Ấn Độ và Ecuador có thể phải mất 5 – 10 năm nữa mới đạt được trình độ chế biến tôm nước ta hiện nay, nhưng ngay lúc này, câu hỏi đặt ra là: ngành tôm Việt Nam cần làm gì để giữ khoảng cách về trình độ chế biến với các nước đối thủ?
Xuất khẩu tôm tháng 1 tăng 52%
Xuất khẩu tôm khép lại năm 2023 với giá trị xuất khẩu đạt 3,4 tỷ USD, giảm 22% so với năm 2022. Nguyên nhân chính là do lạm phát tăng cao tại các thị trường chính khiến nhu cầu nhập khẩu giảm. Sản lượng tôm toàn cầu tăng, sản xuất và xuất khẩu tôm của Ecuador tăng trưởng bùng nổ, gây dư cung và giá tôm thế giới giảm mạnh.
Sang năm 2024, theo số liệu của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, xuất khẩu tôm tháng 1 đạt 0,22 tỷ USD, tăng 52,6% so với cùng kỳ 2023. Kết quả này phù hợp với dự báo của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), theo đó, xuất khẩu tôm năm 2024 có nhiều khả quan. Nhu cầu có thể hồi phục trở lại vào 6 tháng cuối năm, trong khi áp lực lạm phát hạ nhiệt, lượng hàng tồn kho tại các nhà nhập khẩu giảm. Đây là cơ hội cho giá tôm tăng trở lại. Dự báo kim ngạch xuất khẩu tôm năm 2024 đạt 4 tỷ USD, tăng 5% so với năm 2023.
Ngành tôm tìm giải pháp nâng cao sức cạnh tranh. Nguồn: ITN
VASEP nhấn mạnh, trải qua năm 2023 đầy khó khăn, đa dạng hóa sản phẩm, phát triển các sản phẩm tôm giá trị gia tăng mới cũng là một trong những sách lược giúp các doanh nghiệp trụ vững. Người tiêu dùng ngày càng tiết kiệm thời gian, nên các sản phẩm tiện lợi, dễ chế biến ngày càng được chú ý. Khi tăng trưởng sản lượng nuôi trồng chỉ có giới hạn, chế biến sản phẩm giá trị gia tăng sẽ là xu thế, giúp đạt được các mục tiêu về kim ngạch xuất khẩu trong tương lai.
Hiện, sản phẩm tôm chế biến giá trị gia tăng chiếm 40 – 45% tổng giá trị xuất khẩu tôm hàng năm. Đề án phát triển ngành chế biến thủy sản giai đoạn 2021 – 2030 đặt mục tiêu đưa Việt Nam trở thành trung tâm chế biến thủy sản và đứng trong số 5 nước hàng đầu thế giới vào năm 2030.
Trình độ chế biến chung của các doanh nghiệp tôm Việt thuộc mức cao trên thế giới và đây là một lợi thế cạnh tranh lớn. Tôm Việt Nam đã vươn lên, chiếm lĩnh các thị trường, thị phần tôm cao cấp, nhất là ở Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ, EU, Australia… Trình độ chế biến tôm của chúng ta đang không ngừng tăng, với mặt hàng mới ngày càng phong phú. Các sản phẩm tôm giá trị gia tăng nổi bật của Việt Nam có thể kể đến như tôm bao bột, tôm chiên, tôm tẩm gia vị, tôm xẻ bướm, tôm xiên que, tôm tempura, tôm nobashi, há cảo tôm, sủi cảo tôm gừng, tôm thẻ thịt duỗi tẩm bột chiên đông lạnh, tôm thẻ xiên que đông lạnh…
Cuộc đua chế biến
Mặc dù vậy, VASEP cũng cho rằng, bài toán đặt ra với ngành tôm hiện nay là phải tìm cách nâng cao năng lực cạnh tranh; đặc biệt khi hai “đối thủ” chính của tôm Việt là tôm Ecuador, Ấn Độ có lợi thế lớn về giá, về nguồn cung và cũng đang bước vào cuộc đua chế biến.
Cụ thể, “ông lớn” ngành tôm Ecuador là Sociedad Nacional de Galapagos (Songa) đang tăng cường đầu tư cho dây chuyền sản xuất hàng chế biến giá trị gia tăng cao, công suất dự kiến khoảng 91 tấn tôm thẻ chân trắng nguyên liệu/ngày. Việc đầu tư này diễn ra trong bối cảnh giá tôm nguyên liệu tại Ecuador giảm sâu do nhu cầu yếu trong khi nguồn cung tăng. Tương tự, ngành tôm Ấn Độ cũng đang định hướng chuyển sang phát triển về chiều sâu.
Theo các chuyên gia ngành thủy sản, Ấn Độ và Ecuador có thể phải mất 5 – 10 năm nữa mới đạt được trình độ chế biến tôm của Việt Nam hiện nay, nhưng ngay lúc này, câu hỏi đặt ra là: ngành tôm Việt Nam cần làm gì để giữ khoảng cách về trình độ chế biến với các nước đối thủ? Câu trả lời là mức độ chế biến của Việt Nam sẽ sâu hơn, phức tạp hơn và giá thành hạ xuống.
Để tăng sức cạnh tranh, ngành tôm cũng cần tập trung vào khâu nuôi nhiều hơn. So với Ecuador, giá thành nuôi thấp, diện tích nuôi lớn, tập trung, tỷ lệ thành công cao lên tới trên 80%. Tôm nuôi của Việt Nam có tỷ lệ thành công không cao, chất lượng giống thấp, giá thành sản xuất cao hơn từ 20 – 35% so với Ecuador do giá thức ăn, giá điện và các chi phí đầu vào khác tăng cao. Để gỡ nút thắt lớn nhất này, các giải pháp đã được nêu lên nhiều lần như quản lý con tôm giống, có giải pháp ngăn ngừa dịch bệnh, quan tâm đủ nước sạch cho những vùng nuôi tôm trọng điểm… Ngành cũng cần quan tâm giải pháp tích tụ, tập trung đất nuôi tôm để hình thành các trại nuôi quy mô càng lớn càng tốt. Qua đó, doanh nghiệp có điều kiện giảm giá thành và ứng dụng chuẩn nuôi ASC phổ biến nhất hiện nay, thu hút khách hàng cao cấp.
“Nắm bắt cơ hội, nhưng thách thức không ít, ngành tôm cần sự chung tay của Chính phủ, chính quyền địa phương, các mắt xích trong toàn chuỗi. Ngành chế biến phải không ngừng tiếp cận xu thế người tiêu dùng, thị trường để có sản phẩm mới đáp ứng kịp thời nhất. Ngành nuôi cần có sự căn cơ hơn, tổ chức sản xuất quy mô lớn hơn nhằm có nền tảng quy hoạch tổng thể khu nuôi mang tính khoa học, hợp lý cũng như thuận lợi trong việc đầu tư trang bị các thành quả khoa học kỹ thuật để nâng cao tính chủ động, giảm thiểu rủi ro, nâng cao năng suất. Hiện tại ngành tôm nên tập trung vào khâu nuôi nhiều hơn để chất lượng và giá thành ổn định, giúp tăng khả năng cạnh tranh của con tôm Việt”, chuyên gia thị trường tôm VASEP Kim Thu nhấn mạnh.