Những yếu tố tác động đến tăng trưởng tôm thẻ chân trắng

Nuôi tôm thẻ chân trắng nói chung, nuôi tôm theo hướng thâm canh, siêu thâm canh công nghệ cao nói riêng đang phát triển mạnh mẽ tại nhiều địa phương trong cả nước.

Việc nuôi tôm cần mạnh dạn đầu tư công nghệ nuôi mới, con giống thương hiệu, thức ăn đạm cao, bổ xung thường xuyên chất dinh dưỡng …không ngoài mong muốn hỗ trợ tôm phát triển tốt nhất.

Một số yếu tố tác động đến tăng trưởng tôm thẻ

Với những mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng mang lại hiệu quả cao, nhiều mô hình nuôi đang gặp phải vấn đề tôm nuôi chậm lớn, tăng trưởng không tương xứng với đầu tư, thời gian nuôi kéo dài trên 3 tháng, FCR cao. Có rất nhiều yếu tố tác động đến tăng trưởng của tôm thẻ chân trắng. Những yếu tố bện ngoài đưa vào, hàng đầu được đề cập đầu tiên như con giống và chất lượng con giống. Thức ăn cho tôm, chất lượng thức ăn, định lượng thức ăn, kỹ thuật cho ăn… cũng là yếu tố quyết định tốc độ tăng trưởng tôm nuôi.

Các yếu tố bên trong như kỹ thuật ứng dụng, diễn biến các yếu tố môi trường, hàm lượng khí độc, thời tiết, khí hậu, tác động trực tiếp đến tăng trưởng tôm nuôi. Dịch bệnh và các vấn đề liên quan sức khoẻ tôm nuôi, ảnh hưởng trực tiếp đến tăng trưởng.

Con giống tôm thẻ chân trắng thả nuôi hiện nay cần sử dụng nhiều nguồn khác nhau, từ những tên tuổi thương hiệu lớn như CP, Việt Úc, đến giống không thương hiệu, giống không rõ nguồn gốc.

Những đàn tôm giống thu từ tôm bố mẹ kém chất lượng như kích thước tôm bố mẹ nhỏ, chất lượng trứng, tinh trùng không tốt, chế độ nuôi vỗ, chăm sóc kém…sẽ cho bầy tôm giống kém chất lượng.


Kiểm tra sàng hay nhá để kiểm tra lượng thức ăn cho tôm. Ảnh: Tép Bạc

Tôm mẹ đẻ nhiều lần, thế hệ tôm giống những bầy sinh sản càng về sau chất lượng tôm giống không tốt, khi nuôi tăng trưởng chậm, tôm dễ mẫn cảm với thay đổi môi trường dù là những thay đổi rất nhỏ.

Tôm có sức đề kháng kém, dễ nhiễm bệnh, bệnh mau bùng phát, bệnh khó điều trị dứt điểm. Hay tôm giống sử dụng quá nhiều thuốc kháng sinh trong trại giống, những bầy tôm giống sản xuất theo công nghệ cũ…

Những loài tôm này thường tăng trưởng rất chậm, phân đàn thành nhiều cỡ, số lượng tôm còi chiếm tỷ lệ cao. Vẫn nhiều quan điểm cho rằng thả tôm mật độ dày, sẽ thu sản lượng cao.

Tuy nhiên, mật độ thả tôm không tương xứng điều kiện ao hồ, thời tiết khí hậu, mô hình áp dụng kỹ thuật vận hành…sẽ tác động tiêu cực, làm tôm chậm lớn, phân đàn, đề kháng kém, dễ nhiễm bệnh.

Nuôi tôm nên có ao ương tôm giống 100 – 300 m3, ương tôm giống trong 15 – 18 ngày, mật độ ương 2.000 – 4.000 postlarvae/m3. Sau thời gian trên, chuyển, san, sang bể ương lớn 500m3, giản thưa mật độ ương xuống 500 – 700 con/m3, sau 25 – 30 ngày, san, chuyển, sang bể nuôi lớn hơn. Dùng ao có diện tích 1.200 – .1500 m2, nuôi tôm lứa với mật độ 300 – 500 con/m2. Sau 25 – 30 ngày, tiếp tục chuyển, san, tỉa, giản thưa mật độ nuôi xuống 100 – 150 con/m2.

Đa số các mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng hiện nay, đều sử dụng thức ăn công nghiệp dạng viên để nuôi tôm. Thức ăn tôm với nhiều hàm lượng đạm khác nhau, bổ xung nhiều thành phần dinh dưỡng quan trọng, rất thuận lợi trong việc chủ động cung cấp dinh dưỡng theo trọng lượng, theo giai đoạn tôm, theo thời gian nuôi, theo nhu cầu sinh học của tôm nuôi…


Cần chú ý việc việc phân bổ kích cỡ viên thức ăn cho hợp lý. Ảnh: Tép Bạc

Tuy nhiên, việc phân bổ kích cỡ viên thức ăn theo trọng lượng tôm, theo thời gian nuôi, theo giai đoạn phát triển, tình trạng sức khoẻ…không hợp lý, cùng với việc xác định hàm lượng đạm không phù hợp, định lượng thức ăn không hợp lý, ảnh hưởng trực tiếp đến tăng trưởng tôm.

