“Thủ phủ” tôm giống tìm hướng phát triển

Sở hữu chiều dài bờ biển, điều kiện tự nhiên thuận lợi nên 2 tỉnh Bình Thuận và Ninh Thuận có nhiều lợi thế sản xuất tôm giống nước lợ. Tuy nhiên, trước sức ép cạnh tranh từ các vùng nuôi tôm giống khác, “thủ phủ” tôm giống này đứng trước áp lực phải chuyển đổi mô hình nuôi trồng để tồn tại.


Tại Bình Thuận, trước đây, chủ yếu sản xuất giống tôm sú, nhưng gần đây, nhu cầu của người nuôi tôm thương phẩm trên cả nước chuyển sang loài tôm thẻ chân trắng, dẫn đến các đơn vị sản xuất tôm sú giống tại Bình Thuận rơi vào cảnh lao đao. Do đặc điểm tôm giống thẻ chân trắng dễ lai tạo, nhiều nơi có thể sản xuất được, nên để có thể trụ vững các trại giống ở địa phương buộc phải chuyển đổi công nghệ sản xuất mới. “Thay vì tập trung sản xuất với số lượng lớn, chúng tôi chuyển sang sản xuất tôm giống chất lượng cao. Trong đó, việc chuyển đổi từ hình thức nuôi ao đất sang nuôi bạt kết hợp ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất được xem là hướng đi bền vững để nâng cao chất lượng con giống”, ông Trương Hữu Thông, chủ một trang trại tôm giống ở Bình Thuận, chia sẻ.

Công ty TNHH Việt Úc là một trong những đơn vị sản xuất tôm giống lớn tại Ninh Thuận và Bình Thuận, đang chuyển hướng tập trung lai tạo, sản xuất tôm giống bố mẹ để nâng cao chất lượng con giống. Đại diện công ty này cho biết, hiện đa phần cơ sở sản xuất tôm giống ở Ninh Thuận và Bình Thuận đều nhập tôm bố mẹ từ nước ngoài, kèm với những rủi ro về dịch bệnh, sự thích ứng với điều kiện tự nhiên, thời tiết. “Việc tập trung lai tạo tôm giống bố mẹ, trong đó chủ yếu là tôm thẻ chân trắng vào sản xuất thương mại bằng công nghệ tiên tiến, nhằm tránh lệ thuộc vào nguồn giống của nước ngoài, từ đó tạo ra sự đột phá cho ngành tôm giống”, đại diện Công ty TNHH Việt Úc cho hay.

Theo ông Huỳnh Quang Huy, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh Bình Thuận, đến nay, Bình Thuận có 133 cơ sở sản xuất, ương nuôi giống thủy sản. Riêng sản lượng tôm giống toàn tỉnh hàng năm đạt bình quân hơn 25 tỷ con. Thời gian tới, địa phương khuyến khích các doanh nghiệp tôm giống ứng dụng công nghệ mới, công nghệ cao trong hoạt động sản xuất tôm giống, như xử lý nước biển, kiểm soát chất lượng tôm giống bằng phương pháp PCR, nuôi cấy tảo tươi dùng làm thức ăn cho tôm giống,…

Tại tỉnh Ninh Thuận, ông Đặng Văn Tín, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh, cho biết, trong năm 2021 các cơ sở tôm giống trên địa bàn sản xuất được 24 tỷ con giống, chiếm khoảng 35% sản lượng cả nước. Nhằm tiếp tục nâng cao chất lượng, khẳng định thương hiệu, vị thế tôm giống, ngành nông nghiệp tỉnh Ninh Thuận đang đẩy mạnh công tác quản lý chất lượng tôm giống; kiểm tra điều kiện sản xuất, ương dưỡng giống, kiểm dịch tôm giống; quản lý việc sử dụng thức ăn, thuốc thú y thủy sản dùng trong sản xuất giống một cách nghiêm ngặt.

Bảo Ngọc

Theo SGGP

Tin mới nhất

T7,23/11/2024