Xuất khẩu tôm 2022: Lập kỷ lục 4,3 tỷ USD

[Tạp chí Người Nuôi Tôm] – Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), xuất khẩu tôm năm 2022 tăng trưởng 14% so với năm 2021, thiết lập mốc kỷ lục mới về giá trị kim ngạch 4,3 tỷ USD. Tuy nhiên, xuất khẩu tôm tăng trưởng là nhờ sự tăng đột phá vào nửa đầu năm, trong khi đó vào cuối năm thì liên tục suy giảm.

 

Tăng mạnh nửa đầu năm, giảm sâu nửa cuối năm

Trong năm 2022, xuất khẩu tôm thẻ chân trắng đạt 3,23 tỷ USD, chiếm 75% trong tổng giá trị kim ngạch của ngành hàng tôm; xuất khẩu tôm sú đạt 559 triệu USD, chiếm 13%; còn lại là các loại tôm khác như: tôm hùm, tôm càng xanh, tôm nước ngọt…

Nhìn lại cả năm, cho thấy xuất khẩu tôm tăng trưởng mạnh mẽ trong nửa đầu năm. Kim ngạch xuất khẩu tôm trong 6 tháng đầu năm đạt tới 2,3 tỉ USD, tăng 33% so với cùng kỳ năm trước, và chiếm 40% tổng giá trị xuất khẩu thủy sản.

Phân tích những nguyên nhân khiến giá trị xuất khẩu tôm tăng cao trong nửa đầu năm, ông Nguyễn Hoài Nam – Phó Tổng thư ký VASEP cho hay, do lạm phát ở các nước EU và Hoa Kỳ, nguồn cung nhiều loại thực phẩm giảm, đã đẩy giá tôm tiêu thụ ở các khu vực này tăng cao. Tại Việt Nam, giá tôm nguyên liệu cũng tăng cao đã đẩy giá xuất khẩu tăng lên. Mặt khác, chi phí cước tàu tăng đã góp phần “ảo” tăng thêm khoảng 10% giá trị kim ngạch xuất khẩu.

Tuy nhiên, từ quý 3 trở đi, xuất khẩu tôm đã chững lại và giảm dần tăng trưởng so với cùng kỳ năm trước và giảm dần so với những tháng liền kề trước đó. Đặc biệt trong 2 tháng cuối năm, xuất khẩu tôm đã giảm so với cùng kỳ năm trước. Phân tích nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, bà Kim Thu, Chuyên gia phân tích thị trường Tôm của VASEP, cho biết tình hình lạm phát tại Hoa Kỳ, EU ngày một tăng. Giá đồng EUR, đồng Bảng, đồng Yên xuống thấp đã làm giảm sức mua hàng hóa nói chung, với mặt hàng tôm nói riêng. Đồng USD có giá nhưng tại thị trường Mỹ, doanh nghiệp Việt Nam phải cạnh tranh mạnh với tôm giá rẻ từ Ecuador và Ấn Độ. Do vậy, xuất khẩu tôm sang Mỹ giảm mạnh, xuất khẩu tôm sang EU trầm lắng. Trong bối cảnh trên, tình hình nuôi tôm trong nước không khả quan khiến giá tôm thương phẩm khá cao, càng thêm bất lợi cho doanh nghiệp chế biến.

Ông Hồ Quốc Lực, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần thực phẩm Sao Ta – một trong những đơn vị hàng đầu về xuất khẩu tôm, cá tra, cho hay, một số đơn hàng bị đối tác hoãn thời gian giao hàng, hay nghiêm trọng hơn là hủy do chưa rõ thị trường trong thời gian tới ra sao. Lý do đơn hàng bị hủy là do lạm phát thế giới tăng cao khiến nhu cầu tiêu dùng giảm sút, những mặt hàng giá trị cao không được ưu tiên lựa chọn. Mặt khác, tình hình cạnh tranh với các đối thủ ngày càng gay gắt khiến việc tiêu thụ ở thị trường lớn khó khăn, dẫn tới tồn kho xảy ra, từ đó nhà mua hàng chia sẻ rủi ro với nhà cung ứng.

Tương tự, ông Lê Bảo Toàn, Giám đốc tài chính của Công ty Cổ phần Thuỷ sản Minh Phú (Hậu Giang), cũng cho hay, một vài tháng gần đây, lượng hàng xuất khẩu của doanh nghiệp đi châu Âu, Mỹ giảm nhiều so với cùng kỳ năm trước. Lượng đơn hàng đang rất thấp, nếu không muốn nói là quá ít so với cùng kỳ năm 2021.

Trong khi đó, ông Toàn phàn nàn lãi suất cho vay tăng cao khiến chi phí lãi vay của doanh nghiệp tăng theo, kéo giảm sức cạnh tranh. Trước tình hình trên, lãnh đạo Minh Phú đang chỉ đạo sát sao về sản xuất bám chặt vào đơn hàng, tập trung vào các mặt hàng có giá trị gia tăng để nâng cao lợi nhuận cho doanh nghiệp.

