Bảo đảm cả chất và lượng nguồn cung tôm giống

Theo kế hoạch năm 2024, cả nước có 737 nghìn hecta nuôi tôm, sản lượng 1.150 nghìn tấn, xuất khẩu 4 – 4,3 tỷ USD. Do đó, nhu cầu tôm bố mẹ cần 260 – 270 nghìn con; tôm giống sản xuất và ương dưỡng khoảng 140 – 155 tỷ con. Để đạt mục tiêu, lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đề nghị các đơn vị chủ động nguồn tôm bố mẹ từ sản xuất trong nước; thực hiện các quy định pháp luật trong quản lý giống tôm nước lợ.

Chất lượng tôm giống ngày càng cao

Tại Hội nghị “Quản lý giống tôm nước lợ và ký Quy chế phối hợp năm 2024” do Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tổ chức ngày 17.4Cục Thủy sản thông tin, năm 2023 diện tích nuôi tôm nước lợ đạt 737.000ha (cơ bản không tăng so với năm 2022), sản lượng thu hoạch đạt ước khoảng 1,12triệu tấn (tăng 5,5% so với cùng kỳ năm 2022 – 1,06 triệu tấn). Sản lượng giống tôm nước lợ đạt 153,539 tỷ con (bằng 96% so với năm 2022).

Nguồn:ITN

Cũng trong năm 2023, cả nước đã nhập khẩu khoảng 152.500 tôm thẻ bố mẹ (bằng 89% so với năm 2022); 1.079 con tôm sú bố mẹ (bằng 329% so với năm 2022). Ấu trùng tôm sú nhập khẩu là 39.600 và ấu trùng tôm thẻ nhập khẩu là 16.991.600 con. Tôm bố mẹ được nhập khẩu chủ yếu từ Mỹ và Thái Lan.

Ngoài ra, nguồn cung ứng trong nước ước đạt 60.000 con tôm bố mẹ. Trong đó, tôm bố mẹ khai thác từ tự nhiên khoảng 20.000 con (toàn bộ là tôm sú); 2 doanh nghiệp lớn sản xuất, ương dưỡng được gần 41.000 tôm bố mẹ đáp ứng nhu cầu sản xuất kinh doanh của chính doanh nghiệp.

Hiện, cả nước có 2.270 cơ sở sản xuất và ương dưỡng giống tôm nước lợ (1.222 cơ sở sản xuất giống và 1.048 cơ sở ương dưỡng). Các tỉnh trọng điểm trong ương dưỡng giống bao gồm: Ninh Thuận, Bình Thuận, Bến Tre, Bạc Liêu, Cà Mau, Kiên Giang…

Theo đánh giá, về cơ bản nước ta đã chủ động được nguồn tôm sú bố mẹ trong nước và bắt đầu xuất khẩu. Nguồn giống tôm thẻ chân trắng nhập khẩu và sản xuất trong nước đáp ứng được nhu cầu sản xuất trong nước. Sản lượng tôm giống sản xuất đáp ứng được nhu cầu thả nuôi của người dân.

Chủ tịch Hiệp hội tôm giống Ninh Thuận Lê Văn Quê cho biết, năm 2023, các đơn vị sản xuất tôm giống tỉnh Ninh Thuận đã sản xuất được khoảng 40 tỷ con con giống. Trong 3 tháng đầu năm 2024, toàn tỉnh Ninh Thuận đã sản xuất được 8 tỷ con tôm giống, tăng 17% so với cùng kỳ năm 2023. Các đơn vị sản xuất tôm giống trên địa bàn tỉnh đã nhập khẩu trên 25.000 con tôm bố mẹ để sản xuất, ương dưỡng tôm giống cung ứng khắp cả nước.

