Trước giờ sáp nhập với tỉnh Đắk Lắk, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên yêu cầu kiểm soát chặt, không để phát sinh các lồng, bè nuôi tôm, cá mới

Theo Cổng thông tin điện tử UBND tỉnh Phú Yên, tỉnh Phú Yên vừa có chỉ đạo kiểm soát chặt chẽ, tuyệt đối không để phát sinh lồng, bè nuôi trồng mới tại thị xã Sông Cầu và huyện Tuy An, ngay trước thời điểm sắp sáp nhập với tỉnh Đắk Lắk.

Một khu vực nuôi trồng thuỷ sản tại huyện Tuy An, Phú Yên. Ảnh: Cổng Thông tin điện tử UBND tỉnh Phú Yên.

 

Phú Yên kiểm soát, không để phát sinh lồng, bè nuôi trồng thủy sản mới tại thị xã Sông Cầu và huyện Tuy An, trước giờ sáp nhập với tỉnh Đắk Lắk

Cụ thể, theo Cổng thông tin điện tử UBND tỉnh Phú Yên, UBND tỉnh vừa có thông báo kết luận của Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Thị Nguyên Thảo sau buổi kiểm tra thực tế tình hình thực hiện Đề án nuôi trồng thủy sản, kế hoạch sắp xếp lồng bè tại các địa phương ven biển.

Trước đó, ngày 21/5, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên Hồ Thị Nguyên Thảo đã đi kiểm tra thực tế tình hình thực hiện Đề án nuôi trồng thủy sản, kế hoạch sắp xếp lồng bè tại thị xã Sông Cầu và huyện Tuy An.

Sau khi trực tiếp đi kiểm tra thực tế tại các địa phương và nghe lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Môi trường, UBND huyện Tuy An và thị xã Sông Cầu báo cáo tình hình tổ chức triển khai các nhiệm vụ, kế hoạch thực hiện Đề án nuôi trồng thủy sản, kế hoạch sắp xếp lồng bè tại địa phương trong thời gian qua, ý kiến của các thành viên đoàn công tác, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên Hồ Thị Nguyên Thảo cơ bản thống nhất với báo cáo tình hình tổ chức triển khai Đề án nuôi trồng thủy sản và triển khai kế hoạch sắp xếp lồng bè của lãnh đạo huyện Tuy An và thị xã Sông Cầu, Sở Nông nghiệp và Môi trường; ghi nhận sự vào cuộc của cấp ủy địa phương, nỗ lực của tập thể lãnh đạo của địa phương trong việc triển khai nội dung này trong giai đoạn thực hiện chủ trương hợp nhất cấp xã, phường, thực hiện chính quyền địa phương 2 cấp.

Trong thời gian tới cần quan tâm động viên công chức, viên chức, người lao động của đơn vị nêu cao tinh thần trách nhiệm để hoàn thành tốt các nhiệm vụ; tránh tư tưởng hoang mang, trông chờ khi chuẩn bị hợp nhất tỉnh, sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã; trong đó cần tập trung thực hiện đảm bảo tiến độ của tỉnh về sắp xếp, di dời lồng bè theo Đề án nuôi trồng thủy sản theo kế hoạch; trong đó khẩn trương phối hợp thực hiện tốt các nhiệm vụ được giao.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh – Hồ Thị Nguyên Thảo cùng các thành viên Ban Chỉ đạo thực hiện Đề án nuôi trồng thủy sản kiểm tra tình hình thực hiện Đề án nuôi trồng thủy sản, kế hoạch sắp xếp lồng bè tại các thị xã Sông Cầu. Ảnh: Cổng Thông tin điện tử tỉnh Phú Yên.

 

Cụ thể, UBND các huyện, thị xã: Tuy An, Sông Cầu, Đông Hòa cần xác định công tác quản lý, sắp xếp lồng bè nuôi trồng thủy sản không theo quy hoạch là nhiệm vụ chính trị quan trọng, cần huy động sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị từ cấp huyện, cấp xã đến cấp thôn, khu phố.

Thực hiện nghiêm các nội dung kết luận, chỉ đạo của Thường trực Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh liên quan đến công tác quản lý, sắp xếp lồng bè nuôi trồng thủy sản không theo quy hoạch trên địa bàn tỉnh; đặc biệt, phải kiểm soát chặt chẽ, tuyệt đối không để phát sinh lồng, bè nuôi trồng mới.

Tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền, công bố công khai Đề án nuôi trồng thủy sản, kế hoạch triển khai thực hiện Quyết định số 190/QĐ-UBND ngày 14/02/2024 của UBND tỉnh về phê duyệt Đề án tổng thể phát triển ngành nuôi trồng thủy sản trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 – 2025, định hướng đến năm 2030 đã được phê duyệt để Nhân dân biết ủng hộ, chấp hành tốt chủ trương, quy hoạch của tỉnh.

