Vụ nuôi cuối năm: Giá tôm tăng người nuôi vẫn thờ ơ

[Tạp chí Người Nuôi Tôm] – Đúng như dự đoán của ngành tôm, bước sang tháng 8, giá tôm nguyên liệu đã bắt đầu có xu hướng tăng dần. Nhưng tại các vùng nuôi tôm nước lợ không khí mùa vụ vẫn khá trầm lắng, người nuôi lo lắng, nhiều hộ tính đến chuyện “treo ao” hoặc giảm diện tích nuôi vì khó có thể “gồng gánh”.

Nhiều hộ dân có xu hướng giảm diện tích nuôi khiến sản lượng tôm giảm mạnh trong thời gian tới, dẫn đến doanh nghiệp thiếu hụt nguồn cung cho chế biến

Người nuôi chần chừ xuống giống

Thời gian gần đây, ghi nhận tại một số vùng nguyên liệu tôm chủ lực tại ĐBSCL, giá tôm có xu hướng tăng nhẹ.

Một thương lái thu mua tôm nguyên liệu khu vực tỉnh Cà Mau cho biết, tôm thẻ chân trắng loại 50 con/kg đang được mua với giá 109.000 đồng/kg, loại 60 con/kg có giá 100.000 đồng/kg và loại 100 con/kg là 85.000 đồng/kg, tăng từ 5.000 đến 10.000 đồng/kg so với tuần trước.

Giá tôm bắt đầu tăng trở lại, nhiều người dân tại Cà Mau cũng bắt đầu thả nuôi lại vụ mới. “Với giá tôm hiện nay, loại tôm kích cỡ 100 con/kg đã bắt đầu có lãi. Nuôi thúc khoảng 45 ngày là tôm về 100 con/kg, nhưng phải “tỉa” thưa để đảm bảo có lời, sau đó sẽ nuôi mật độ thưa về 30 con/kg bán sẽ có được khoản lời nữa”, anh Trần Minh Trường, hộ nuôi tôm công nghiệp tại huyện Cái Nước cho biết.

Tại Bạc Liêu, hiện tôm sú nuôi cỡ 20 con/kg có giá từ 180.000 – 195.000 đồng/ kg, tôm 30 con/kg giá 170.000 – 175.000 đồng/kg, tôm 40 con/kg giá 120.000 – 125.000 đồng/kg. Riêng tôm thẻ 50 con/ kg có giá 102.000 – 104.000 đồng/kg, cỡ 80 con/kg có giá 86.000 – 88.000 đồng/ kg, tôm 100 con/kg giá 79.000 – 81.000 đồng/kg. Mức giá này được xem là tăng từ 20.000 đồng/kg đến 50.000 đồng/kg so với thời điểm giảm sâu nhất.

Tuy nhiên, người nuôi tôm trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu lại gặp khó khăn trong việc duy trì sản xuất, nhất là đối với các hộ dân nuôi ao đất, ít vốn dẫn tới việc “treo ao” chờ giá. Tình trạng này không chỉ ảnh hưởng đến sản xuất của người dân mà còn tác động không nhỏ đến mục tiêu xuất khẩu mà tỉnh Bạc Liêu kỳ vọng với ngành tôm.

Long Điền Đông từng được xem là “thủ phủ” của nghề nuôi tôm công nghiệp, là xã nuôi tôm lớn nhất huyện Đông Hải và cũng là vùng nuôi tôm lớn nhất tỉnh Bạc Liêu. Nếu như trước đây, không khó để bắt gặp cảnh nhộn nhịp trên những cánh đồng khi người nuôi vào vụ thu hoạch, thì ở thời điểm hiện tại, hoàn toàn ngược lại khi những ao nuôi bị bỏ hoang phế. Ấp Cái Cùng, xã Long Điền Đông có hơn 400 hộ nuôi tôm công nghiệp, nhưng hiện có khoảng 40% diện tích phải “treo ao”, các hộ khác nếu cầm cự nổi thì cũng phải giảm số lượng ao nuôi.

