Giá thức ăn chăn nuôi, thủy sản luôn tăng: Nông dân tìm cách vượt khó

Năm 2022 khép lại, kim ngạch xuất khẩu thủy sản đạt 11 tỷ USD, đưa Việt Nam vào tốp 3 quốc gia xuất khẩu thủy sản của thế giới. Cùng với xuất khẩu gạo trong tốp 3, Việt Nam được xem là nước có thế mạnh về nông nghiệp; trong đó, vựa lúa, vựa thủy sản miền Tây đóng vai trò rất quan trọng. Do vậy, người dân hy vọng ngành sản xuất thức ăn chăn nuôi, thủy sản trong nước cũng sớm “trưởng thành” cùng đầu ra sản phẩm xuất khẩu.

Giá thức ăn tăng – người nuôi cho cá tra ăn cầm chừng. Ảnh: QUỐC AN

Người chăn nuôi luôn gặp khó

Khi người chăn nuôi heo giã từ chuyện tận dụng phụ phẩm như trộn cám (thức ăn thừa) với thân cây chuối làm thức ăn cho heo, cũng là lúc đánh dấu sự lệ thuộc vào thức ăn công nghiệp. Quy mô nuôi nhỏ lẻ dần biến mất, nhường đường cho hình thức nuôi trang trại, đáp ứng nhu cầu của thị trường. Đây cũng là sự phát triển chung của ngành chăn nuôi gia súc, gia cầm và thủy sản.

Đồng Tháp và An Giang được xem là cái nôi nuôi cá tra, cá ba sa xuất khẩu cả nước. Thế nhưng, bên cạnh tín hiệu tích cực từ việc xuất khẩu cá tra sang Trung Quốc, nỗi lo về giá thức ăn vẫn làm hàng ngàn hộ nuôi cá lo lắng. Gần 1 tháng qua, giá thức ăn nuôi cá tra liên tục tăng cao, người nuôi đứng trước nguy cơ thua lỗ. Xã An Nhơn, huyện Châu Thành, tỉnh Đồng Tháp có 170ha diện tích mặt nước nuôi cá da trơn (cá tra) với sản lượng thu hoạch hàng năm 45.000-50.000 tấn. Tuy nhiên gần đây, người nuôi cá tra bị ảnh hưởng kép từ dịch Covid-19 và giá thức ăn tăng liên tục.

Ông Nguyễn Thanh Bình, Giám đốc HTX Sản xuất và dịch vụ thủy sản Châu Thành (huyện Châu Thành, Đồng Tháp), cho biết: Năm 2021-2022, giá cá tra dao động 21.000-22.200 đồng/kg, hiện tăng lên khoảng 28.000 đồng/kg. Dù giá cá bán cao hơn trước, nhưng với giá này, người nuôi vẫn không có lãi. Thức ăn cho cá nhiều lần tăng giá (khoảng 1.000 đồng/kg), đẩy giá thành nuôi cá tăng. Thời gian nuôi lại kéo dài 14-15 tháng, cá tra đạt trọng lượng 1,2-1,4 kg/con mới bán được. Thời gian nuôi dài khiến lượng thức ăn dùng cho cá tra cũng tăng lên từng ngày. Ông Nguyễn Thanh Bình chỉ tay về hầm nuôi cá tra khoảng 5.000m2, thở dài: “Với 300.000 con cá tra khoảng 5 tháng tuổi, mỗi ngày hao khoảng 1,5 tấn thức ăn, trong khi giá tăng hơn 1.000 đồng/kg. Kiểu này, tôi và các xã viên chỉ biết cho cá ăn cầm chừng (1 ngày ăn, 3 ngày nghỉ – PV), chờ cơ hội”.

Ở các địa phương có diện tích nuôi tôm lớn như Cà Mau, Bạc Liêu, Sóc Trăng, Kiên Giang, người chăn nuôi đang lo lắng “kép” khi giá tôm có xu hướng giảm mà giá thức ăn thủy sản luôn tăng. Một doanh nghiệp xuất khẩu tôm tại Sóc Trăng cho rằng: Giá thức ăn đội cao là một trong những nguyên nhân khiến giá thành nuôi tôm của Việt Nam đang cao nhất thế giới, nên phải có giải pháp hạ giá thành. Một trong những lý do khiến người nuôi tôm chưa vui là giá bán tôm lên xuống thất thường, còn giá thức ăn (chiếm khoảng 70% giá thành nuôi tôm) chỉ lên mà không xuống.

Ông Trần Văn Việt, Giám đốc HTX Nuôi tôm công nghiệp Thành Công (huyện Đầm Dơi, tỉnh Cà Mau) tâm tư, hiện 10 người nuôi tôm, đã có 9 người mua chịu thức ăn, khi đến chu kỳ thu hoạch mới trả, dù giá mua kiểu này cao hơn 30% so với trả tiền trước.

Tăng nuôi gia công – bảo toàn vốn?

Theo Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản tỉnh Long An, tỉnh hiện có 907 cơ sở chăn nuôi tập trung, 15 HTX chăn nuôi và 4 chuỗi cung ứng thực phẩm chăn nuôi an toàn. Ông Trần Văn Tuấn (ấp Thuận Nam, xã Thuận Thành, huyện Cần Giuộc, Long An) cho biết, mọi năm nuôi gần 5.000 con gà thịt để phục vụ thị trường tết. Tuy nhiên, năm nay do giá thức ăn tăng cao, trong khi gà của ông được nuôi hoàn toàn bằng thức ăn hỗn hợp, không ăn độn nên số lượng giảm còn 3.500 con.

