Kết nối giao thương giữa doanh nghiệp tỉnh Cà Mau và doanh nghiệp Trung Quốc

Theo thống kê chưa đầy đủ, hằng năm có khoảng 500 doanh nghiệp, khách hàng của Trung Quốc đặt hàng thu mua tôm, cua và các mặt hàng thủy sản khác của tỉnh Cà Mau.

Công nhân Công ty cổ phần thủy sản Cà Mau sơ chế tôm phục vụ xuất khẩu. (Ảnh: Tuấn Kiệt/TTXVN)

Ngày 24/4, Ủy ban Nhân dân tỉnh Cà Mau và Tổng Lãnh sự quán Trung Quốc tại Thành phố Hồ Chí Minh phối hợp tổ chức Hội nghị gặp gỡ giữa doanh nghiệp Trung Quốc và doanh nghiệp tỉnh Cà Mau nhằm trao đổi, thảo luận, giao lưu, kết nối giao thương, góp phần thúc đẩy mối quan hệ hữu nghị, quan hệ kinh tế giữa tỉnh Cà Mau và Trung Quốc.

Tại Hội nghị, ông Huỳnh Quốc Việt, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Cà Mau giới thiệu về tiềm năng, thế mạnh của tỉnh.

Cà Mau là tỉnh cực Nam của Việt Nam, nằm ở trung tâm vùng biển các nước Đông Nam Á, thuộc hành lang phát triển kinh tế phía Nam của Chương trình hợp tác tiểu vùng Mekong mở rộng, có điều kiện thuận lợi trong giao lưu phát triển kinh tế với các nước Đông Nam Á.

Với vị trí địa lý thuận lợi, Cà Mau có tiềm năng trong phát triển kinh tế toàn diện, đặc biệt là kinh tế thủy sản, năng lượng tái tạo, du lịch sinh thái và du lịch biển đảo.

Bên cạnh đó, tỉnh có 3 mặt giáp biển với đường bờ biển dài 254km, có ngư trường rộng, nguồn lợi thủy hải sản đa dạng, có diện tích nuôi trồng thủy sản hơn 300.000ha, với sản lượng tôm lớn nhất nước, kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD/năm (chủ yếu là mặt hàng thủy sản).

Công nghiệp chế biến thủy sản, sản xuất điện là động lực quan trọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của tỉnh.

Cà Mau phấn đấu trở thành “Trung tâm công nghiệp chế biến thủy sản hàng đầu cả nước.”

Hiện tại, Cà Mau là một trong ba trung tâm điện lực và năng lượng lớn của Đồng bằng sông Cửu Long, có lợi thế phát triển công nghiệp cảng, dịch vụ vận tải, xuất nhập khẩu.

Mô hình nuôi tôm siêu thâm canh phục vụ xuất khẩu của tỉnh Cà Mau. (Ảnh: Huỳnh Anh/TTXVN)

Ông Huỳnh Quốc Việt khẳng định sự kiện lần này là khởi đầu cho một giai đoạn mới trong mối quan hệ hợp tác giữa tỉnh Cà Mau và các địa phương, đối tác phía Trung Quốc; tin tưởng sau Hội nghị này hai bên sẽ có nhiều chương trình, dự án, hợp đồng giao thương được ký kết và triển khai đạt hiệu quả thiết thực.

Ông Ngụy Hoa Tường, Tổng Lãnh sự Trung Quốc tại Thành phố Hồ Chí Minh, nhấn mạnh buổi gặp gỡ kết nối doanh nghiệp Trung Quốc và doanh nghiệp tỉnh Cà Mau là hoạt động rất thiết thực để thực hiện nhận thức chung, quan trọng giữa hai Đảng, hai nước và tiếp tục thắt chặt mối quan hệ hợp tác, hữu nghị giữa hai bên.