Là người có hơn 15 năm kinh nghiệm trong nghề, ông Huỳnh Thanh Bằng, ở ấp Cái Cùng chua chát nói: “Chưa bao giờ tôi cảm thấy buồn cho nghề như hiện nay. Mấy năm trước, một ao nuôi tôm có diện tích 2.500m2, người nuôi bỏ ra khoảng 100 triệu đồng tiền đầu tư, khi thu hoạch lãi khoảng 50 triệu đồng/ao. Còn bây giờ, chi phí đầu tư một ao với diện tích như trên mất khoảng 220 – 250 triệu đồng, nhưng giá tôm hiện tại, nếu ao nuôi đạt thì nông dân chỉ thu về khoảng 120 – 130 triệu đồng, tức là lỗ khoảng 100 triệu đồng. Hiện tại, giá tôm xuống thấp hơn cả giá thành nên phải giảm từ 8 ao nuôi xuống còn 3 ao (nuôi giãn vụ). Nếu “treo ao”, các thiết bị máy móc đầu tư sẽ bị hư hỏng, khi đó thiệt hại còn lớn hơn”.

Trên thực tế, người nuôi tôm vẫn còn dè dặt trong việc thả tôm nuôi trở lại. Có nhiều nguyên nhân như: Khoảng 60 – 70% số hộ nuôi tôm nhỏ lẻ thiếu vốn, nhưng họ không thể tiếp cận nguồn vốn tín dụng ngân hàng, mà phần lớn trong số này mua nợ vật tư đầu vào từ đại lý. Trong khi đó, do giá tôm giảm mạnh, kéo dài, việc thu hồi nợ khó khăn nên các đại lý cũng thu hẹp khoản đầu tư cho các hộ này.

Bên cạnh đó, người nuôi chưa thực sự mặn mà nuôi mới trở lại, bởi giá tôm cỡ nhỏ (80 – 100 con/kg) tuy có tăng, nhưng vẫn chưa có lãi. Riêng đối với một số hộ nuôi tôm công nghệ cao theo mô hình 2, 3 giai đoạn lại đang rục rịch cho đợt thả tôm mới, với hy vọng sẽ gỡ gạc lại phần nào cho vụ trước.

Doanh nghiệp “lao đao” vì thiếu nguồn cung

Sau nửa năm đủng đỉnh vì số đơn hàng giảm mạnh, đến đầu tháng 7, khi các đơn hàng dồi dào hơn, các doanh nghiệp ngành tôm bắt đầu gia tăng công suất chế biến tạo đà cho giai đoạn tăng tốc dịp cuối năm. Dự báo xu hướng giá tôm tăng sẽ còn tiếp tục kéo dài đến cuối năm, thậm chí nhiều khả năng đến hết Quý I/2024. Trong khi nhu cầu tôm nguyên liệu đang tăng lên từng ngày thì nguồn cung hiện đã giảm mạnh, do nhiều nông dân đã ngưng thả giống vì thua lỗ sau thời gian dài giá tôm giảm mạnh.

S Hồ Quốc Lực, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Thực phẩm Sao Ta, nhận định, ngành tôm Việt Nam sẽ còn gặp khó khăn ít nhất đến năm 2024.  Ngoài vấn đề thị trường, trong năm nay, nghề nuôi tôm ở Việt Nam phải đối mặt với tình trạng dịch bệnh lây lan mạnh khiến tỷ lệ chết nhiều, cộng thêm chi phí thức ăn tăng cao kéo theo giá thành nuôi tôm tăng. Cùng lúc đó, giá tôm nguyên liệu tại ao liên tục giảm khiến người nuôi không an tâm trong việc tái thả giống. Diện tích tái thả giống ở mức thấp, chỉ khoảng 50%. Điều này sẽ khiến cho sản lượng tôm Việt Nam trong thời gian tới giảm mạnh, dẫn đến doanh nghiệp thiếu hụt nguồn cung cho chế biến kể từ quý 3/2023.

