Tôm cỡ nhỏ: “Cửa” sáng cho xuất khẩu tôm Việt Nam

[Người Nuôi Tôm] – Theo báo cáo của VASEP, năm 2020 Việt Nam xuất khẩu tôm sang tổng cộng 106 thị trường, mở rộng thêm 5 thị trường so với năm trước. Đối với 10 thị trường chính, giá trị xuất khẩu tôm đạt 3,55 tỷ USD, chiếm 95,2% tổng giá trị xuất khẩu.

 

Nhu cầu tôm cỡ nhỏ tăng cao

Năm 2020, ngành tôm Việt Nam bắt đầu chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19, dần xuất hiện những sự thay đổi rõ ràng trong chuỗi phân phối, các thị trường nhập khẩu đều giảm, ngoại trừ thị trường Mỹ. Nhu cầu tôm thẻ chân trắng cỡ nhỏ bắt đầu tăng trưởng vượt trội so với các năm trước đây. Chính điều này đã giúp cho tôm thẻ chân trắng tiếp tục ghi nhận sự tăng trưởng. Ngược lại, thị trường tôm sú có xu hướng giảm dần.

Lý giải cho nguyên nhân này, ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) cho rằng, đây là xu thế tất yếu do thay đổi thói quen của người tiêu dùng trong thời kỳ Covid-19. Các mặt hàng tôm nhỏ, chế biến tại nhà sẽ được ưu tiên lựa chọn, thế mạnh của tôm thẻ chân trắng đã phản ánh rõ ràng nhu cầu của thế giới. Nhận định thị trường qua các năm có thể thấy được xu hướng tôm thẻ chân trắng đang tăng lên, phản ánh rõ rệt trong số liệu xuất khẩu tôm Việt Nam thời gian vừa qua. “Năm 2020, trong bối cảnh dịch bệnh ngành tôm vẫn xuất khẩu được 3,73 tỷ USD, trong đó hơn 75% là tôm thẻ chân trắng, 15% là tôm sú, còn lại là tôm biển và tôm nước ngọt. Điều này sẽ lôi kéo, định hướng cho chỉ đạo sản xuất và chính bà con trong quy hoạch, phát triển nuôi tôm ở Việt Nam”, ông Nam nhận định.

Ông Nam cũng cho biết các quốc gia Mỹ, châu Âu và Nhật Bản vẫn là những thị trường tiêu thụ lớn của sản phẩm tôm Việt Nam trong thời gian tới. Đặc biệt là thị trường Mỹ, mặc dù chúng ta chỉ nằm trong tốp 8 các nước xuất khẩu tôm vào thị trường này, nhưng lượng tôm xuất khẩu là rất lớn.

 

Mỹ vẫn là thị trường tiềm năng

Có thể thấy, Mỹ có thuận lợi trong việc chủ động vaccine phòng chống dịch Covid-19, nhu cầu sử dụng tôm cũng sẽ thay đổi theo khi quốc gia này có sự lới lỏng các hoạt động xã hội. Mục tiêu thị trường Mỹ được nhận định là đã có sự thay đổi khi kênh tiêu thụ thực phẩm qua nhà hàng ăn đã giảm, kênh tiêu thụ mua về tại nhà đã tăng lên. Hiện nay, ngành tôm Việt Nam đang có cơ hội xuất khẩu tốt sang thị trường này, bởi một số nước xuất khẩu tôm như Ấn Độ, Trung Quốc… những nước được cho là đối thủ cạnh tranh với tôm Việt Nam, đang bị tác động bởi dịch bệnh Covid-19. Trong năm nay, Mỹ sẽ tiếp tục là thị trường tiềm năng mà các nước như Việt Nam, Ecuador, Indonesia tranh giành thị phần.

Ông Nam cho biết, trong 6 tháng đầu năm, mặt hàng tôm xuất khẩu nước ta đã tăng trưởng khá tốt. Trước tháng 6, các doanh nghiệp tại các vùng sản xuất, chế biến tôm chính của Việt Nam gần như chưa bị tác động nhiều dịch Covid-19 ở trong nước. Nhưng thời điểm hiện tại, một số doanh nghiệp đang rất lo lắng về tác động của dịch. “Những tháng cuối năm 2021, dự báo nhu cầu nhập khẩu tôm của thế giới tăng trở lại, đặc biệt ở các thị trường lớn như EU, Hoa Kỳ, Nhật Bản, Trung Quốc và Hàn Quốc. Tuy nhiên, với tình hình dịch trong nước, đặc biệt đang diễn biến phức tạp tại các vùng trọng điểm nuôi, chế biến của cả cả nước thì việc tận dụng được cơ hội này đặt ra không ít thách thức”, ông Nam cho biết thêm.

Ảnh minh họa: ST

 

Vẫn còn nhiều nan giải

Nửa cuối năm 2021, song song với những cơ hội về xuất khẩu, ngành tôm Việt Nam vẫn còn tồn tại những khó khăn, đặc biệt là việc cấp mã số xác nhận đăng ký cơ sở nuôi đạt kết quả chưa cao. Giá thành sản xuất tôm ở nước ta vẫn cao hơn so với các nước trong khu vực. Nguyên nhân là do thức ăn nuôi tôm vẫn đang chiếm lỷ lệ cao trong giá thành sản xuất (khoảng 65% giá thành nuôi tôm công nghiệp). Ngoài ra, còn một số thách thức mới về xuất khẩu như sự thay đổi quy định kiểm dịch đối với sản phẩm nhập khẩu ở nhiều quốc gia, những cảnh báo về an toàn thực phẩm. Một số thị trường nhập khẩu chính thủy sản của Việt Nam đã có những thay đổi trong chứng nhận an toàn thực phẩm, như Hàn Quốc, sản phẩm tôm phải đáp ứng quy định về xử lý nhiệt (tôm nấu chín) mới được miễn kiểm dịch. Tuy nhiên, thời gian xử lý nhiệt theo quy định của Hàn Quốc dài, ảnh hưởng không nhỏ đến màu sắc, mùi vị… của sản phẩm. Còn thị trường Brazil quy định chế độ xử lý nhiệt khắt khe hơn rất nhiều so với hướng dẫn của Tổ chức Thú y thế giới.

Để ngành tôm Việt Nam kịp thời nắm bắt được “cơ hội vàng” ngay sau khi dịch Covid-19 được kiểm soát tốt, lãnh đạo các tỉnh, thành cần xây dựng giải pháp cụ thể để nâng cao chất lượng sản phẩm. Tăng cường hợp tác, liên kết sản xuất theo chuỗi để giảm khâu trung gian, giảm giá thành sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm; áp dụng các hình thức nuôi có chứng nhận: VietGAP, GlobalGAP, ASC… giúp con tôm Việt Nam rộng đường xuất khẩu sang các thị trường mới thay vì chỉ phụ thuộc vào một số thị trường truyền thống.

Phúc Bảo

 

Tin mới nhất

T7,27/04/2024