Nuôi tôm công nghệ cao, mật độ thả dày ≥ 200 con/m2, giai đoạn nuôi ≤ 60 ngày, với trọng lượng tôm nhỏ ≤ 7g/con, sử dụng thức ăn có hàm lượng đạm < 40% sẽ ảnh hưởng đến phát triển tôm, làm tôm tăng trưởng chậm. Thả nuôi mật độ cao, thời gian nuôi ≥ 1,5 tháng, khi trọng lượng thân tôm ≥ 10 gr/con, cần điều chỉnh hàm lượng đạm trong thức ăn tăng ≥ 40 %.

Định lượng thức ăn cho tôm cần dựa trên tỷ lệ sống thực tế của tôm, trọng lượng thân tôm thời điểm cân tỷ lệ cho ăn theo trọng lượng, theo kích cỡ tôm, làm cơ sở để tính lượng thức ăn.

Việc định lượng cũng dựa trên tình trạng sức khoẻ tôm, tình trạng môi trường, thời tiết…điều chỉnh. Không ước lượng, định lượng thiếu cơ sở hoặc định tính, sẽ ảnh hưởng đến tăng trưởng tôm nuôi. Yếu tố kỹ thuật ứng dụng, cũng ảnh hưởng không nhỏ đến tăng trưởng.

Nuôi tôm ao đất, ao nuôi có diện tích lớn (≥ 2.500 m2), ẩn chứa nhiều rủi ro, môi trường luôn biến động, khó chăm sóc, quản lý, nguồn nước dễ ô nhiễm. Nuôi tôm theo quan điểm dùng kháng sinh suốt vụ nuôi, dùng nhiều loại kháng sinh nguyên liệu, không rõ nguồn gốc, dùng liều cao, dùng phối hợp nhiều loại kháng sinh… Đây là nguyên nhân lớn làm tôm tăng trưởng chậm.

Biện pháp cải thiện tăng trưởng tôm thẻ

Cần thay đổi quan điểm, cập nhật công nghệ mới, chủ động chuyển hướng nuôi ao lót bạt, ao nuôi có diện tích nhỏ (≤ 1.500 m2). Hạn chế tối đa dùng thuốc kháng sinh, nên thường xuyên sử dụng vi sinh trong quá trình nuôi, trong xử lý nước, trộn cho ăn, nuôi theo hướng an toàn sinh học, giúp tôm phát triển, tăng trưởng tốt.


Một trong những biện pháp cải thiện tăng trưởng tôm nuôi nên chọn con giống có nguồn gốc, sử dụng thức ăn chất lượng,… Ảnh: Tép Bạc

Các yếu tố môi trường biến động, hàm lượng khí độc như NH3, NO2, H2S tăng cao, thời tiết, khí hậu diễn biến xấu…, tác động trực tiếp đến tăng trưởng, làm tôm nuôi chậm lớn.

Dịch bệnh và các vấn đề liên quan sức khoẻ tôm nuôi, ảnh hưởng trực tiếp đến tăng trưởng, làm tôm chậm lớn. Cải thiện quy trình nuôi, xử lý nước theo đúng quy trình đã khuyến cáo.

Nuôi tôm theo hướng phòng bệnh chủ động cần thông qua việc chọn con giống có nguồn gốc, sử dụng thức ăn chất lượng, hàm lượng đạm phù hợp, định lượng hợp lý khi cho tôm ăn.

Chủ động điều tiết pH trong khoảng 8.0 – 8.2 bằng phèn nhôm đơn Al2(SO4)3.14H2O, sử dụng thạch cao thô (CaSO4) hoặc Can xi Chlorua (CaCl2) để hạn chế sự tăng pH của nước đột ngột.

Dùng vi sinh kích thích tảo khuê trong ao phát triển, điều tiết mật độ tảo, bằng vi sinh, kết hợp thay nước. Sử dụng vi sinh có thành phần Nitrosomonas, Nitrobacteria, kết hợp Zeolite, Yucca hạn chế tăng hàm lượng khí độc NH3, NO2, H2S giúp tôm phát triển tốt.

Bổ sung dinh dưỡng chủ động như prebiotic, probiotic, các enzyme tiêu hoá như Amylase, Protease, Cellulose, Phytase…

Chủ động bổ sung các acid amine thiết yếu như Methionine, Lysine, Leusine, Arginine, Threonine…vào thức ăn tôm, hỗ trợ sức đề kháng, bảo vệ hệ tiêu hoá như gan, ruột…giúp tôm có đủ sức khoẻ vượt qua dịch bệnh, đảm bảo tăng trưởng ổn định.

Lý Vĩnh Phước

Tepbac.com

Tin mới nhất

T5,21/11/2024