Tổng Lãnh sự Trung Quốc tại Thành phố Hồ Chí Minh chia sẻ theo thống kê chưa đầy đủ, hằng năm có khoảng 500 doanh nghiệp, khách hàng của Trung Quốc đặt hàng thu mua tôm, cua và các mặt hàng thủy sản khác của tỉnh Cà Mau.

Tỉnh Cà Mau có nhiều mặt hàng, sản phẩm OCOP có thương hiệu, chất lượng tốt phục vụ xuất khẩu.

Trung Quốc là thị trường lớn với khoảng 1,4 tỷ dân nên có nhu cầu rất lớn các mặt hàng nông sản, thủy sản chất lượng cao đối với du lịch cộng đồng.

Do vậy thời gian tới, doanh nghiệp Trung Quốc và doanh nghiệp tỉnh Cà Mau quan tâm tìm hiểu về phong tục, văn hóa của nhau để có cơ hội hợp tác lâu dài, thiết thực, tạo phúc lợi cho người dân hai bên.

Tổng Lãnh sự quán Trung Quốc tại Thành phố Hồ Chí Minh sẵn sàng làm tốt cầu nối để doanh nghiệp hai bên kết nối giao thương, thúc đẩy mối quan hệ hợp tác hữu nghị.

Thời gian qua, quan hệ thương mại giữa Việt Nam và Trung Quốc phát triển theo hướng tích cực, đạt nhiều tiến triển mới.

Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam, Việt Nam cũng là đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc trong khu vực ASEAN.

Việc hai bên duy trì thường xuyên các cơ chế hợp tác kinh tế thương mại song phương, các hiệp định đa phương đã kịp thời giải quyết các vấn đề tồn tại, đưa quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại hai nước phát triển ngày càng ổn định theo hướng cân bằng, bền vững hơn.

Tuy nhiên, hợp tác kinh tế, thương mại của tỉnh Cà Mau với các đối tác, địa phương của Trung Quốc vẫn chưa xứng với tiềm năng của hai bên.

Năm 2023, tổng kim ngạch thương mại giữa tỉnh Cà Mau với phía Trung Quốc chỉ đạt 97 triệu USD, chiếm tỷ trọng rất khiêm tốn so với tổng kim ngạch thương mại Việt Nam-Trung Quốc.

Hội nghị lần này đã kết nối 54 doanh nghiệp của tỉnh Cà Mau với các doanh nghiệp phía Trung Quốc. Trong đó, tỉnh có 30 doanh nghiệp chế biến thủy sản xuất khẩu, 15 doanh nghiệp OCOP có tiềm năng xuất khẩu; một số doanh nghiệp thuộc lĩnh vực du lịch vận tải, xây dựng, năng lượng…

Các doanh nghiệp tỉnh Cà Mau tổ chức trưng bày, quảng bá sản phẩm, cung cấp thông tin về dịch vụ, hàng hóa như mặt hàng thủy hải sản, sản phẩm OCOP đặc sản địa phương, đảm bảo chất lượng, có nguồn gốc rõ ràng.

Buổi gặp gỡ doanh nghiệp Trung Quốc và doanh nghiệp tỉnh Cà Mau lần đầu tiên tổ chức thành công đã mang lại nhiều giá trị tốt đẹp. Đây là cơ hội để Cà Mau quảng bá tiềm năng, lợi thế nhằm thu hút đầu tư trong thời gian tới.

Doanh nghiệp hai bên có cơ hội tiếp xúc, trao đổi, thảo luận về những vấn đề quan trọng trong quá trình hợp tác kinh doanh, học hỏi kinh nghiệm và tìm kiếm cơ hội phát triển; gắn kết hơn nữa mối quan hệ hợp tác giữa Tổng Lãnh sự quán Trung Quốc với tỉnh Cà Mau, giữa doanh nghiệp Trung Quốc tại Thành phố Hồ Chí Minh với doanh nghiệp Cà Mau./.

Nguồn: (TTXVN/Vietnam+)