Đồng thời, thực hiện kế hoạch, lộ trình, giải pháp cụ thể để từng bước sắp xếp lại lồng bè nuôi trồng thủy sản trên địa bàn theo đúng quy hoạch đã được phê duyệt; lưu ý, giải pháp quản lý, sắp xếp lồng bè tại các địa phương phải khoa học, thống nhất, đồng bộ giữa các địa phương từ khâu quản lý nguyên liệu đầu vào làm lồng bè, con giống, thức ăn… đến xuất bán thủy sản nuôi trồng.

UBND huyện Tuy An và thị xã Sông Cầu cần nắm rõ danh sách lồng bè các chủ lồng bè; tổ chức họp bàn thống nhất biện pháp di dời, đưa các hộ dân không phải địa phương để chủ động quản lý sắp xếp theo quy định, tránh trường hợp xâm canh các địa phương khác.

Sở Nông nghiệp và Môi trường theo dõi, đôn đốc, tích cực phối hợp hướng dẫn các địa phương trong công tác quản lý, sắp xếp lồng bè nuôi trồng thủy sản không theo quy hoạch đảm bảo theo kế hoạch chung đề ra.

Đồng thời, tăng cường quản lý chặt chẽ con giống tôm hùm đang bán trên thị trường, để có giải pháp quản lý, hạn chế phát sinh lồng bè nuôi trồng mới.

Thường xuyên theo dõi, giám sát việc ô nhiễm môi trường nước tại các vùng nuôi trồng nuôi trồng thủy sản, để có giải pháp kịp thời ngăn chặn, xử lý hiệu quả.

Tích cực phối hợp, hướng dẫn các địa phương thực hiện chặt chẽ các quy trình, thủ tục, quy định pháp luật liên quan đến việc giao, cho thuê mặt đất, mặt nước để nuôi trồng thủy sản; lưu ý, có trách nhiệm phối hợp với UBND thị xã Sông Cầu và UBND huyện Tuy An rà soát công tác quản lý đất đai và nguồn gốc đất các hồ nuôi trồng thủy sản của người dân quanh đầm Cù Mông, vịnh Xuân Đài và đầm Ô Loan, qua đó có biện pháp xử lý theo thẩm quyền quy định…

 

Phú Yên đặt mục tiêu giảm diện tích nuôi trồng thủy sản, tăng chất lượng, thân thiện với môi trường

Phú Yên có bờ biển dài gần 190km với diện tích đầm, vịnh khoảng 18.910ha và hơn 2.000ha bãi triều, cửa sông…, là khu vực tiềm năng, thế mạnh để đầu tư phát triển nuôi trồng thủy sản.

Báo cáo của Sở Nông nghiệp và Môi trường Phú Yên cho thấy, hiện nay diện tích nuôi trồng thủy sản lồng bè tại các đầm, vịnh trên địa bàn tỉnh khoảng 4.880ha, tăng gần 3 lần so với quy hoạch (quy hoạch 1.650ha). Trong đó, riêng thị xã Sông Cầu có hơn 4.000 hộ dân với khoảng 10.000 lao động đang tham gia nuôi trồng thủy sản, trong đó chủ yếu nuôi tôm hùm lồng bè.

Thực trạng này đã dẫn đến các vấn đề như tác động tiêu cực đến môi trường; hệ thống cơ sở hạ tầng, dịch vụ chưa đáp ứng được nhu cầu; thị trường tiêu thụ bấp bênh… Vì vậy, UBND tỉnh Phú Yên đã chỉ đạo các địa phương sắp xếp lại các vùng nuôi trồng thủy sản ở đầm, vịnh.

Theo dự thảo Đề án tổng thể phát triển ngành nuôi trồng thủy sản trên địa bàn tỉnh Phú Yên giai đoạn 2021-2030, định hướng đến năm 2030, diện tích nuôi trồng thủy sản của thị xã Đông Hòa sẽ giảm xuống 780ha vào năm 2025 và còn 350ha vào năm 2030 (giảm trên 60% diện tích so với hiện trạng năm 2022).

Ba vùng nuôi tập trung của thị xã Đông Hòa sẽ giảm quy mô sản xuất lớn nhất là phường Hòa Hiệp Nam, xã Hòa Xuân Đông và xã Hòa Tâm. Khu vực nuôi lồng bè vịnh Vũng Rô thuộc xã Hòa Xuân Nam sẽ chuyển sang mục đích sử dụng khác và không bố trí nuôi trồng thủy sản bắt đầu từ năm 2025. Cơ sở sản xuất giống 9ha sẽ giải tỏa khi hết hợp đồng thuê. Khu vực Sông Ngọn đến năm 2030 không còn quy hoạch nuôi trồng thủy sản.

Đối với huyện Tuy An, diện tích nuôi trồng thủy sản đến năm 2030 chỉ còn 431.05ha, giảm khoảng 55ha so với năm 2022. Một số xã sẽ giảm diện tích, gồm: An Ninh Tây, An Ninh Đông, An Hòa Hải, An Cư và An Hiệp.

Nguồn: https://danviet.vn/

 

Tin mới nhất

T5,17/07/2025