Trong khi xuất khẩu tôm sang Hoa Kỳ và EU giảm, thì các doanh nghiệp Việt Nam đã tận dụng khoảng cách địa lý gần từ các thị trường châu Á, châu Úc, nên xuất khẩu sang các thị trường này có phần sôi động hơn. Nhờ vậy, xuất khẩu tôm sang các thị trường gần vẫn giữ được tăng trưởng khả quan, trong đó sang Trung Quốc tăng 62%, sang Australia tăng 50%, sang Canada tăng 38%, sang Hàn Quốc tăng 31%. Do tăng trưởng rất mạnh, đã khiến Trung Quốc vượt qua Mỹ, trở thành thị trường nhập khẩu tôm lớn nhất của Việt Nam trong 3 tháng cuối năm. Lũy kế cả năm, xuất khẩu tôm sang Trung Quốc đạt 658 triệu USD, vẫn đứng thứ 2 sau thị trường Hoa Kỳ. Sản lượng tôm nội địa của Trung Quốc sụt giảm do thời tiết bất lợi, dịch bệnh trên tôm ở một số khu vực sản xuất tôm chính, khiến Trung Quốc tăng cường nhập khẩu tôm. 

Nguồn số liệu: Vasep

“Tam mã” chạy đua, tôm Việt yếu thế

Trên thế giới hiện nay có 6 nước nuôi tôm có sản lượng cao là Ecuador, Ấn Độ, Việt Nam, Trung Quốc, Indonesia và Thái Lan. Tuy nhiên, theo ông Hồ Quốc Lực, xuất khẩu tôm trên thế giới hiện nay là “cuộc đua tam mã” giữa 3 quốc gia: Việt Nam, Ecuador và Ấn Độ. Sản lượng tôm nuôi của Trung Quốc chưa đáp ứng được nhu cầu tiêu dùng của nước này.

Với Indonesia và Thái Lan, lượng tôm xuất khẩu còn rất thấp so với “tam mã” nêu trên. Giá tôm xuất khẩu của Việt Nam đang cao hơn 1 USD so với giá tôm xuất khẩu của Ấn Độ và cao hơn 2,5-3 USD so với giá tôm xuất khẩu của Ecuador. Do vậy, tôm Việt Nam đang bị 2 đối thủ cạnh tranh lấy đi thị phần tại Hoa Kỳ. Tôm Việt chỉ thâm nhập được dòng sản phẩm cao cấp vào thị trường Hoa Kỳ, do Ecuador chưa đảm bảo được trình độ chế biến.

“Tuy nhiên, không xa thôi nếu không có giải pháp khắc phục điểm yếu của mình thì tôm Việt ở thị trường Mỹ sẽ thất thế. Cách đây 4 năm, sản lượng tôm xuất khẩu của Ecuador thấp hơn nhiều so với tôm Việt, nhưng nay họ đã chiếm lĩnh vị trí hàng đầu thế giới”, TS. Hồ Quốc Lực cảnh báo.

TS. Hồ Quốc Lực cho hay từ ba năm về trước các doanh nghiệp tôm Việt có nhập tôm sơ chế từ Ecuador và Ấn Độ về để chế biến lại xuất khẩu, nhằm tạo việc làm cho người lao động khi tôm trong nước hết vụ. Sau này, quy định ở các hiệp định thương mại, các doanh nghiệp nước ta không còn nhập khẩu tôm nguyên liệu về chế biến xuất khẩu nữa. Dẫn đến Trung Quốc một mình một chợ thao túng tôm vỏ bỏ đầu từ hai nước vừa nêu. Trung Quốc nhập khẩu, tái chế phục vụ nhu cầu trong nước thoải mái mua bán hàng năm và họ là bạn hàng lớn nhất tôm hai nước đang nhắc tới.

Theo TS. Hồ Quốc Lực, từ 3-4 năm gần đây, Ecuador đã làm cách mạng cho ngành tôm của họ. Trước tiên là việc nghiên cứu con giống, họ đã thành công. Họ có chính sách thu nhận lao động từ các nước láng giềng để bù đắp thiếu hụt lao động phục vụ chế biến. Trong lĩnh vực này, họ có thể chậm chân hơn Ấn Độ 4-5 năm, nhưng họ cũng đang tiến trình chuyển biến mạnh từ chế biến tôm nguyên con, tôm bỏ đầu cấp đông block sang chế biến tôm cấp đông rời từng con dạng bóc vỏ chừa đốt đuôi (raw PTO). Họ đề ra chiến lược thị trường mới, không lệ thuộc quá nhiều vào Trung Quốc và nâng sản lượng tiêu thụ ở Hoa Kỳ qua tiêu thụ tôm chế biến. Họ có lợi thế to lớn là gần thị trường, chi phí vận chuyển rẻ hơn cả 1 USD mỗi kg, nên tôm Ecuador nhanh chóng vào Hoa Kỳ các năm gần đây và nhanh chóng đạt thị phần khoảng 20% ở đây.