Các doanh nghiệp sản xuất tôm giống ở Ninh Thuận cũng đã ứng dụng thành tựu khoa học vào sản xuất tôm giống như công nghệ xử lý nước bằng hệ thống siêu lọc, tích hợp tia cực tím (UV), Công nghệ ozone, công nghệ sinh học để quản lý, kiểm soát chất lượng nước. Đến nay, các cơ sở đã loại bỏ hoàn toàn việc sử dụng kháng sinh, hóa chất độc hại trong suốt quá trình ương dưỡng tôm giống. Một số cơ sở cũng đã kết hợp áp dụng các tiêu chuẩn BMP, VietGap, Global GAP, tiêu chuẩn của Tổ chức Thú y Thế giới (OIE) vào hệ thống quản lý, kiểm soát chất lượng con giống. Nhờ đó chất lượng con giống ngày càng được nâng cao, khẳng định uy tín…

Theo kế hoạch năm 2024, diện tích nuôi tôm đạt 737.000ha (tôm sú 622.000ha, tôm thẻ 115.000ha). Sản lượng tôm các loại 1.065 nghìn tấn: tôm sú 300.000 tấn, tôm thẻ chân trắng 765.000 tấn. Kim ngạch xuất khẩu đạt 4 – 4,3 tỷ USD. Nhu cầu tôm bố mẹ cần khoảng 260.000 – 270.000 con; tôm giống sản xuất và ương dưỡng khoảng 140 – 155 tỷ con.

Xây dựng hạ tầng đồng bộ cho vùng sản xuất tôm giống

Tuy nhiên, nhiều dự báo cho thấy năm 2024 ngành tôm có thể tiếp tục phải đối mặt với nhiều khó khăn như xung đột địa chính trị khiến giá vật tư, xăng dầu tăng cao; biến đổi khí hậu được dự báo khắc nghiệt; dịch bệnh trên tôm giống diễn biến phức tạp, gây khó khăn cho sản xuất…

Trước thuận lợi và khó khăn đan xen, Hiệp hội tôm giống Ninh Thuận cho rằng, cần tiếp tục tăng cường quản lý, kiểm soát chặt chẽ chất lượng tôm bố mẹ nhập khẩu. Đối với tôm bố mẹ có nguồn gốc gia hóa trong nước, cần định kỳ tổ chức khảo nghiệm/hậu kiểm để kiểm tra, đánh giá lại chất lượng tôm bố mẹ. Tăng cường công tác quản lý, kiểm tra, giám sát, hướng đến việc quy định bắt buộc áp dụng các quy trình bảo đảm an toàn sinh học trong trại giống. Có các giải pháp, cơ chế phối hợp, liên kết chặt chẽ giữa vùng nuôi và vùng sản xuất, sản xuất con tôm giống theo đặt hàng.

Các tỉnh tiêu thụ con giống cần thống kê nhu cầu con giống trước mỗi vụ nuôi, thông tin kịp thời cho khu vực sản xuất để đảm bảo nguồn cung tôm giống cả về số lượng và chất lượng. Có cơ chế tạo điều kiện thuận lợi hỗ trợ cho các doanh nghiệp sản xuất tôm giống được tiếp cận với các nguồn vốn vay với lãi suất ưu đãi. Xem xét, ban hành cơ chế, chính sách hỗ trợ giảm một phần phí xét nghiệm, kiểm dịch trong các giai đoạn sản xuất gặp nhiều khó khăn.

Hiệp hội đề xuất Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn quan tâm, hỗ trợ đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ, hoàn chỉnh cho các vùng sản xuất giống thủy sản tập trung.

Nhằm giảm giá thành sản xuất, tăng tính cạnh tranh cho tôm Việt Nam so với các nước, đại diện Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Bạc Liêu, Sóc Trăng cũng đề nghị Cục Thủy sản nghiên cứu và tham mưu Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn bổ sung “tôm giống” vào danh mục hàng hóa phải được đăng ký niêm yết giá, kê khai giá hoặc phải được kiểm tra yếu tố hình thành giá.

Thời gian tới, Cục Thủy sản sẽ tiếp tục chủ động nguồn tôm bố mẹ từ sản xuất trong nước, tổ chức thực hiện các quy định của pháp luật trong quản lý giống tôm nước lợ. Triển khai các giải pháp an toàn sinh học trong cơ sở sản xuất, ương dưỡng giống tôm nước lợ, hạn chế tác hại của dịch bệnh.Phối hợp chặt chẽ với Cục Thú y để tiếp tục cung cấp các thông tin về nhập khẩu giống thủy sản; phối hợp với các địa phương để quản lý chất lượng tôm giống, thông tin về nguồn gốc, chất lượng và các vấn đề liên quan khác… để đẩy nhanh sản xuất, bảo đảm mục tiêu tăng trưởng năm 2024.

Hạnh Nhung

Nguồn: daibieunhandan.vn

Tin mới nhất

T5,10/10/2024