6 tháng đầu năm 2023: Tổng quan ngành tôm tại một số tỉnh

[Tạp chí Người Nuôi Tôm] – Theo báo cáo của Cục Thủy sản (Bộ NN&PTNT), sản lượng tôm 6 tháng đầu năm 2023 ước đạt 467.000 tấn, trong đó, tôm thẻ chân trắng đạt 312.500 tấn, tôm sú đạt 119.300 tấn. Kim ngạch xuất khẩu tôm đạt 1,56 tỷ USD, chiếm 38% tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản cả nước.

Quảng Ninh: Sản lượng tôm tăng 12,9% so với cùng kỳ

Trong 6 tháng đầu năm 2023, toàn tỉnh có 3.017 cơ sở nuôi thả tôm với diện tích 7.500ha, riêng diện tích nuôi tôm công nghiệp đạt hơn 4.700ha. Sản lượng tôm đạt 18.830 tấn, tăng 12,9% so với cùng kỳ 2022, đứng đầu các tỉnh phía Bắc về sản lượng.

Các cơ sở sản xuất giống tôm trên địa bàn tỉnh đã tập trung sản xuất, ương dưỡng và cung cấp ra thị trường trên 500 triệu con giống, đạt 60% kế hoạch, trong đó cung ứng trong tỉnh khoảng 300 triệu con, ngoài tỉnh 200 triệu con. Đặc biệt, Công ty TNHH Việt Úc – Quảng Ninh là một trong những doanh nghiệp hàng đầu trong sản xuất tôm giống trong nước. Trong 6 tháng đầu năm, công ty đã sản xuất, cung ứng cho thị trường 494 triệu con giống tôm thẻ chân trắng, trong đó cung ứng 284 triệu tôm giống cho thị trường Quảng Ninh…

Đối với chế biến, tiêu thụ tôm thương phẩm, các nhà máy đã thu mua, chế biến trên 2.000 tấn, xuất bán dưới dạng tươi sống, ướp đá trên 16.000 tấn tôm thương phẩm. Theo thống kê, trong 6 tháng đầu năm đã có 91ha của 161 cơ sở nuôi tại 6 địa phương bị thiệt hại do dịch bệnh, mức thiệt hại ước khoảng 15 tỷ đồng.

Quảng Ninh nuôi tôm tập trung chủ yếu ở các địa phương Móng Cái, Tiên Yên, Đầm Hà, Quảng Yên. Đây là những địa phương có diện tích nuôi lớn, với các mô hình nuôi tôm công nghiệp theo hướng quảng canh cải tiến, thâm canh, siêu thâm canh, áp dụng công nghệ tiên tiến cho năng suất cao. Trong đó mô hình nuôi tôm siêu thâm canh trong nhà kính, mô hình nuôi tôm trong bể nổi tròn có diện tích khoảng 100ha (chiếm 1,3% diện tích nuôi tôm); mô hình nuôi tôm 2, 3 giai đoạn ít thay nước, mô hình nuôi tôm trong ao đất bền vững khoảng 150ha (chiếm 2% diện tích nuôi tôm); mô hình ứng dụng chế phẩm sinh học trong quản lý môi trường và dịch bệnh được áp dụng ở hầu hết cơ sở nuôi tôm…

Quảng Ninh là tỉnh có diện tích nuôi tôm còn ít so với các địa phương tại Đồng bằng sông Cửu Long. Tuy nhiên, người nuôi lại chú trọng đầu tư công nghệ, chủ yếu nuôi theo hướng thâm canh, công nghệ cao. Mục tiêu đến năm 2025 diện tích liên kết chuỗi đạt 500ha, sản lượng ước đạt 2.100 tấn và đến năm 2030, diện tích 4.848ha, sản lượng liên kết chuỗi đạt 25.650 tấn.

Mô hình nuôi tôm công nghệ cao tại tỉnh Quảng Ninh

Nghệ An: Diện tích nuôi tăng 107,19%

Theo thống kê, 6 tháng đầu năm 2023, diện tích thả nuôi tôm tại Nghệ An đạt 1.347ha, tăng 107,19% so cùng kỳ năm 2022. Sản lượng tôm ước đạt 5.356,8 tấn, tăng 106,44 % so với cùng kỳ. Các đơn vị cung ứng con giống đang tập trung sản xuất để đáp ứng nhu cầu cho người nuôi. Nhìn chung, tỷ lệ đẻ, ương dưỡng giống và thị trường tiêu thụ thuận lợi. Đến hết tháng 6 năm 2023, sản xuất tôm giống ước đạt 1.549,9 triệu con.

Tháng 6/2023 diện tích nuôi toàn tỉnh ước đạt 30,4ha. Tổng sản lượng tôm ước đạt 1.448,3 tấn, tăng 106,22 % so với cùng kỳ năm 2022. Trong tháng 6, sản xuất tôm giống ước đạt 287,7 triệu con. Sản xuất giống có những biến chuyển phát triển tốt, từ quy trình sản xuất, đến tăng mạnh cả về số lượng và chủng loại, chất lượng kiểm soát chặt chẽ. Cơ sở hạ tầng sản xuất giống không ngừng mở rộng, nâng cấp công suất.

