Trà Vinh nuôi tôm nước lợ: Bám sát 06 giải pháp, nhiệm vụ trọng tâm

Trong khu vực đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) diện tích nuôi tôm nước lợ năm 2023 đạt 677.781ha; tổng sản lượng đạt 939.701 tấn (tôm sú 258.512 tấn, tôm thẻ 681,189 tấn); chiếm tỷ trọng 93% và sản lượng chiếm 86% so với cả nước.

Nông dân xã Hiệp Thạnh, thị xã Duyên Hải nuôi tôm công nghệ cao.

Trong các tỉnh ĐBSCL, tính theo diện tích, Trà Vinh xếp thứ 06, với 31.542ha; tính theo sản lượng, Trà Vinh thứ 05, đạt 91.750 tấn; về năng suất, Trà Vinh giữ vị trí thứ 03, với 10,89 tấn/ha. Tuy nhiên, đánh giá về hiệu quả, tại hội thảo về giải pháp thúc đẩy phát triển ngành nuôi tôm nước lợ được tổ chức vào ngày 15/3, tại thị xã Duyên Hải, các diễn giả đã nêu những hạn chế và cần 06 giải pháp, nhiệm vụ để phát triển.

Nuôi tôm của người dân Trà Vinh được hình thành từ đầu năm 1990. Thời gian đầu chủ yếu phát triển theo hình thức quảng canh cải tiến và bán thâm canh. Đến năm 2000, sau khi Nhà nước có chính sách đầu tư phát triển các trại sản xuất giống và nuôi thâm canh cùng với sự ra đời của mạng lưới hậu cần dịch vụ: giống, thức ăn, thuốc hóa chất, thu mua, chế biến… thì hình thức nuôi thâm canh tôm sú mới bắt đầu phát triển mạnh.

Qua hơn 20 năm phát triển, với sự quyết tâm của các cấp, các ngành, doanh nghiệp và nông dân, đến nay ngành tôm nước lợ của tỉnh đã và đang phát triển theo xu thế chung của khu vực ĐBSCL. Nhiều công trình điện, giao thông, thủy lợi được đầu tư nâng cấp, cải thiện; mạng lưới hậu cần dịch vụ từng bước đáp ứng nhu cầu; các hình thức nuôi luôn cập nhật, các tiến bộ kỹ thuật mới được ứng dụng cải tiến; công tác quản lý nhà nước ngày càng chặt chẽ kiểm soát tốt đầu vào, đầu ra… nên diên tích, sản lượng và giá trị đều tăng từng năm, góp phần nâng thu nhập bình quân, đời sống kinh tế người dân nông thôn.

Theo đồng chí Trần Trường Giang, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT), bằng sự nỗ lực của ngành chuyên môn, sự vào cuộc của nông dân, giai đoạn 2019 – 2023, diện tích, sản lượng và giá trị từ nuôi tôm nước lợ luôn tăng. Năm 2019, diện tích nuôi 28.230ha, năm 2023 là 31.650ha, tăng trưởng bình quân 3,6%/năm. Trong đó, diện tích nuôi tôm thâm canh mật độ cao từ 440ha năm 2019, lên 1.074ha năm 2023. Sản lượng tôm nước lợ chiếm tỷ trọng 50,4%/tổng sản lượng nuôi thủy sản của tỉnh và tăng dần: năm 2019, sản lượng đạt 59.703 tấn, chiếm 43,3% sản lượng thủy sản; năm 2023 đạt 90.031 tấn, chiếm 85%. Riêng nuôi thâm canh mật độ cao năm 2019 sản lượng đạt 12.438 tấn, năm 2023 đạt 35.438 tấn (tăng 185%).

Song song đó, giá trị sản xuất giai đoạn này tăng bình quân 10%/năm. Năm 2019, đạt 5.052 tỷ đồng; năm 2023, đạt 7.359 tỷ đồng. Về chi phí, qua thu thập thông tin từ các hộ nuôi trên địa bàn tỉnh, năm 2023, đối với những hộ nuôi có liên kết sản xuất, nuôi quy mô lớn, có năng lực về tài chính… lấy thức ăn, thuốc, hóa chất trực tiếp từ nhà sản xuất thì chi phí sản xuất thấp hơn từ 18 – 25%/tổng chi phí sản xuất so với các cơ sở nuôi nhỏ lẻ, thiếu vốn.

