Tìm giải pháp vượt khó cho ngành tôm

“Vốn hạn chế, giống quản lý thế nào, bảo vệ môi trường, phòng, chống dịch bệnh ra sao, xúc tiến, mở rộng thị trường như thế nào… để đạt mục tiêu sản lượng tôm trên 1,1 triệu tấn và xuất khẩu tôm trên 4,3 tỷ USD theo kế hoạch là những vấn đề cần được quan tâm thảo luận để có giải pháp thực thi hiệu quả”. Đó là ý kiến gợi mở của Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến tại Hội nghị phát triển ngành tôm năm 2023, tổ chức tại Sóc Trăng vào đầu tháng 3.

Con giống quyết định rất lớn đến năng suất, chất lượng tôm nuôi. Rất nhiều tập đoàn lớn đã đầu tư vào làm con giống, như: CP, Việt Úc, Nam Miền Trung… nhưng năng lực sản xuất của các cơ sở sản xuất giống đạt tiêu chuẩn hiện chỉ đáp ứng khoảng 50% nhu cầu. Như vậy, có khoảng 50% con giống không rõ nguồn gốc, giống cơ sở không đảm bảo chất lượng… Đây chính là một trong những nguyên nhân dẫn đến tỷ lệ nuôi thành công của chúng ta còn thấp. Thứ trưởng Phùng Đức Tiến chia sẻ: “Bây giờ có 50% là con giống tốt, có nguồn gốc, giống chất lượng cao rồi, để làm tốt 50% còn lại, các tỉnh cũng phải hết sức quan tâm tạo điều kiện về đất đai, thủ tục để các doanh nghiệp đầu tư sản xuất con giống, đặc biệt là vấn đề đất đai. Riêng về phần mình, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn luôn tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp công nghệ cao tiếp tục đầu tư để đáp ứng đủ con giống tốt cho nhu cầu sản xuất”.

Nâng cao tỷ lệ tôm nuôi thành công, nhằm giảm giá thành, tăng tính cạnh tranh, giúp ngành tôm giữ vững vị thế trên thị trường thế giới. Ảnh: TÍCH CHU

Còn theo ông Lê Văn Quang – Chủ tịch Tập đoàn Thủy sản Minh Phú, con giống quyết định trên 60% tỷ lệ nuôi thành công, nên vấn đề hiện nay là làm sao có được con giống kháng bệnh, chứ không chỉ có mỗi con giống sạch bệnh như chúng ta đang nuôi để đáp ứng nhu cầu cho tất cả các mô hình nuôi. Ông Quang nêu dẫn chứng: “Ví dụ như các mô hình nuôi quảng canh hay quảng canh cải tiến thường môi trường sẽ không được tốt so với nuôi thâm canh và siêu thâm canh nên rất cần có con giống kháng bệnh, vì nếu thả con giống sạch bệnh vào môi trường chưa được sạch thì cũng rất dễ phát sinh dịch bệnh và gây thiệt hại”. Một vấn đề nữa theo ông Quang là cần có khu nuôi tập trung theo quy mô trang trại hay liên kết thành hợp tác xã để tất cả các chi phí đầu vào được giảm xuống, khoa học công nghệ được ứng dụng dễ dàng hơn và thực hành nuôi theo chuẩn quốc tế thuận lợi hơn. Ông Quang đề xuất: “Chúng ta cần có lời giải nhằm giải quyết tổng thể các vấn đề trên thì giá thành tôm nuôi của chúng ta mới có thể giảm xuống được”.

Cùng mong muốn có giải pháp nâng cao tỷ lệ tôm nuôi thành công, ông Trình Trung Phi – Giám đốc kỹ thuật Tập đoàn Việt Úc, đặt vấn đề: “Thực tế từ thành công của Ecuador cho thấy, dù mật độ thả nuôi của họ thấp nhưng bù lại tỷ lệ diện tích dành cho ao nuôi của họ rất cao, cùng với tỷ lệ nuôi thành công cao nên sản lượng tôm của họ là rất lớn, giá thành rất thấp. Vì vậy, nên chăng, đã đến lúc chúng ta cần nghĩ tới việc giảm mật độ thả nuôi để hạn chế rủi ro dịch bệnh trên tôm. Vấn đề này rất cần được nghiên cứu thêm nhằm hướng đến mục tiêu là tăng sản lượng, giảm giá thành tôm nuôi”. Đối với vấn đề bệnh EHP trên tôm, có thể nói, hiện đang là khó khăn chung lớn nhất của người nuôi tôm và ngay cả thế giới, đến thời điểm hiện tại vẫn còn loay hoay trong việc tìm giải pháp phòng trị một cách hiệu quả nhất bệnh này.

