Ứng dụng công nghệ: Giải pháp cho người nuôi tôm giữa “bão” giá

[Tạp chí Người Nuôi Tôm] – Trong bối cảnh nguồn nước nuôi bị ô nhiễm, dịch bệnh trên tôm nuôi bùng phát, giá thành chi phí đầu vào tăng cao như hiện nay, biện pháp phù hợp nhất để giải quyết được các vấn đề trên chính là áp dụng khoa học – công nghệ, nâng cao chất lượng và sản lượng.

Giảm dịch bệnh, tăng năng suất chất lượng tôm nuôi

Trong những năm gần đây, việc áp dụng khoa học công nghệ trong nuôi tôm đang được quan tâm và đã đạt được những kết quả tích cực, góp phần nâng cao giá trị ngành tôm phát triển bền vững. Nhờ áp dụng công nghệ, người nuôi đã chủ động được mùa vụ, tăng số vụ sản xuất trong năm, kiểm soát tốt dịch bệnh, nâng cao chất lượng sản phẩm.

Theo Sở NN&PTNT tỉnh Bạc Liêu, các mô hình nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao cho tỷ lệ thành công cao, 85 đến 95% diện tích nuôi có lãi. Đây là các mô hình nuôi tôm tiên tiến, được đầu tư bài bản, quản lý nghiêm ngặt; khu nuôi được thiết kế hệ thống ao lắng lọc, ao chứa và xử lý nước thải, chất thải, có lắp đặt hệ thống biogas. Hệ thống ao ương, ao nuôi được lắp quạt và oxy đáy; ao ương, ao nuôi, ao lắng được trải bạt hoàn toàn và được che lưới ở phía trên để giảm sự phát triển của tảo; tôm được ương, sau đó chuyển xuống ao nuôi và sàng thưa ra nhiều giai đoạn. Trong quá trình nuôi, các yếu tố môi trường được kiểm soát chặt chẽ, năng suất từ 20 đến 25 tấn/ha; lợi nhuận từ 700 đến 900 triệu đồng/ha/năm, cá biệt có mô hình lợi nhuận từ một đến hai tỷ đồng/ha.

Ông Lâm Tỷ, Chi cục Thủy sản tỉnh Bạc Liêu cho biết, từ năm 2015 đến nay, diện tích nuôi tôm siêu thâm canh ứng dụng công nghệ cao đã đạt được một số kết quả quan trọng. Trong đó, về diện tích nuôi, nếu năm 2015 chỉ có 76ha, thì đến 2022 có 4.607ha và 6 tháng đầu năm nay là 3.478ha. Còn về sản lượng, nếu năm 2015 đạt 1.570 tấn, thì đến 2022 đạt 77.119 tấn và dự kiến cả năm 2023 sản lượng tôm siêu thâm canh của tỉnh Bạc Liêu là 83.000 tấn.

Việc ứng dụng tiến bộ khoa học, công nghệ không chỉ giúp các cơ sở nuôi tôm kiểm soát tốt dịch bệnh, an toàn về môi trường mà còn tăng năng suất, giá trị sản phẩm, người nuôi tăng thêm thu nhập. Theo ông Tạ Quang Sáng, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh Nghệ An cho biết, trên địa bàn cả nước, nhiều nơi đã ứng dụng công nghệ cao và chuyển đổi số trong nuôi tôm, mang lại hiệu quả cao. Trong khi đó, vùng nuôi tôm trên địa bàn Nghệ An chỉ mới có một số mô hình áp dụng khoa học công nghệ trong nuôi tôm thâm canh.

“Để chuyển đổi số trong sản xuất nuôi tôm, bà con cần thay đổi ngay từ phương pháp quản lý sản xuất, thay thế việc theo dõi, quản lý ao nuôi từ truyền thống sang sử dụng những phần mềm quản lý sản xuất trên cơ sở số hóa. Từ đó người nuôi có thể dễ dàng quản lý thức ăn, quản lý hóa chất cũng như quá trình nuôi, tất cả được lưu trữ trên ứng dụng phần mềm thông qua máy tính, hoặc điện thoại”, ông Tạ Quang Sáng nhấn mạnh.