Theo ông Đặng Ngọc Sơn, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Camimex, sau thời gian dài hạn chế nhập hàng để giải quyết lượng tồn kho, đến hết tháng 6, lượng hàng tồn kho của các nhà nhập khẩu đã giảm đáng kể, trong khi mùa tiêu thụ cao điểm dịp lễ, Tết cuối năm đang cận kề nên họ cũng tranh thủ nhập thêm hàng mới. Ông Sơn chia sẻ: “Nhu cầu nhập khẩu tôm đang tăng trở lại, nên nhu cầu tôm nguyên liệu từ nay đến cuối năm vì thế cũng sẽ tăng theo. Do đó, giá tôm tăng là tất yếu, khi mà các nhà máy hầu hết đều cố gắng cân đối một lượng hàng tồn kho nhất định cho giai đoạn cuối năm đã được dự báo là sẽ khan hiếm tôm nguyên liệu”.

Cần giải pháp căn cơ để “giải cứu” giá tôm

Dù năm nay thời tiết khá thuận lợi, người nuôi tôm được mùa nhưng các nhà máy chế biến tôm và xuất khẩu tôm gặp khó. Chính vì vậy, về lâu dài người nuôi tôm cần phải hướng đến các quy trình nuôi tôm mang tính hiệu quả bền vững. Theo đó, người nuôi nên có những lộ trình kế hoạch theo mùa vụ khuyến cáo của cơ quan ban ngành. Đồng thời phải có cách làm mới phù hợp với thực tiễn của địa phương, kinh tế hộ gia đình, áp dụng công nghệ mới để đưa vào quá trình vận hành tối ưu hóa chi phí trong nuôi tôm.

Song song đó, hướng dẫn các biện pháp phòng, chống dịch bệnh hiệu quả, không để bùng phát bệnh dịch. Khuyến cáo người dân ổn định tâm lý, tránh thu hoạch tôm nuôi ồ ạt, duy trì thả nuôi ổn định với mật độ thả nuôi thưa hơn, kéo dài thời gian nuôi để tăng kích cỡ tôm thu hoạch size lớn, đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm, tăng giá bán, từ đó tăng hiệu suất đầu tư.

Chủ động phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan nắm bắt tình hình diễn biến giá tôm nguyên liệu, phân tích hiệu quả sản xuất từng cỡ tôm thu hoạch, dự báo diễn biến nhu cầu của thị trường tiêu thụ, kịp thời thông tin đến chính quyền địa phương, doanh nghiệp và người nuôi có kế hoạch thả giống và giải pháp phù hợp trong tổ chức sản xuất. Quản lý chặt chẽ trước hiện tượng đại lý thu mua tôm nguyên liệu tung tin thất thiệt về chất lượng (tôm nhiễm kháng sinh) nhằm ép giá người nuôi tôm phải bán tôm với giá thấp để mưu lợi bất chính.

Tôm là ngành hàng quan trọng đòi hỏi sự phối hợp nhịp nhàng trong cả khâu nuôi, chế biến và xuất khẩu. Vì vậy, để ngành hàng kinh tế mũi nhọn của tỉnh đủ khả năng vượt khó trước những thách thức, khó khăn từ nhiều phía, rất cần sự hợp sức của các bên có liên quan theo hướng đồng trách nhiệm. Tin rằng với nỗ lực của người nuôi, doanh nghiệp và cơ quan quản lý nhà nước, ngành tôm Việt Nam sẽ có bước phục hồi khả quan hơn trong những tháng còn lại của năm, phấn đấu đạt sản lượng và kim ngạch xuất khẩu như kế hoạch đã đề ra.

Ngọc Anh (Tổng hợp)