Về hiệu quả sản xuất, đối với tôm sú chi phí khoảng 79.500 đồng/kg, lợi nhuận 106.500 đồng/kg; tôm thẻ thâm canh ao đất, chi phí 70.000 đồng/kg, lợi nhuận khoảng 32.500 đồng/kg; tôm thẻ thâm canh mật độ cao, chi phí khoảng 88.000 đồng/kg, lợi nhuận 46.000 đồng/kg… Nhìn chung, tỷ suất lợi nhuận bình quân của nuôi tôm nước lợ ngày càng giảm do giá nguyên, vật liệu đầu vào tăng, phải tốn nhiều hóa chất xử lý môi trường và thuốc phòng trị bệnh… làm tăng chi phí từ 10 – 20% so với trước.

Với mục tiêu phát triển nuôi tôm nước lợ của tỉnh thành ngành sản xuất hàng hóa, hiệu quả cao, đảm bảo chất lượng an toàn thực phẩm và bền vững, góp phần quan trọng thực hiện thành công tái cơ cấu ngành thủy sản, năm 2024, tỉnh đề ra chỉ tiêu đạt diện tích nuôi tôm nước lợ 31.200ha (tôm sú 23.500ha, tôm thẻ 7.700ha), sản lượng 97.230 tấn (tôm sú 13.650 tấn, tôm thẻ 83.580 tấn) theo Phương án phát triển ngành tôm của tỉnh giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (được phê duyệt theo Quyết định số 1925/QĐ-UBND, ngày 29/9/2022 của UBND tỉnh Trà Vinh).

Để đạt được các chỉ tiêu quan trọng, hiệu quả tương ứng với tiềm năng và thế mạnh của tỉnh, tại hội thảo về giải pháp thúc đẩy phát triển ngành nuôi tôm nước lợ, các diễn giả, lãnh đạo tỉnh, nhà chuyên môn đã đề cập đến nhiều giải pháp. Trong đó, cần tập trung 06 nhiệm vụ và giải pháp:

(1) Tổ chức lại sản xuất theo hướng liên kết chuỗi giá trị ngành hàng, trong đó doanh nghiệp đóng vai trò dẫn dắt toàn chuỗi và liên kết hài hòa lợi ích giữa người nuôi với doanh nghiệp.

(2) Triển khai thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ phát triển nuôi tôm hiện có. Liên doanh, liên kết với vùng ĐBSCL để mở rộng thị trường và khuyến khích các doanh nghiệp ngoài tỉnh đầu tư vào ngành tôm nước lợ của tỉnh.

(3) Đẩy mạnh chuyển giao, ứng dụng các tiến bộ khoa học công nghệ. Áp dụng công nghệ nuôi tiết kiệm nguồn nước, ứng dụng công nghệ tuần hoàn, công nghệ sinh học… gắn với các mô hình liên kết sản xuất hiệu quả giúp người nuôi, doanh nghiệp giảm thiệt hại và chủ động sản xuất. Phối hợp các Viện, Trung tâm nghiên cứu, trường đại học đẩy mạnh nghiên cứu, chọn tạo giống tôm tăng trưởng nhanh, sạch bệnh để chủ động cung cấp cho vùng nuôi tôm.

(4) Phối hợp chặt chẻ kết nối thông tin về nguồn gốc, chất lượng và các vấn đề liên quan đến chất lượng giữa các địa phương sản xuất tôm giống và nơi tôm giống được thả nuôi. Tăng cường thanh tra, kiểm tra và tuyên truyền, hướng dẫn thực hiện quản lý chất lượng thức ăn nuôi trồng thủy sản.

(5) Truyền thông, phổ biến về Luật Bảo vệ môi trường, quản lý ao nuôi thâm canh, thâm canh mật độ cao. Đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra, giám sát các hoạt động bảo vệ môi trường của các doanh nghiệp, kiên quyết xử lý triệt để những hành vi vi phạm các quy định của Luật Bảo vệ môi trường. Tăng cường công tác dự báo về ảnh hưởng và tác động của biến đổi khí hậu đến từng vùng để xây dựng kế hoạch sản xuất tôm nước lợ phù hợp, giảm thiểu rủi ro, tổn thất.

(6) Sớm rà soát, nâng cấp, bổ sung hệ thống thủy lợi, điện, giao thông để phục vụ cho các vùng nuôi tôm thâm canh mật độ cao, tập trung.

Trường Nguyên

Báo Trà Vinh

Tin mới nhất

T5,21/11/2024