Bột đậu nành và bột gà: Thay thế bột cá trong thức ăn nuôi tôm

[Tạp chí Người Nuôi Tôm] – Sử dụng các sản phẩm đậu nành và bột gà có thể thay thế tới 60% bột cá trong thức ăn cho tôm sú mà không ảnh hưởng đến hiệu suất tăng trưởng và khả năng chống oxy hóa của tôm sú.

Bột đậu nành và bột gà là nguồn nguyên liệu tiềm năng để thay thế bột cá trong thức ăn thủy sản Ảnh: Seafdec

Nhiều nguồn protein thay thế đã được sử dụng để thay thế bột cá trong thức ăn thủy sản, bao gồm bột phụ phẩm gia cầm, bột thịt xương, bột đậu nành, bột máu, bột hạt bông, bột đậu phộng, bột hạt cải dầu, bột đậu nành cô đặc và các loại khác. Bột đậu nành đã được sử dụng thành công để thay thế một phần hoặc hoàn toàn bột cá trong thức ăn thủy sản cho một số loài thủy sản nuôi, bao gồm cả các loài cá và tôm.

Bột gà làm từ phế phụ phẩm và nội tạng phát sinh trong quá trình chế biến thịt đã thu hút nhiều sự chú ý từ thị trường sản xuất nguồn protein động vật do giá trị dinh dưỡng phong phú, khả năng tiêu hóa cao, cân bằng axit amin và tỷ lệ chuyển đổi sinh học cao. Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng bột gà là nguồn protein động vật chất lượng cao cho cá và tôm nuôi.

Bài viết này sẽ trình bày kết quả ảnh hưởng của việc thay thế một phần và hoàn toàn bột cá bằng cả sản phẩm đậu nành và bột gà đến hiệu suất tăng trưởng, enzyme tiêu hóa, khả năng chống oxy hóa của gan tụy và hệ vi sinh vật đường ruột của tôm sú được nghiên cứu bởi Yang & cs. (2024).

Phương pháp nghiên cứu

Nghiên cứu kéo dài 8 tuần được thực hiện tại Cơ sở Thâm Quyến của Viện Nghiên cứu Thủy sản Biển Đông, Viện Khoa học Thủy sản Trung Quốc. Tôm sú có trọng lượng 3,44 ± 0,03g sử dụng trong thí nghiệm là dòng tôm mới được nhóm nghiên cứu lựa chọn.

Tổng cộng 450 con tôm khỏe mạnh được chia ngẫu nhiên thành 5 nhóm, với 3 lần lặp lại cho mỗi nhóm và 30 con tôm cho mỗi lần lặp lại. Tỷ lệ bột cá được thay thế trong khẩu phần điều trị bằng các sản phẩm đậu nành và bột gà ở 5 nhóm thức ăn là 0 (FM), 40 (40SC), 60 (60SC), 80 (80SC) và 100% (100SC). Các axit amin tinh thể bổ sung đã được bổ sung để đáp ứng nhu cầu axit amin của tôm.

Kết quả nghiên cứu

Kết quả cho thấy, với sự gia tăng tỷ lệ thay thế, mức tăng trọng (WG) và tỷ lệ sống (SR) ở tất cả các nhóm điều trị đều giảm. WG và SR ở nhóm 80SC và 100SC giảm đáng kể so với nhóm FM, nhưng không có sự khác biệt đáng kể, mặc dù ở nhóm 40SC và 60SC có giảm nhẹ. Hệ số chuyển đổi thức ăn (FCR) có xu hướng giảm; FCR ở nhóm 100SC tăng đáng kể, trong khi không có sự khác biệt đáng kể giữa nhóm FM và các nhóm 40SC, 60SC và 80SC. Nhìn chung, những kết quả này tương tự với kết quả của các nghiên cứu khác và cho thấy việc thay thế một phần bột cá bằng các sản phẩm đậu nành và bột gà với tỷ lệ lên tới 60% là khả thi.

