Chuyện con cá bông lau trên đất Cù Lao Dung

[Người nuôi tôm] – Huyện Cù Lao Dung, tỉnh Sóc Trăng là địa bàn có nền kinh tế đặc biệt khó khăn do địa hình trủng thấp, ngập mặn thường xuyên, đại đa số người dân sống bằng nghề trồng mía nguyên liệu, một số hộ khác trồng lúa, rau màu nhưng hiệu quả không cao. Đã vậy huyện có nhiều hộ người dân tộc Khmer, trình độ văn hóa hạn chế, tập quán canh tác lạc hậu. Từ những khó khăn trên, huyện Cù Lao Dung đã chọn hướng phát triển chủ lực là chăn nuôi thủy sản, trong đó tôm thẻ chân trắng và cá bông lau được quan tâm đầu tư bước đầu đã có được những tín hiệu khả quan. Riêng loại cá bông lau tuy số lượng người nuôi còn hạn chế nhưng đang là mô hình mới đầy tiềm năng với nhiều ưu thế: đây là vùng nước mặn kéo dài mỗi năm từ 6 đến 8 tháng; có nhiều cá bông lau con được tàu ghe đánh bắt trên cửa sông lớn như: Trần Đề, Định An; đất đai rộng lớn; thuận lợi cả giao thông đường thủy lẫn đường bộ, có nguồn cá tạp để làm thức ăn rất dồi dào…

Từ đó đã có nhiều nông dân tại đây áp dụng mô hình nuôi cá trong mương đất rất thành công, trong đó có nhiều người đã trở thành tỷ phú như ông Nguyễn Văn Kiệt ( xã An Thạnh Nam), ông Lâm Văn Vũ, Lâm Thành Lâm ( xã An Thạnh 3)…

Tiếp xúc với chúng tôi, ông Nguyễn Văn Kiệt, 57 tuổi ngụ ấp Vàm Hồ, xã An Thạnh Nam vui vẽ kể: “  Năm 2018, từ diện tích 8.000 mét vuông mặt nước, sau khi trừ hết chi phí đầu tư, tôi còn lãi 1 tỷ đồng. Năm nay giá cá tăng từ 100.000 đồng lên 120.000 đồng/ký, dự kiến sẽ lãi từ 1,3 đến 1,4 tỷ đồng, cao nhất từ trước đến nay”

Xã An Thạnh Nam có rất nhiều dãy đất tiếp cửa sông lớn, từ đó có rất nhiều người dân sinh sống bằng nghề cào lưới biển nên nguồn cá bông lau các cỡ có rất nhiều. Theo nhiều người dân tại đây cho biết : cá bông lau có 2 dạng sinh sống ở nước vùng nước ngọt đầu nguồn và cá ở vùng nước mặn tiếp giáp nước ngọt (còn gọi là nước lợ) tại sông lớn. Tuy nhiên nhiều thương lái đánh giá chất lượng cá bông lau vùng nước lợ ngon hơn nên giá mua cũng cao hơn từ 10.000 đến 15.000 đồng/ký.

Vừa bơi xuồng cho cá bông lau ăn buổi chiều, anh Lâm Thành Lâm, 35 tuổi ngụ xã An Thạnh 3 kể: “ Sau khi tốt nghiệp trường Cao Đẳng Kinh Tế Kỷ Thuật Cần Thơ năm 2005, tôi bắt đầu nuôi tôm sú rồi chuyển sang nuôi tôm thẻ chân trắng vốn là đặc sản của Cù Lao Dung. Đến đầu năm 2018, tôi bắt đầu chuyển sang nuôi cá bông lau chất lượng cao theo dự án “ Mô hình nuôi cá bông lau trong ao đất” do sở KHCN tỉnh Sóc Trăng và trường CĐKTKT Cần Thơ phối hợp thực hiện. Dự kiến tôi sẽ thu hoạch vào trung tuần tháng 6 tới đây”.