Nhờ ứng dụng khoa học-công nghệ trong nuôi trồng thủy sản, đến nay, nhiều mô hình nuôi tôm công nghệ cao xuất hiện ngày một nhiều hơn ở các địa phương như: Quảng Ninh, Nghệ An, Hà Tĩnh, Bạc Liêu, Bình Thuận… Điển hình như mô hình nuôi tôm thâm canh công nghệ cao của anh Nguyễn Viết Khánh tại xã Đan Trường, Nghi Xuân, tỉnh Nghệ An trên diện tích hơn 1,2ha, sản lượng đạt hơn 12 tấn/ha/vụ, lợi nhuận trên 650 triệu đồng.

Được biết, từ cuối năm 2022, anh Khánh đã đầu tư hàng tỷ đồng để thực hiện cải tạo ao đầm, xây dựng hệ thống bể tròn nổi có mái che để tiến hành nuôi tôm 3 giai đoạn ứng dụng công nghệ vi sinh. Với hình thức mới này, môi trường trong từng giai đoạn nuôi ít biến động, ngăn ngừa dịch bệnh, hạn chế tối đa ô nhiễm.

Anh Nguyễn Viết Khánh cho biết: “Ở giai đoạn đầu, tôm được nuôi với mật độ dày trong ao dưỡng. Khi tôm đã phát triển, cứ 20 ngày, tôi lại tiến hành tách đàn, san tôm ra các ao nuôi khác để đảm bảo mật độ, môi trường phát triển. Chúng tôi sử dụng các chế phẩm vi sinh nên chất lượng tôm đảm bảo, xử lý tốt nguồn nước trong khi nuôi, hạn chế ảnh hưởng đến môi trường”.

Ông Hoàng Hải Đường, Phó Chủ tịch UBND xã Hộ Độ (tỉnh Hà Tĩnh) cho biết: “Mô hình nuôi tôm thẻ thâm canh công nghệ cao, nhất là nuôi tôm 2 giai đoạn, 3 giai đoạn, nuôi tôm trong nhà thuận lợi trong việc chăm sóc, chủ động kiểm soát các yếu tố môi trường nước, nhiệt độ, thức ăn nên tôm nuôi phát triển tốt, ít dịch bệnh”.

Cũng nhờ áp dụng khoa học – kỹ thuật, tại tỉnh Cà Mau, hiện đã gia tăng tổng sản lượng tôm nuôi (tôm sú, tôm thẻ), đáp ứng tiêu chuẩn xuất khẩu sang nhiều thị trường như: Nhật Bản, Mỹ, Australia, Canada, Hồng Kông (Trung Quốc), Trung Quốc, Hàn Quốc, Ấn Độ…

Mới đây, Chi cục Thuỷ sản tỉnh Cà Mau kết hợp với Công ty CP Chăn nuôi C.P Việt Nam triển khai mô hình nuôi tôm CPF Combine 3 giai đoạn. Quy trình nuôi tuần hoàn khép kín, không sử dụng kháng sinh, lượng hoá chất sử dụng giảm. Ðồng thời, hạn chế chất thải, áp lực ô nhiễm môi trường vùng nuôi so với phương pháp nuôi thâm canh thông thường, tăng năng suất và tỷ lệ thành công với mật độ cao.

Theo Ông Nguyễn Vĩnh Phú, Phó Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Chăn nuôi CP Việt Nam, cho biết, công ty sẵn sàng cung cấp nguồn giống có chất lượng, hỗ trợ về kỹ thuật và thu mua sản phẩm của người nuôi tôm nếu họ đảm bảo các yêu cầu về kích cỡ tôm, tôm không có chất tồn dư kháng sinh, thức ăn không có chất bảo quản hoặc tôm phải được nuôi theo công nghệ cao.