Liên quan đến vai trò của các bên liên quan, theo Thứ trưởng Phùng Đức Tiến, lãnh đạo ngành hàng như VASEP (Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam) phải quan sát kỹ lưỡng cùng với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để giải quyết các vấn đề về thị trường. Đồng thời, cần có sự hỗ trợ lẫn nhau trong cộng đồng doanh nghiệp và người nuôi để lan tỏa được những công nghệ mới, như nuôi 2 – 3 giai đoạn, nuôi sử dụng chế phẩm sinh học, nuôi tuần hoàn hiệu quả giúp người nuôi, doanh nghiệp giảm thiệt hại… Đối với tổng cục, tập trung vào thanh tra, kiểm tra con giống theo đúng quy định pháp luật. Cục Thú y, vụ khoa học tập trung vào nghiên cứu các sản phẩm xử lý dịch bệnh, môi trường. Riêng về vấn đề thị trường, Thứ trưởng cho biết: “Cơ cấu thị trường hiện đã có sự thay đổi. Nếu như trước đây thị trường Mỹ chiếm 26,3% thì đến nay chỉ còn 19%, trong khi thị trường Trung Quốc từ 17% tăng lên trên 20%. Mỗi năm ở giai đoạn đầu quý I bao giờ xuất khẩu cũng chậm nhưng sự tăng tốc bắt đầu từ quý II”.

Với những phân tích trên, theo Thứ trưởng Phùng Đức Tiến, điều cần làm hiện nay là duy trì yếu tố đầu vào ở mức ổn định một cách chủ động. Ví dụ về giống đảm bảo chất lượng cao, kháng bệnh tốt vì hàng năm chúng ta vẫn thường xảy ra thiệt hại liên quan đến dịch bệnh rất nguy hiểm trên tôm như: phân trắng EMS, EHP, đốm trắng… chúng ta có con giống tốt trước hết là phải kháng bệnh tốt bởi đây là yếu tố quyết định cho năng suất, chất lượng và tỷ lệ thành công của vụ nuôi. Thứ hai là thức ăn, dinh dưỡng kiểm soát được về chất lượng và đề nghị doanh nghiệp giữ mức giá hợp lý đảm bảo hài hòa lợi ích cho doanh nghiệp và người nuôi tôm. Thứ ba là quan trắc môi trường, giám sát dịch bệnh và có phác đồ kịp thời để hướng dẫn người nuôi một cách chắc chắn ổn định hiệu quả…

Kết luận hội nghị, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho rằng, không thể để những khó khăn, vướng mắc lặp đi lặp lại năm này qua năm khác, mà cần làm rõ thực trạng, đề ra giải pháp cụ thể và thực thi một cách nghiêm túc, có hiệu quả các giải pháp đã được đề ra, đặc biệt là vấn đề chất lượng, giá cả con giống, thức ăn, chế phẩm sinh học và công tác quan trắc, cảnh báo môi trường, dịch bệnh… Thứ trưởng nêu rõ: “Năm 2023 vẫn sẽ là một năm hết sức khó khăn, nhưng ngành vẫn mạnh dạn đề ra mục tiêu phấn đấu về sản lượng và kim ngạch xuất khẩu tôm từ bằng đến cao hơn năm 2022. Đây là nhiệm vụ rất nặng nề, cần có sự nỗ lực, quyết tâm cao của tất cả các đơn vị và địa phương, đặc biệt là đảm bảo cho vụ nuôi thành công để tạo nguồn nguyên liệu giúp doanh nghiệp chủ động trong chế biến, xuất khẩu”.

TÍCH CHU

Nguồn tin: Báo Sóc Trăng

Tin mới nhất

T6,22/11/2024