Nuôi tôm dưới tán rừng

Tận dụng nước mặn để nuôi tôm hoặc nuôi loài thủy sản này dưới tán rừng đang được nhiều nông dân, doanh nghiệp lựa chọn. Hình thức sản xuất này vừa “thuận thiên” vừa góp phần bảo vệ môi trường và bảo đảm thu nhập cho người nuôi.

Huyện Duyên Hải, tỉnh Trà Vinh có diện tích nuôi tôm hằng năm khoảng 8.500 ha. Trong đó, hơn 5.000 ha là mô hình nuôi thủy sản kết hợp với rừng. Từ tháng 6-2020, Ngân hàng Thế giới đã hỗ trợ nguồn vốn cho dự án “Chống chịu khí hậu tổng hợp sinh kế bền vững vùng ĐBSCL” và chọn 22 hộ ở huyện Duyên Hải để hỗ trợ thực hiện mô hình nuôi tôm dưới tán rừng. Sau vụ nuôi theo mô hình này hơn 3 tháng, năng suất bình quân đạt khoảng 0,7 tấn/ha, lợi nhuận mỗi ha đạt gần 74 triệu đồng – cao hơn so với sản xuất đại trà trước đó gần 40 triệu đồng.

Ông Kim Chí Hòa, Chủ tịch UBND huyện Duyên Hải, cho biết huyện khuyến khích các hộ dân phát triển diện tích nuôi tôm dưới tán rừng. Đây là hình thức nuôi tôm không cần dùng thức ăn hay hóa chất mà vẫn bảo đảm thu nhập cho hộ nuôi và bảo vệ rừng. Sản phẩm từ mô hình này là sạch hoàn toàn nên giá bán cao, được nhiều nơi tranh mua. Hiện toàn tỉnh Trà Vinh có tổng diện tích rừng hơn 9.000 ha, trong đó hơn 4.000 ha được người dân tự trồng và bảo vệ để kết hợp nuôi tôm.


Nuôi tôm dưới tán rừng không chỉ giúp bảo vệ rừng mà còn có sản phẩm tôm sạch, giá bán cao Ảnh: Ngọc Trinh

Theo ông Huỳnh Văn Tấn, Tổng Giám đốc Công ty CP Chế biến thủy sản và Xuất nhập khẩu Cà Mau (Camimex), với mô hình nuôi tôm sinh thái, bền vững, nông dân hoàn toàn không cần sử dụng đến thức ăn chế biến, không hóa chất kháng sinh nhưng vẫn bảo đảm gia tăng thu nhập và bảo vệ được môi trường.

“Khi tham gia cùng công ty, các hộ dân sẽ được tập huấn để hiểu thế nào là nuôi tôm sinh thái. Trước đây, người dân lúc nào cũng muốn khai thác rừng để nuôi tôm. Song, khi họ tham gia nuôi tôm sinh thái thì sẽ bảo vệ rừng bởi để nuôi được tôm sinh thái, diện tích rừng luôn phải bảo đảm” – ông Tấn giải thích.

TS Nguyễn Thanh Mỹ, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Mỹ Lan (Trà Vinh), cho rằng điều quan trọng nhất khi nuôi tôm là nguồn nước, đặc biệt là xử lý nước thải. Do vậy, phải làm sao để nước thải từ ao tôm ra môi trường sạch hơn nguồn nước đầu vào, chứ không phải bỏ ra cả ngàn tỉ đồng để kéo ống ra ngoài biển lấy nước sạch nuôi tôm rồi sau đó xả nước thải làm ô nhiễm môi trường.

Sản phẩm tôm sinh thái có giá cao nhưng người tiêu dùng ở phân khúc thị trường cao cấp chấp nhận. Bởi lẽ, đây là sản phẩm sạch, an toàn đối với sức khỏe người tiêu dùng.

Lê Khánh

Báo Người Lao Động