Chủ tịch Hiệp hội tôm giống Bình Thuận: 8 kiến nghị tháo gỡ khó khăn ngành tôm Việt Nam

[Tạp chí Người Nuôi Tôm] – Tại Hội nghị quản lý giống tôm nước lợ do Bộ NN&PTNT tổ chức mới đây tại Ninh Thuận, ông Nguyễn Hoàng Anh, Chủ tịch Tập đoàn Nam Miền Trung, đồng thời cũng là Chủ tịch Hiệp hội tôm giống tỉnh Bình Thuận, đã đưa ra 8 kiến nghị nhằm cấu trúc lại ngành tôm đang gặp nhiều khó khăn tại Việt Nam.

Ông Nguyễn Hoàng Anh, Chủ tịch Hiệp hội tôm giống tỉnh Bình Thuận phát biểu tại Hội nghị (Ảnh: Hải Đăng, tongcucthuysan.gov.vn)

Chia sẻ tại Hội nghị, ông Hoàng Anh cho rằng, ngành tôm nước ta trước mắt và tương lai đang đối mặt với vô vàn khó khăn và thách thức. Qua rà soát, phân tích nhiều điểm nghẽn, khó khăn vướng mắc, hiện trạng môi trường từng địa bàn nuôi tôm trên cả nước, có thể nhận thấy hiện tại dịch bệnh không ngừng phát sinh với nhiều loại nguy hiểm, lây lan khó kiểm soát.

Tuy nhiên, các nghiên cứu giải pháp để đáp ứng xu hướng phòng ngừa còn hạn chế. Hạ tầng và hệ thống thủy lợi phục vụ ngành nuôi tôm gần như bằng không. Giá cả vật tư đầu vào phục vụ sản xuất luôn tăng, ít được kiểm soát, nhiều cơ chế chính sách không có hoặc doanh nghiệp khó thực thi, tiếp cận. Chính sách tài chính tiền tệ ưu tiên hay khuyến khích cho ngành nuôi tôm không có mặc dù giá trị ngành nuôi tôm Việt Nam hằng năm doanh thu đạt mốc 4 tỷ USD, giải quyết hàng triệu lao động tham gia trong ngành tôm.

Do vậy chúng ta cần phải chỉ rõ, nhìn thẳng vào thực trạng để từ đó có giải pháp căn cơ, cụ thể. Nếu chúng ta không nhìn đúng sự thật, không nêu đúng thực trạng, không cùng nhau chủ động tìm giải pháp, không kịp cơ cấu lại thì ngành tôm Việt Nam dễ bị thâu tóm hoặc chịu sự cạnh tranh khốc liệt và dần sẽ mai một, nguy cơ dẫn đến sụp đổ ngành tôm nhanh hơn Thái Lan 10 năm trước. Cụ thể:

Thứ nhất, các cơ cở sản xuất tôm giống phải đăng ký tiêu chuẩn chất lượng. Cơ quan quản lý chuyên ngành, liên ngành, chính quyền địa phương tiếp nhận thẩm định. Sau khi thẩm định xong cấp hạn ngạch để cơ sở sản xuất căn cứ vào đó hoạt động và cơ quan quản lý căn cứ để cấp kiểm dịch. Định kỳ, cơ quan quản lý lấy mẫu ngẫu nhiên của cơ sở để phân tích, xét nghiệm đối chứng tiêu chuẩn làm cơ sở quản lý chất lượng.

Thứ hai, vì điều kiện phụ thuộc, quản lý còn lỏng lẻo nên nhiều doanh nghiệp nước ngoài lợi dụng, tận dụng tăng giá sản phẩm, bắt đại lý, người nông dân phải mua lồng ghép. Tôi đề nghị cần kích hoạt điều khoản của luật cạnh tranh thương mại có dấu hiệu độc quyền mua bán bắt buộc lồng ghép. Chúng ta cạnh tranh bằng chất lượng chứ không thể cạnh tranh bằng kiểu mua bán lồng ghép. Anh sản xuất tập trung vào chất lượng chứ không thể lấy sản phẩm xấu để bán kèm sản phẩm tốt là không được.

Thứ ba, đề nghị cơ quan quản lý xây dựng tiêu chuẩn nguyên liệu đầu vào sản xuất thức ăn cho tôm và tiêu chuẩn thức ăn đầu ra làm căn cứ kiểm soát chất lượng sản phẩm định kỳ (có cơ chế giao cho người dân, hiệp hội giám sát chất lượng, sản phẩm bằng các hình thức trên cơ sở phân tích khoa học độc lập, được thông tin khuyến cáo rộng rãi sau khi có kết quả phân tích). Căn cứ quy trình sản xuất thức ăn, căn cứ tiêu chuẩn, cơ quan quản lý xây dựng giá trần theo từng tiêu chuẩn. Công ty sản xuất thức ăn phải đăng ký với cơ quan quản lý và niêm yết giá bán theo mức trần để bán thức ăn cho thị trường.

Thứ tư, vật tư phục vụ nuôi tôm như hóa chất, vi sinh, chế phẩm, thức ăn bổ sung… tất cả các loại này cũng phải được kiểm soát chặt chẽ như kiểm soát thức ăn đầu vào.

Thứ năm, căn cứ diện tích, sản lượng, giá trị ngành nuôi, hằng năm chúng ta phải cấu trúc lại quy hoạch mang tính trọng điểm theo ưu điểm lợi thế đặc sản vùng miền như: Sản xuất tôm giống ở đâu, vùng miền nào, sản xuất tôm thịt ở đâu, vùng miền nào.

Thứ sáu, chúng ta phải đầu tư cơ sở hạ tầng chuyên ngành. Hiện nay hạ tầng ngành tôm gần như bằng không, doanh nghiệp phải tự bơi. Người nuôi tôm phải tự múc ao, đắp bờ, tự kéo điện, tự tìm nguồn nước, do vậy dịch bệnh xảy ra là điều không tránh khỏi bởi hạ tầng không có sự đồng bộ, không có sự kiểm soát.

Thứ bảy, xây dựng quy chế chặt chẽ thực thi nghiêm túc quản lý chuyên ngành bao gồm dự báo, thời vụ, khuyến cáo mật độ nuôi.

Thứ tám, Chính phủ đã xác định ngành nông nghiệp là hệ thống bệ đỡ của nền kinh tế, do vậy kiến nghị Bộ NN&PTNT đề xuất gói tín dụng ưu đãi phục vụ sản xuất tôm, giúp cấu trúc lại ngành tôm tạo sự hấp dẫn để người dân, doanh nghiệp quay lại tham gia đầu tư giữ và phát triển ngành tôm Việt Nam.

Hiểu Linh

Tập đoàn Nam Miền Trung đang hoạt động trên 3 lĩnh vực, nhưng lĩnh vực thủy sản đóng góp vào doanh thu hiện nay chỉ chiếm 12%. Nếu như gặp thuận lợi thì chắc chắn Nam Miền Trung đạt quy mô sản xuất mỗi năm 20 tỷ con tôm giống. Nhưng do gặp nhiều khó khăn, hiện nay mỗi năm Nam Miền Trung loay hoay chỉ cung cấp 4-5 tỷ con giống và thu tiền được trên 2 tỷ con.

Ông Nguyễn Hoàng Anh

Chủ tịch Tập đoàn Nam Miền Trung

Tin mới nhất

T7,12/10/2024