Giá tôm giảm 30%, nhiều hộ ‘treo ao’

Giá bán tôm đang giảm mạnh cộng với tình hình thời tiết thất thường, tôm dễ dịch bệnh và doanh nghiệp ngừng xuất khẩu khiến nhiều hộ, hợp tác xã nuôi tôm phải ‘treo ao’.

Hiện, giá tôm tại tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đang giảm mạnh khiến cho người nuôi gặp nhiều khó khăn, nhiều hộ phải ‘treo ao’, doanh nghiệp ngừng xuất khẩu. Chưa có năm nào, những người nuôi tôm của tỉnh phải đối mặt với nhiều khó khăn như lúc này.

Theo ghi nhận của phóng viên Báo Nông nghiệp Việt Nam, tại nhiều hợp tác xã trên địa bàn, giá tôm được thu mua khoảng 122.000 đồng/kg, loại 35 con/kg, giảm 30% so với thời điểm Tết. Trong khi đó, giá thành sản xuất là 120.000 đồng/kg.

Do giá bán khá thấp nên dù đã tới thời điểm thu hoạch, nhiều hợp tác xã vẫn để thêm 10 – 15 ngày với hy vọng chờ giá tôm lên cao hơn.

Ông Nguyễn Kim Chuyên, Giám đốc HTX Nông nghiệp Quyết Thắng mất ăn, mất ngủ vì giá tôm giảm mạnh. Ảnh: Lê Bình.

Mấy ngày nay, HTX Nông nghiệp Quyết Thắng (thành phố Bà Rịa) đang dần thu hoạch tôm. Hiện hợp tác xã đã kéo bán được khoảng 10 tấn tôm nhưng với giá bán như hiện tại thì không mấy vui.

Ông Nguyễn Kim Chuyên, Giám đốc hợp tác xã cho biết, năm nay khí hậu nắng nóng làm tôm chậm lớn và nhiều dịch bệnh. Mặc dù các ao nuôi tôm của hợp tác xã đều có mái che, sử dụng nước tuần hoàn để nuôi tôm nhưng đơn vị này cũng chỉ dám nuôi với mật độ thưa 200 – 250 con/m2, nên năng suất không được cao. Trong khi đó, chi phí đầu vào để nuôi tôm tăng mạnh, khiến giá thành xấp xỉ 120.000 đồng/kg.

“Giá tôm mỗi ngày một khác, giảm hàng ngày. Hôm qua còn 127.000 đồng/kg, hôm nay lại giảm thêm 5.000 đồng. Với giá bán này thì chúng tôi chỉ huề vốn đến lỗ. Trong khi đó, còn rất nhiều hạng mục khác cũng cần phải tái đầu tư, vận hành. Với giá bán tôm như thế này quả thật khiến cho người nuôi tôm chúng tôi rất khó khăn”, ông Chuyên nói.

Tương tự, HTX Chợ Bến tại xã An Ngãi, huyện Long Đất (huyện Long Điền cũ) cũng gặp khó khăn trước bối cảnh giá tôm đang xuống thấp trầm trọng. Dù đã tới thời điểm thu hoạch tôm nhưng ông Nguyễn Văn Thuyết, Giám đốc HTX Chợ Bến vẫn để thêm 10 – 15 ngày mới bán, với hi vọng giá tôm sẽ “ấm” lên hơn. Giá tôm giảm càng sâu, có nghĩa số tiền mà hợp tác xã trả ngân hàng càng… đè nặng.

Nhiều hộ nuôi tôm tại Bà Rịa – Vũng Tàu đang “treo ao” hoặc chỉ tái vụ một nửa trước nhiều khó khăn, thách thức. Ảnh: Lê Bình.

Còn tại xã Lộc An, huyện Long Đất nhiều hộ nuôi tôm đang trong tình cảnh “treo ao” nhiều tháng nay vì không đủ khả năng tái vụ. Nhất là trong bối cảnh Nam bộ đang vào mùa mưa, dịch bệnh có nguy cơ bùng phát cao.