Từ 2015, ngành tôm Ấn Độ đề ra mục tiêu đưa sản lượng tôm lên 1 triệu tấn vào năm 2020 và nỗ lực cải thiện trình độ chế biến. Chương trình này thành công, tuy bị Covid-19 tác động khá nặng nhưng nay họ đã đạt suýt soát triệu tấn tôm/năm. Họ đã cải thiện chế biến từ tôm vỏ bỏ đầu cấp đông block sang raw PTO. Sản phẩm này nhanh chóng chiếm lĩnh thị trường Hoa Kỳ, có năm tôm Ấn Độ đạt hơn 40% tổng tôm nhập khẩu ở đây.

Hiện nay, các nước Ecuador và Ấn Độ đã vượt qua Việt Nam về khâu nuôi tôm và hạ giá thành tôm nuôi. Tuy nhiên, về chế biến tôm, thì hai đối thủ trên vẫn còn đi sau Việt Nam. Trình độ chế biến và chủng loại sản phẩm của Việt Nam là cao nhất. Ấn Độ mới cải thiện trong 5-7 năm gần đây. Ecuador chú trọng lĩnh vực này chậm hơn, chỉ rõ nét trong vòng 2-3 năm gần đây. Do vậy, giá tôm tiêu thụ trung bình của Việt Nam là cao nhất và Ecuador là thấp nhất.

Theo chia sẻ của các doanh nghiệp, Hoa Kỳ và EU vẫn được xác định là 2 thị trường lớn của con tôm Việt Nam, nhất là ở phân khúc thị trường cao cấp. Một doanh nghiệp cho biết: “Nói gì thì nói, ở phân khúc sản phẩm cao cấp của 2 thị trường này chúng ta vẫn có nhiều lợi thế hơn các đối thủ Ecuador và Ấn Ðộ cho dù có chịu ít nhiều tác động đến từ tôm cấp thấp giá rẻ của họ”. 

 

Giải pháp cho tôm Việt

“Nhưng những gì đã và đang diễn ra ở hai nước nói trên cho thấy họ quyết tâm đạt đỉnh cao trong lĩnh vực chế biến nhanh nhất. Điều đó có thể thành thực tế trong vòng 5 năm tới. Đây cũng là thời gian để ngành tôm Việt đề ra sách lược đối phó, chiến lược nâng tầm cho mình”, TS. Hồ Quốc Lực nhận định.

Để không bị các đối thủ Ecuador và Ấn Ðộ qua mặt, ông Hồ Quốc Lực cho rằng, ngành tôm Việt Nam cần phải thực thi nhiều sách lược để tăng năng suất tôm nuôi, nhằm giảm giá thành, tăng sức cạnh tranh quốc tế. Cụ thể, phải thúc đẩy công tác giống để có tôm bố mẹ chống chịu bệnh, mau lớn. Nhà nước cần phải có biện pháp kiểm soát chặt chẽ hơn cơ sở kinh doanh tôm giống. Đồng thời, cần nỗ lực từng bước đầu tư thủy lợi vùng nuôi tôm trọng điểm, kịp thời tổng kết mô hình nuôi, quy trình nuôi từng khu vực. Phải coi trọng công tác dự báo, quan trắc để giảm rủi ro nuôi với thiên tai, dịch bệnh, thúc đẩy ứng dụng chuyển đổi số trong nuôi tôm. Mặt khác, phải nâng tỷ lệ ao nuôi đạt chuẩn ASC để có nền tảng nâng tầm tôm Việt.

Chu Khôi

Trung Quốc – điểm đến tiềm năng cho các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản năm 2023

Dự kiến đầu năm 2023, Trung Quốc sẽ mở cửa hoàn toàn sau một thời gian dài phong tỏa từ ảnh hưởng của đại dịch Covid-19. Trong bối cảnh thị trường đặc biệt khó khăn cho cuối năm 2022 đầu năm 2023, Trung Quốc sẽ là một điểm đến tiềm năng nhất cho các doanh nghiệp thủy sản Việt Nam.

Thứ nhất là vị trí địa lý thuận lợi, gần giúp các chi phí về logistics, rủi ro sẽ không bị chi phối nhiều như xuất sang các thị trường khác như Mỹ, EU.

Thứ hai là về yếu tố kinh tế. Khi Trung Quốc mở cửa thị trường chắc chắn sẽ bùng nổ mạnh mẽ về kinh tế cũng như nhu cầu. Nhu cầu bùng nổ đó sẽ không thể đáp ứng kịp bằng nguồn nguyên liệu sản xuất trong nước của Trung Quốc sau một thời gian dài quốc gia này áp dụng những chính sách hạn chế do dịch Covid-19. Do vậy, có thể dự báo chắc chắn việc xuất khẩu ngành hàng thủy sản Việt Nam sang thị trường Trung Quốc năm 2023 sẽ là rất mạnh mẽ.

Bà Lê Hà, Giám đốc truyền thông VASEP