Hiện nay, hoạt động nuôi tôm diễn ra chủ yếu tại 5 huyện/thị xã gồm thị xã Hoàng Mai và các huyện Quỳnh Lưu, Diễn Châu, Nghi Lộc, TP. Vinh – những nơi thuận lợi về nguồn nước mặn lợ. Đối tượng nuôi chính là các loài tôm thẻ chân trắng và tôm sú. Người nuôi tôm chú trọng việc áp dụng công nghệ hiện đại, diện tích nuôi được mở rộng, đối tượng và hình thức nuôi ngày càng đa dạng.

Đến năm 2025, Nghệ An phấn đấu diện tích nuôi trồng đạt 24.000 – 25.500 ha, trong đó nuôi mặn lợ khoảng 2.500 ha; sản lượng nuôi trồng thủy sản đạt 65.000 – 75.000 tấn; tập trung các đối tượng nuôi trồng có giá trị kinh tế cao. Chủ động sản xuất giống thủy sản có chất lượng các đối tượng nuôi chủ lực; phấn đấu đến năm 2025, sản xuất tôm giống đạt 2.600 – 2.700 triệu con.

Hà Tĩnh: Diện tích nuôi có xu hướng giảm

Diện tích thả nuôi tôm nước lợ tỉnh Hà Tĩnh 6 tháng đầu năm 2023 giảm 7,9% so với cùng kỳ năm trước, ước đạt khoảng 1.800ha. Sản lượng tôm đạt khoảng 1.136 tấn, tăng 6,37% so với cùng kỳ. Hà Tĩnh là tỉnh có thế mạnh là con tôm và đặc biệt tôm thẻ chân trắng. Tính đến thời điểm này Hà Tĩnh có tổng diện tích nuôi tôm 2.239ha, tôm thẻ chân trắng chiếm 1.976ha (bằng 88,2%). Trong đó: Nuôi thâm canh công nghiệp 629ha; nuôi bán thâm canh, nuôi quảng canh cải tiến là 1.347ha. Sản lượng nuôi đạt 5.469 tấn, doanh thu trung bình khoảng 260 triệu/ha; người nuôi có lãi từ 100 – 120 triệu/ha.

Dịch bệnh ở tôm luôn tiềm ẩn nguy cơ ở mỗi vụ nuôi, gây thiệt hại lớn cho người nuôi. Từ đầu năm 2023 đến nay, bệnh Đốm trắng xảy ra với diện tích 32,19ha tại 07 xã, thuộc 05 huyện; Bệnh Hoại tử gan tụy cấp tính xảy ra tại xã Yên Hòa, huyện Cẩm Xuyên với diện tích 2,5ha và bệnh Vi bào tử trùng (EHP) xảy ra tại xã Thạch Hải, huyện Thạch Hà với diện tích 0,32ha.

Hà Tĩnh phấn đấu đến năm 2025, quy mô diện tích 2.810ha, trong đó thâm canh, bán thâm canh 2.410ha; quảng canh cải tiến 400ha; sản lượng 5.800 tấn. Đến năm 2030, dự kiến quy mô diện tích 2.830ha; sản lượng 6.700 tấn.

Bạc Liêu: 4.607ha đầu tư nuôi tôm siêu thâm canh

Theo báo cáo của UBND tỉnh Bạc Liêu, trong 6 tháng đầu năm 2023, sản lượng tôm nuôi ước 74.585 tấn, đạt 30,2% kế hoạch, tăng 13,03% so cùng kỳ. Nhiều mô hình nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao được triển khai mở rộng mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Ngoài ra, đã hoàn thành hạ tầng kỹ thuật “Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao phát triển tôm Bạc Liêu”; chọn được 9 doanh nghiệp đầu tư vào Khu và đầu tư giai đoạn 2 (triển khai thi công được 55% khối lượng). Trong đó, nhà máy chế biến thủy sản Việt Úc đã hoàn thành và đưa vào khai thác giúp cho việc tăng sản phẩm chế biến tôm, cung cấp tôm thương phẩm chất lượng cao, thúc đẩy ngành tôm phát triển.

Xuất khẩu tôm đông lạnh trong 6 tháng ước đạt 38.801,98 tấn, tăng 6,8% so cùng kỳ. Giá trị kim ngạch 405,75 triệu USD, đạt 41,68% kế hoạch, tăng 6,98% so cùng kỳ. Tính đến tháng 6/2023 trên địa bàn tỉnh có 25 tổ chức và và 832 hộ dân đang đầu tư nuôi tôm siêu thâm canh 2 – 3 giai đoạn với diện tích là 4.607ha. Tổng số cơ sở nuôi tôm được cấp xác nhận đến nay 6.396 cơ sở, (đạt 13%) cơ sở với diện tích 11.577,47ha  (16.838 ao).

06 tháng đầu năm 2023, biến động giá tôm theo chiều hướng giảm, đặc biệt đối với tôm chân trắng đã tác động rất lớn đối với nghề nuôi tôm của tỉnh. Bên cạnh đó, những tháng đầu năm 2023 (từ đầu tháng 3 đến nay), giá tôm nguyên liệu trên địa bàn tỉnh giảm từ 4 – 18% tùy vào thời điểm so với cùng kỳ, và so với thời điểm giá tốt nhất trong năm 2023.