Không chỉ các hộ nuôi tôm và hợp tác xã bị ảnh hưởng, các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản cũng gặp không ít khó khăn. Từ năm 2023 đến nay giá tôm liên tục xuống thấp trong khi giá cước tàu biển lại tăng đột biến từ 40 – 60%. Giá tôm của Việt Nam cũng khó cạnh tranh với tôm của Ecuador, Indonesia nên khiến công ty Baseafood tạm ngừng xuất khẩu tôm.

Ông Trương Đình Hòe, Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho hay, không chỉ tại Bà Rịa – Vũng Tàu mà ngành tôm trên cả nước cũng đang gặp khó khăn. Đặc biệt từ đầu năm 2024, tình hình kinh tế thế giới chưa có dấu hiệu phục hồi, lạm phát vẫn cao và xung đột Nga – Ukraine chưa có hồi kết… khiến việc tiêu thụ tôm của các nước có phần chậm lại. Đơn cử, tại thị trường Mỹ, Hàn Quốc và Nhật Bản trong 5 tháng đầu năm, tỉ lệ xuất khẩu tôm của Việt Nam đều giảm mạnh.

“Mặc dù so với cùng kỳ, xuất khẩu tôm của Việt Nam sang các nước có tăng nhẹ nhưng cũng không đáng kể. Tỉ lệ cung và cầu cách biệt khá lớn nên xảy ra tình trạng trên là điều dễ hiểu”, ông Hòe phân tích.

Một nguyên nhân nữa, Trung Quốc là thị trường tiêu thụ lớn của các hộ nuôi tôm nhỏ lẻ.  Sau Tết, sức mua của thị trường này giảm xuống rõ rệt nên sản lượng giảm dần. Trong khi đó, lượng tôm trong nước vẫn nuôi ở mức cao, dẫn đến tình trạng dư thừa.

Các hợp tác xã, hộ nuôi tôm đang phải tự tìm giải pháp trong nuôi tôm và tìm đầu ra cho con tôm trong bối cảnh giá tôm xuống thấp, không có người mua. Ảnh: Lê Bình.

Đứng trước tình cảnh “tiến thoái lưỡng nan”, khó tái vụ mà “treo ao” lại càng không thể, HTX Nông nghiệp Quyết Thắng tìm cách tìm các nguồn tiêu thụ khác. Đây là biện pháp mang tính tình thế, giải quyết khó khăn trước mắt.

Cụ thể, HTX Quyết Thắng đã đưa sản phẩm vào hệ thống siêu thị hoặc chấp nhận bán cho các đơn vị chế biến khác với giá bán thấp hơn. Thời gian nuôi tôm cũng được hợp tác xã giảm từ 3 tháng xuống 2 tháng/vụ. Số vụ nuôi trong năm cũng tăng từ 3 lên 5 vụ nhằm bù đắp sản lượng tôm bị giảm do nuôi mật độ thưa.

Lê Bình

Báo Nông nghiệp

Diện tích nuôi tôm của tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu là 2.895ha. Sản lượng 6 tháng đầu năm đạt khoảng 4.100 tấn.

Vào mùa mưa, Sở NN-PTNT Bà Rịa – Vũng Tàu cũng đang thường xuyên tiến hành công tác thu mẫu nước quan trắc và cảnh báo môi trường vùng nuôi trồng thủy sản cho bà con trên địa bàn tỉnh. Nhờ đó, ngành nông nghiệp kịp thời khuyến cáo người nuôi tôm khi có những chỉ tiêu nằm ngoài giới hạn cho phép. Đồng thời, Sở cũng hướng dẫn các giải pháp phòng, chống dịch bệnh, định hướng nuôi trồng thủy sản trong bối cảnh ngành tôm đang gặp nhiều khó khăn.

Tin mới nhất

CN,24/11/2024