia tăng cạnh tranh giữa Việt Nam và các quốc gia xuất khẩu thủy sản khác như Ấn Độ, Ecuador và Indonesia, những đối thủ mạnh trong ngành này.

Gần đây, Ủy ban Thương mại Quốc tế Hoa Kỳ (USITC) xác nhận rằng ngành công nghiệp tôm nội địa bị thiệt hại do tôm nhập khẩu bán dưới giá trị hợp lý hoặc nhận trợ cấp. USITC đồng tình với kết luận của Bộ Thương mại Hoa Kỳ về tôm nước ấm đông lạnh từ Indonesia và xác nhận tôm nhập khẩu từ Ecuador, Ấn Độ và Việt Nam được hưởng trợ cấp.

Theo đó, thuế CVD đối với tôm Ấn Độ là 5,77%, cao hơn so với Việt Nam (2,84%). Tôm Ecuador có thuế AD tích cực nhưng phải chịu thuế CVD trung bình 3,78%. Indonesia có kết quả tích cực với thuế CVD nhưng chịu thuế AD trung bình 3,90%. Tôm Việt Nam ghi nhận kết quả tốt hơn so với ba nước còn lại trong đợt công bố này của DOC.

Quyết định này cho phép DOC áp thuế đối kháng đối với tôm nhập khẩu từ Ecuador, Ấn Độ và Việt Nam, cùng với thuế chống bán phá giá đối với tôm Indonesia. Nếu lệnh thuế được ban hành, xuất khẩu tôm Việt Nam sang Hoa Kỳ sẽ gặp khó khăn. VASEP khuyến cáo các doanh nghiệp tôm Việt cần tìm cách giữ thị trường bằng cách tập trung vào các sản phẩm không bị áp thuế.

Tôm tươi cũng ghi nhận sự gia tăng doanh số trong tháng 10

 

Chủ động thay đổi, ứng phó kịp thời

Chính phủ Hoa Kỳ dưới thời Donald Trump trước đây đã thắt chặt biện pháp an toàn thực phẩm, làm tăng chi phí cho nhà xuất khẩu thủy sản Việt Nam, đồng thời tạo ra cạnh tranh mạnh mẽ với Ấn Độ, Ecuador và Indonesia. Để tăng trưởng xuất khẩu thủy sản sang Hoa Kỳ trong bối cảnh thay đổi chính sách, các doanh nghiệp cần linh hoạt thích ứng với biến động thị trường.

Bà Lê Hằng, Giám Đốc truyền thông VASEP, nhấn mạnh rằng sản phẩm xuất khẩu phải tuân thủ quy định của FDA về vệ sinh và an toàn thực phẩm, đồng thời đảm bảo tiêu chuẩn sản xuất bền vững và kiểm soát chất lượng nghiêm ngặt từ nuôi trồng đến chế biến.
Các doanh nghiệp cần cung cấp thông tin minh bạch về quy trình sản xuất, nguồn gốc nguyên liệu và tiêu chuẩn chất lượng để xây dựng lòng tin với người tiêu dùng và đối tác tại Hoa Kỳ. Khách hàng Mỹ ngày càng quan tâm đến bền vững và trách nhiệm xã hội, vì vậy các doanh nghiệp thủy sản Việt Nam cần áp dụng phương pháp nuôi trồng bền vững, như nuôi tôm sạch và tuân thủ các tiêu chuẩn quốc tế (GlobalGAP, ASC, MSC). Điều này giúp nâng cao uy tín và đáp ứng yêu cầu thị trường.

Ngành tôm Việt Nam đang đối mặt với nhiều cơ hội mới nhờ thay đổi trong chính sách thương mại của Hoa Kỳ. Để tận dụng tối đa những cơ hội này, các doanh nghiệp cần nâng cao chất lượng sản phẩm, xây dựng thương hiệu mạnh và đa dạng hóa thị trường. Hợp tác chặt chẽ với các cơ quan quản lý nhà nước và tổ chức quốc tế sẽ giúp nâng tầm vị thế của ngành tôm Việt Nam trên thị trường toàn cầu.

Phương Nhung (tổng hợp)

“Sự kiện ông Donald Trump tái đắc cử Tổng thống Hoa Kỳ chắc chắn sẽ có tác động tới nhập khẩu hàng hóa, trong đó có thủy sản vào nước này. Xuất khẩu tôm của Việt Nam đứng trước cả cơ hội và thách thức, phụ thuộc vào mức thuế hàng hóa mà chính quyền ông Donald Trump sẽ áp dụng. Ông Donald Trump đã đề xuất thuế 10% đối với tất cả hàng hóa nhập khẩu vào thị trường Hoa Kỳ; riêng hàng hóa từ Trung Quốc bị áp thuế 60%. Những đề xuất này có thể đẩy giá tiêu dùng lên cao hơn cùng với khả năng cắt giảm GDP và việc làm.”

Bà Kim Thu

Chuyên gia thị trường tôm, nguồn: VASEP

Tin mới nhất

T4,25/12/2024