Bạc Liêu phấn đấu trong giai đoạn 2021 – 2025, tốc độ tăng kim ngạch xuất khẩu tôm hàng năm là 5,28%, riêng năm 2023, chỉ tiêu đề ra xuất khẩu tôm đạt 1 tỷ USD. Phấn đấu đến năm 2025, Bạc Liêu đứng ở vị trí hàng đầu về công nghệ chế biến tôm trong cả nước. Tỉnh cũng đặt mục tiêu đạt giá trị kim ngạch xuất khẩu trong giai đoạn 2026 – 2030 các sản phẩm thủy sản ước đạt 1,5 tỷ USD, sản lượng tôm đạt 341.000 tấn. Đặc biệt, chú trọng việc xây dựng chuỗi liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ, bảo đảm đầu ra ổn định cho trên 40% sản lượng sản phẩm nuôi trồng thủy sản, 70% sản phẩm nuôi trồng thủy sản truy xuất được nguồn gốc.

Sóc Trăng: Đã thả nuôi hơn 32.000 ha tôm nước lợ

Theo thông tin từ Chi cục Thủy sản tỉnh Sóc Trăng, tính đến ngày 30/6, toàn tỉnh đã thả nuôi 32.050,3ha, đạt 62,8% so với kế hoạch; trong đó, tôm thẻ chân trắng 24.256,5ha, tôm sú 7.793,8ha. Hiện, diện tích thả nuôi thu hoạch 7.408ha, sản lượng 42.567,4 tấn, trung bình giá tôm giảm từ 16.000 – 33.000 đồng/kg so với cùng kỳ năm 2022. Diện tích tôm nuôi bị thiệt hại 568ha, thấp hơn cùng kỳ 778ha, tôm bị thiệt hại do các dịch bệnh Vi bào tử trùng, Gan tụy, Phân trắng…

Tại thị xã Vĩnh Châu, từ đầu năm đến nay, diện tích thả tôm nuôi được gần 12.000ha, thấp hơn cùng kỳ năm 2022 hơn 2.020ha; trong đó, tôm thẻ chân trắng đạt 9.432ha, hiện thu hoạch 3.392,5ha, năng suất 5,75 tấn/ ha, sản lượng 19.524 tấn; tôm sú đạt 2.540ha, thu hoạch 454ha, năng suất 3,84 tấn/ha, sản lượng 1.744 tấn.

Sóc Trăng đang xây dựng đề án phát triển nuôi tôm nước lợ của tỉnh giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030. Theo đề án, đến năm 2025, Sóc Trăng có 57.000ha nuôi tôm, sản lượng tôm nuôi khoảng 233.800 tấn. Đến năm 2030, duy trì diện tích nuôi tôm là 57.000ha, sản lượng 311.428 tấn. Đề án tập trung triển khai hàng loạt các chính sách liên quan đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng vùng nuôi; xây dựng mô hình nuôi tôm công nghệ cao, nuôi tôm theo chuẩn quốc tế; đào tạo, thu hút, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ phát triển chuỗi ngành hàng.

Cà Mau: Diện tích nuôi tôm thâm canh đạt hơn 4.000 ha

Lĩnh vực nuôi tôm công nghiệp trên địa bàn tỉnh đang phát triển theo hướng ổn định, sản lượng tôm gia tăng so cùng kỳ năm trước. Theo thống kê, 7 tháng đầu năm 2023, tỉnh hiện có diện tích nuôi tôm siêu thâm canh đạt gần 4.642ha, diện tích nuôi tôm thâm canh đạt hơn 1.738ha.

Cụ thể, diện tích nuôi tôm thâm canh và siêu thâm canh phát triển ổn định, lũy kế đạt hơn 6.380ha, bằng 97,9% kế hoạch, diện tích đang thả nuôi khoảng 73%. Bên cạnh đó, mô hình nuôi tôm quảng canh cải tiến cũng đang phát triển rất ổn định với khoảng 179.764ha, diện tích đang thả nuôi đạt 100%, tăng 8,4% so với cùng kỳ năm 2022. Tổng sản lượng tôm của toàn tỉnh đạt 145.522 tấn, bằng 59,9% kế hoạch, tăng 6,6% so cùng kỳ năm trước.

Theo kế hoạch, tổng diện tích nuôi tôm nước lợ năm 2023 đạt 280.000ha. Trong đó, diện tích nuôi siêu thâm canh đạt 4.500ha; diện tích nuôi thâm canh đạt 2.020ha; diện tích nuôi tôm quảng canh cải tiến đạt 180.000ha; diện tích nuôi tôm quảng canh kết hợp đạt 93.480ha. Năng suất tôm nuôi bình quân đạt 825 kg/ha/năm. Tổng sản lượng tôm nuôi trong tỉnh đạt 233.000 tấn. Đến năm 2025, tổng diện tích nuôi tôm nước lợ ổn định 280.000 ha.

 Ngọc Anh