Căng thẳng oxy hóa là một trong những cơ chế phản ứng của sinh vật động vật trước stress môi trường. Những thay đổi trong chế độ ăn của động vật thủy sản có thể ảnh hưởng đến khả năng chống oxy hóa và hoạt động miễn dịch của chúng. Dưới áp lực của môi trường, nhiều loại oxy phản ứng sẽ được tạo ra trong cơ thể, dẫn đến tổn thương sinh lý cho cơ thể. Tôm sú có hệ thống chống oxy hóa tương đối hoàn chỉnh, có thể duy trì cân bằng nội môi của động vật với sự can thiệp của nhiều loại enzyme chống oxy hóa – bao gồm phosphatase axit (ACP), phosphatase kiềm (AKP), tổng superoxide dismutase (T-SOD) và tổng hoạt động chống oxy hóa ( T-AOC) – trong gan tụy. Tất cả những điều này đều rất quan trọng trong việc duy trì sự cân bằng giữa quá trình oxy hóa và chất chống oxy hóa trong cơ thể, quá trình trao đổi chất bình thường cũng như vai trò quan trọng trong phản ứng miễn dịch của tôm.

Trong nghiên cứu này, không tìm thấy sự khác biệt đáng kể giữa hàm lượng T-SOD và T-AOC giữa tất cả các nhóm, cho thấy rằng việc sử dụng bột gà và các sản phẩm đậu nành thay thế một phần bột cá sẽ không có ảnh hưởng đến khả năng chống oxy hóa của tôm sú. Hàm lượng ACP ở nhóm 80SC và 100SC tăng đáng kể so với nhóm FM, trong khi đó ở nhóm 40SC và 60SC tăng nhẹ nhưng không có sự khác biệt đáng kể. Hàm lượng AKP trong nhóm 100SC cao, trong khi không có sự khác biệt đáng kể giữa bốn nhóm còn lại, cho thấy mức độ thay thế cao trong thời gian dài sẽ khiến sinh vật liên tục bị căng thẳng. Các nhóm 40SC, 60SC và FM không có sự khác biệt đáng kể giữa hàm lượng ACP và AKP, cho thấy việc thay thế thành phần trong chế độ ăn điều trị không ảnh hưởng đến tôm được đánh giá (Hình 1).

Hình 1: Khả năng chống oxy hóa của gan tụy của tôm sú

(a) Hoạt động ACP; (b) Hoạt động AKP; (c) Hoạt động T-AOC; (d) Hoạt động T-SOD

Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng ngành Proteobacteria là vi khuẩn chiếm ưu thế trong ruột tôm và một số thành viên của ngành này tham gia vào chu trình nitơ và quá trình khoáng hóa các hợp chất hữu cơ. Trong nghiên cứu này, Proteobacteria là vi khuẩn phổ biến nhất trong 5 nhóm, chiếm tỷ lệ lần lượt là 37,67; 66; 40; 40 và 43,33%.

So với nhóm FM, sự phong phú của ngành Fusobacteriota ở bốn nhóm còn lại giảm đáng kể. Fusobacteriota hỗ trợ quá trình tiêu hóa và hấp thu thức ăn, và trong nghiên cứu này, lượng Fusobacteriota trong các nhóm thay thế giảm đáng kể, có thể là do các yếu tố kháng dinh dưỡng trong các sản phẩm đậu nành, có thể cản trở sự hấp thu và việc sử dụng protein. Điều này cũng giải thích tại sao WG ở các nhóm thay thế lại giảm.

Quan điểm

Sử dụng sản phẩm đậu nành và bột gà thay thế cho 40 và 60% bột cá không ảnh hưởng đến hiệu suất tăng trưởng và khả năng chống oxy hóa của tôm sú. Hệ vi sinh vật đường ruột tôm ổn định và không gây tổn hại cho cơ thể. Tuy nhiên, tỷ lệ thay thế cao có thể ảnh hưởng đến sự tăng trưởng và hoạt động của enzyme miễn dịch của tôm sú. Xem xét ảnh hưởng đến hiệu suất tăng trưởng, khả năng chống oxy hóa và hệ vi sinh vật đường ruột, việc sử dụng các sản phẩm đậu nành và bột gà để thay thế 60% bột cá là khả thi.

Lâm Quyên

(Theo Globalseafood)