Giá thức ăn gia súc hiện trên 350.000 đồng/bao, tăng gần 80.000 đồng/bao so với trước. Với giá gà thịt của thị trường tầm 55.000-60.000 đồng/kg mà chi phí đầu tư cũng tương đương, người chăn nuôi không có lãi, thậm chí lỗ. Do vậy, số lượng tái đàn cũng giảm mạnh.

Ở huyện Mang Thít, tỉnh Vĩnh Long, đứng trước nguy cơ thua lỗ vì giá thức ăn tăng cao, nhiều hộ dân chuyển sang nuôi gia công. Anh Trần Phước Lộc (ngụ xã An Phước) đã chuyển từ nuôi cá nhân sang mô hình nuôi gà gia công để “né” giá thức ăn tăng. Hiện trại của anh có hàng chục ngàn con gà, sau mỗi chu kỳ nuôi 3 tháng, anh được hưởng 3.000-4.000 đồng/kg.

Hiện một số vùng tại Đồng Tháp, An Giang cũng chuyển sang hình thức nuôi gia công, nuôi qua đầu tư của đại lý và nuôi theo mô hình HTX. “Nuôi gia công sẽ được nhà máy đầu tư thức ăn 100%, còn đại lý đầu tư, họ sẽ hưởng hoàn toàn chiết khấu. Riêng nuôi mô hình HTX theo chuỗi liên kết, được nhà máy cung ứng thức ăn chiết khấu 6%. Nếu nuôi theo mô hình HTX với đầu tư bên ngoài, người nuôi trong HTX có lợi hơn, với chênh lệch 1.500-2.000 đồng/kg cá”, ông Nguyễn Thanh Bình, Giám đốc HTX Sản xuất và dịch vụ thủy sản Châu Thành (huyện Châu Thành, tỉnh Đồng Tháp), giải thích. Theo nhiều hộ dân nuôi cá tra, việc “nuôi gia công – bảo toàn vốn” có rất nhiều lợi thế. Nông dân chỉ việc đầu tư con giống, ao hồ, nhân công, phần còn lại là 100% thức ăn được phía công ty liên kết cung cấp.

“Thời gian qua, ngành nông nghiệp đã khuyến khích các địa phương trồng bắp, đậu nành, mì… để tạo vùng nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi trong nước. Nhưng tôi có cảm giác, hiện nay chúng ta làm chưa đúng “khía” nên giá sản xuất thức ăn chăn nuôi không cạnh tranh nổi với thức ăn chăn nuôi nhập khẩu. Các doanh nghiệp và người chăn nuôi vẫn lệ thuộc vào nhập khẩu”, ông Dương Nghĩa Quốc, Chủ tịch Hiệp hội Cá tra Việt Nam, lo ngại.

Theo ông Dương Nghĩa Quốc, Chủ tịch Hiệp hội Cá tra Việt Nam: Chủ động sản xuất cung cấp nguồn thức ăn cho chăn nuôi, thủy sản là vấn đề khó, nhưng chúng ta phải kiên trì tạo ra vùng nguyên liệu để sản xuất. Trước mắt, nên xem xét việc hạn chế hoặc dừng xuất khẩu cám, để trữ lại làm thức ăn chăn nuôi trong nước. Đồng thời, xem xét giảm thuế đối với mặt hàng thức ăn chăn nuôi nhập khẩu, để giúp người sản xuất giảm giá thành, tăng cạnh tranh. Chính phủ và ngành nông nghiệp cần chủ động đưa ra chính sách thích hợp, ưu tiên cho ngành sản xuất thức ăn chăn nuôi, thủy sản. Tạo điều kiện cho các địa phương trồng bắp, đậu nành, khoai mì, xây dựng và từng bước mở rộng vùng nguyên liệu để chủ động sản xuất thức ăn…

Theo Sở NN-PTNT tỉnh Long An, hiện nay hầu hết các cơ sở chăn nuôi lớn trên địa bàn đều sử dụng thức ăn nhập khẩu. Trước tình trạng giá thức ăn tăng, ngành chức năng khuyến cáo người chăn nuôi nên tiêm phòng vật nuôi, thường xuyên kiểm tra không để gia súc gia cầm, thủy sản bị bệnh nhằm giảm rủi ro. Lựa chọn nguồn thức ăn từ các cơ sở uy tín, nguồn gốc rõ ràng. Người chăn nuôi không nên tìm nguồn thức ăn giá rẻ để giảm giá thành mà cần phải tìm hiểu kỹ, thử nghiệm có kết quả tốt mới thay đổi để không ảnh hưởng đến năng suất.

Tỉnh Bạc Liêu phấn đấu trở thành trung tâm ngành công nghiệp tôm cả nước. Ông Phạm Hoàng Minh, Giám đốc Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao phát triển tôm Bạc Liêu, cho biết, mục tiêu và định hướng Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao phát triển tôm là trở thành hạt nhân tác động, dẫn dắt các mô hình nuôi tôm công nghệ cao. Hiện tỉnh đã chọn 9 doanh nghiệp đầu tư, trong đó có 1 dự án thức ăn cho tôm. Trong chuỗi giá trị ngành tôm hiện nay, khâu thức ăn còn phụ thuộc rất lớn thị trường nước ngoài. Để xây dựng Bạc Liêu thành trung tâm ngành công nghiệp tôm cả nước, cần thiết có nhà máy chế biến thức ăn cho tôm, có khả năng dẫn dắt thị trường thức ăn cho tôm, tránh lệ thuộc quá lớn vào nước ngoài. Khi đó, chuỗi giá trị ngành tôm sẽ phát triển ổn định và bền vững hơn.

QUỐC AN – NGỌC PHÚC – TẤN THÁI – VĨNH TƯỜNG

Nguồn tin: Sài Gòn Giải Phóng,

Tin mới nhất

T6,22/11/2024