Theo anh Lâm, cá bông lau tương đối dễ nuôi, có khả năng kháng bệnh rất cao. Trên diện tích 2.000 mét vuông mặt nước anh Lâm thả nuôi 4.000 con cá giống do Sở KHCN Sóc Trăng cung cấp miễn phí đi kèm 30% tiền thức ăn cho cá trong suốt quá trình nuôi. Mỗi tháng đơn vị đầu tư đều đến kiểm tra môi trường, dịch bệnh có thể xảy ra, độ an toàn của thức ăn chủ yếu là thức ăn công nghiệp. Riêng anh Lâm còn tranh thủ cho cá ăn thêm các loại cá tạp, đầu tôm nên chúng phát triển rất nhanh. Thời điểm chúng tăng trưởng mạnh nhất là từ tháng 7 đến tháng 10 âm lịch. Cạnh đó người nuôi phải có máy sục khí để tạo nguồn o xy liên tục để duy trì tốt sự sống cho chúng. Đồng thời không nên tạo nhiều tiếng ồn, khuấy động ao nuôi để chúng không hoảng hốt va chạm vào nhau.

Để thức ăn không bị trôi dạt trên ao nuôi, anh Lâm đã nghĩ ra cách dùng những ống nhựa thả nổi trên mặt ao tạo thành những ô vuông, sau đó sẽ thả thức ăn vào các ô vuông nầy. Cách làm nầy rất hiệu quả và tiệt kiệm rất nhiều lượng thức ăn.

Ông Nguyễn Quang Trung chủ nhiệm dự án nầy cho biết: “ Tiềm năng mặt nước, độ mặn, đất đai tại huyện Cù Lao Dung rất lý tưởng và hoàn toàn phù hợp với việc nuôi cá bông lau. Tuy nhiên người nuôi cũng cần nắm bắt chắc chắn kỷ thuật nuôi, các tác động về môi trường. Nếu so với cá tra hay một số loại cá da trơn thì nguồn lãi từ cá bông lau sẽ cao hơn từ 3 đến 4 lần trong cùng điều kiện, diện tích thả nuôi. Riêng ông Lâm là người thả nuôi rất thành công do tính cần cù, nhạy bén, am hiểu rất tường tận các yếu tố có liên quan”.

Đến thời điểm hiện nay, cá bông lau của ông Lâm đã đạt bình quân từ 1,4 đến 1,6 kg/con sau 16 tháng nuôi. Với giá bán từ 100.000 đến 120.000 đồng/kg, sau khi trừ hao hụt 5% số cá thả nuôi ( còn lại khoảng 3.800 con) sẽ còn thu hoạch khoãng 5/8 tấn cá, trừ hết chi phí đầu tư 30%, anh còn lãi xấp xỉ 400.000.000 đồng.

Anh Lâm kể thêm: “ so với các loại thủy sản khác thì nguồn lãi từ cá bông lau cao hơn nhiều, dự kiến tôi sẽ chuyển 8.000 mét đất còn lại đang nuôi tôm thẻ chân trắng sang nuôi loại cá nầy”.

Không chỉ làm giàu từ việc nuôi cá trong ao mương đất, anh Lâm Thành Lâm còn đang kinh doanh cá bông lau con tự nhiên từ các tàu, ghe đánh bắt trên sông lớn. Với cá lau có trọng lương từ 700 đến 1.000 con/kg, anh mua với giá 3.000 đồng/con. Sau khi thuần dưỡng khoãng 30 đến 40 ngày anh bán lại cho người nuôi với giá từ 10.000 đến 12.000 đồng/con đi kèm các dịch vụ tư vấn kỹ thuật miễn phí cho người mua. Từ cách làm nầy mỗi năm anh Lâm đã có thêm thu nhập từ 30.000.000 đến 50.000.000 đồng.

Đổi đời bền vững từ cá bông lau, đó là cách nghĩ, cách làm rất hiệu quả của nhiều nông dân tỷ phú trên đất Cù Lao Dung hôm nay.

Chuyện con cá bông lau trên đất Cù Lao Dung

Chuyện con cá bông lau trên đất Cù Lao Dung

Thu hoạch cá bông lau

Chuyện con cá bông lau trên đất Cù Lao Dung

2.000 mét vuông nuôi cá bông lau của anh Lâm

Chuyện con cá bông lau trên đất Cù Lao Dung

Bơi xuồng cho cá ăn

TRƯƠNG THANH LIÊM   

LIÊN HIỆP CÁC HỘI VĂN HỌC

NGHỆ THUẬT TP CẦN THƠ

ĐT 0852911777

170 LÝ TỰ TRỌNG – QUẬN NINH KIỀU – TP CẦN THƠ

Tin mới nhất

T5,12/09/2024