“Mô hình nuôi tôm CPF Combine 3 giai đoạn giúp người nuôi chăm sóc tôm cho năng suất cao, kích cỡ lớn dễ tạo lợi thế cạnh tranh… Hiện nay, nói về xuất khẩu tôm kích cỡ lớn thì Việt Nam đang là một trong những nước dẫn đầu”, ông Phú chia sẻ.

Có thể thấy, áp dụng tiến bộ khoa học công nghệ là giải pháp cần thiết và phù hợp trong nuôi trồng thủy sản, nhất là khi nghề nuôi tôm chịu nhiều áp lực về biến đổi khí hậu, môi trường, nguồn nước ô nhiễm… như hiện nay. Ứng dụng công nghệ giúp quản lý việc nuôi trồng hiệu quả hơn từ nguồn nước, thức ăn, dịch bệnh, thuận lợi truy xuất nguồn gốc…

Nhân rộng mô hình nuôi ứng dụng công nghệ trong thời gian tới

Những năm gần đây, người nuôi tôm đã từng bước ứng dụng khoa học công nghệ mới: công nghệ sinh học, nuôi nhiều giai đoạn, nuôi tuần hoàn… kết hợp với đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng ở cả vùng nuôi và từng cơ sở nuôi (xây dựng hệ thống nhà kính, lồng nổi có mái che nhằm ổn định nhiệt, hạn chế sự lây lan mầm bệnh và những tác động khác gây ảnh hưởng đến sinh trưởng tôm nuôi,…). Tuy nhiên, số diện tích nuôi theo nhiều giai đoạn chưa được nhiều, mà phần lớn diện tích nuôi ao ngoài trời theo quy trình 1 giai đoạn. Với hình thức nuôi này, mức đầu tư cơ sở hạ tầng, trang thiết bị, hệ thống điện, nước ban đầu để phục vụ sản xuất theo hình thức này không lớn. Do vậy đáp ứng được đại đa số các cơ sở nuôi hiện nay, yêu cầu chi phí ban đầu thấp hơn mô hình nuôi nhiều giai đoạn, mô hình nuôi bể/lồng nổi và phù hợp với các hộ gia đình tiềm lực kinh tế hạn chế. Song nhược điểm là công tác quản lý gặp nhiều khó khăn, dễ nhiễm bệnh, có nguy cơ gặp thiên tai như nắng nóng, bão lũ dẫn đến hiệu quả không cao và cơ bản chỉ nuôi 1 vụ chính trong năm.

Nhằm tháo gỡ khó khăn trong việc ứng dụng khoa học công nghệ trong nuôi tôm. Theo Cục Thủy sản (Bộ NN&PTNT), cần tập trung ứng dụng khoa học, công nghệ mới để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm tôm đáp ứng với nhu cầu của thị trường quốc tế. Ưu tiên phát triển ngành tôm theo hướng nâng cao giá trị và phát triển bền vững. Trong đó, tập trung hướng dẫn người nuôi về kỹ thuật, khoa học công nghệ tiên tiến, phù hợp, hiệu quả; phát triển nuôi tôm và các khâu trong chuỗi sản xuất tôm theo hướng công nghệ cao để giảm lao động trực tiếp, hạn chế sự lây lan của dịch bệnh.

Nâng cao trình độ, năng lực nghiên cứu, ứng dụng khoa học-công nghệ trong ngành. Trong đó, vấn đề cần quan tâm đầu tiên là con giống, sau đó là công tác nghiên cứu về dịch bệnh-yếu tố ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu quả và sự phát triển bền vững của ngành tôm Việt Nam.

Bên cạnh đó, các cấp chính quyền chủ động tìm nhiều giải pháp trình diễn, giới thiệu, chuyển giao các ứng dụng khoa học công nghệ tiến bộ mới để người sản xuất được tiếp cận, ứng dụng.

Phát triển nuôi tôm theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung, ứng dụng các tiến bộ khoa học, kỹ thuật, công nghệ vào sản xuất để nâng cao năng suất, sản lượng và giá trị sản phẩm, thích ứng với biến đổi khí hậu là định hướng đúng đắn, góp phần giảm chi phí, hạ giá thành, gia tăng giá trị sản phẩm.

Ngọc Anh