Tiền Hải: Phòng, chống bệnh đốm trắng trên tôm

Trước tình hình bệnh đốm trắng trên tôm nuôi đang phát sinh tại xã Đông Minh, huyện Tiền Hải yêu cầu các ngành, địa phương tăng cường kiểm tra, giám sát và đôn đốc, hướng dẫn các hộ nuôi thực hiện ngay các biện pháp phòng, chống, không để bệnh đốm trắng lây lan trên diện rộng.

Hộ nuôi tôm xã Nam Cường (Tiền Hải) thu vớt các tạp chất trong ao nuôi.

Vụ xuân hè này, huyện Tiền Hải có 1.743,7ha nuôi trồng thủy sản (NTTS) nước lợ, trong đó tôm là đối tượng nuôi chính với khoảng 300 triệu giống tôm sú và thẻ chân trắng. Tôm nuôi thả được từ 30 – 40 ngày, đây là thời điểm tôm đang phát triển mạnh, nhạy cảm với bệnh và dễ bị nhiễm các loại bệnh nguy hiểm. Đặc biệt, từ đầu tháng 5 đến nay, tại xã Đông Minh phát sinh bệnh đốm trắng trên tôm, gây thiệt hại cho nhiều hộ nuôi trồng. Tính đến ngày 21/5, bệnh đốm trắng trên tôm phát sinh tại 258 ao của các hộ dân trong xã với diện tích 140.869m2, số lượng giống 267 vạn con. Theo ông Trương Xuân Hội, Giám đốc HTX SXKD NTTS Hải Châu (xã Đông Minh) cho biết: Khi bệnh đốm trắng trên tôm xuất hiện, HTX đã đôn đốc, hướng dẫn người dân chủ động mua hóa chất để xử lý mầm bệnh, đồng thời tiến hành vệ sinh ao nuôi, thu gom xác tôm chết để tiêu hủy, loại bỏ động vật trung gian gây bệnh. Ngoài ra, HTX cũng đang chờ nguồn hỗ trợ hóa chất của tỉnh để cấp phát cho người dân đồng loạt xử lý triệt để mầm bệnh đốm trắng.

Những ngày gần đây, thời tiết trên địa bàn huyện có diễn biến phức tạp, mưa nắng thất thường khiến môi trường nuôi không ổn định dễ gây bệnh cho tôm. Qua theo dõi tình hình dịch bệnh đốm trắng trên tôm những năm gần đây ngành chuyên môn huyện nhận định nguy cơ dịch bệnh đốm trắng trên tôm có thể bùng phát và lây lan rất cao. Ông Đỗ Thành Trung, Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Môi trường huyện cho biết: Chúng tôi nhận định tình hình dịch bệnh đốm trắng trên tôm có thể phát sinh lây lan ra các xã có vùng chuyển đổi NTTS nước lợ như Nam Thịnh (43ha), Nam Thắng (18,5ha), Nam Cường (86ha)… Do vậy, Phòng đã tham mưu cho UBND huyện tăng cường chỉ đạo các xã, nhất là các xã ven biển tập trung cao cho công tác phòng, chống dịch bệnh trên thủy sản, nhất là bệnh đốm trắng trên tôm nuôi.

Xã Nam Cường có 86ha NTTS nước lợ, trong đó diện tích nuôi tôm hơn 30ha với khoảng 10 triệu con tôm giống. Xã đã tích cực phối hợp với ngành chuyên môn của tỉnh, huyện tuyên truyền cho các hộ dân thực hiện biện pháp bảo vệ diện tích nuôi tôm, xử lý môi trường ao nuôi để dịch bệnh đốm trắng không phát sinh. Ông Lương Văn Chuyện, thôn Chí Cường chia sẻ: Vụ này, nhà tôi nuôi thả hơn 7 vạn tôm thẻ chân trắng trên diện tích hơn 5.000m2. Do thực hiện nuôi thả theo hình thức công nghiệp nên tôi rất chú trọng đến việc phòng, chống dịch bệnh và chăm sóc tôm. Nước trước khi lấy vào ao nuôi được xử lý bằng hóa chất để tiêu diệt triệt để mầm bệnh gây hại; định kỳ từ 7 – 10 ngày/lần sử dụng các chế phẩm sinh học để ổn định môi trường ao nuôi. Nhờ vậy đến nay, sau gần 2 tháng nuôi thả tôm của nhà tôi đang phát triển và sinh trưởng rất tốt.

Theo ông Đỗ Đức Thiện, Giám đốc HTX SXKD DVNN xã Nam Cường: Thời điểm này, tôm trong xã đã được hộ dân thả cách đây gần 2 tháng. Trước tình hình dịch bệnh đốm trắng đã phát sinh tại xã Đông Minh cũng như thời tiết nắng nóng như hiện nay, HTX đã bám sát vào sự chỉ đạo của huyện và khuyến cáo từ ngành chuyên môn để hướng dẫn người nuôi thực hiện các biện pháp kỹ thuật, chủ động phòng, chống dịch bệnh và chăm sóc, bảo vệ thủy sản mùa nắng nóng, góp phần giảm thiểu thiệt hại, nâng cao hiệu quả kinh tế.

Diện tích nuôi tôm công nghiệp tại xã Nam Cường.

Hiện nay, huyện Tiền Hải đang tích cực chỉ đạo xã Đông Minh tiếp tục thực hiện các biện pháp khoanh vùng, khống chế, ngăn chặn bệnh đốm trắng trên tôm. Đồng thời chỉ đạo các xã, HTX có NTTS nước lợ trong huyện đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn người nuôi thường xuyên kiểm tra, giám sát theo dõi diễn biến môi trường, thời tiết và tình trạng sức khỏe tôm nuôi. Khi thấy tôm nuôi và các loài cua, còng chết bất thường, người dân phải báo cáo ngay cho chính quyền địa phương và cán bộ chuyên môn để chẩn đoán bệnh và hướng dẫn xử lý dịch bệnh kịp thời. Khi có dịch bệnh xảy ra tại địa phương, các xã phải thành lập ban chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh động vật thủy sản; chủ động nguồn nhân, vật lực thực hiện phòng, chống dịch bệnh; sẵn sàng các phương án để xử lý mầm bệnh theo đúng yêu cầu chuyên môn.

Đối với những ao nuôi có tôm bị bệnh yêu cầu các hộ dân phải thực hiện ngay việc thu gom, tiêu hủy tôm bị chết theo hướng dẫn của cán bộ chuyên môn, không vứt xác tôm chết bừa bãi, không được xả nước của các ao nuôi tôm đã bị bệnh chết ra kênh mương tiêu làm ảnh hưởng đến môi trường và các hộ nuôi tôm khác; xử lý triệt để mầm bệnh trong ao bằng hóa chất Chlorine nồng độ 30ppm giữ nguyên mực nước trong ao đã xử lý sau từ 7 – 10 ngày mới được xả nước ra ngoài môi trường chung. Những ao nuôi bị nghi là nhiễm bệnh đốm trắng thì cần hoàn triệt ngay cống cấp và kênh tiêu, không tùy tiện xả nước ra ngoài kênh dẫn. Đối với những ao nuôi chưa có hiện tượng tôm chết phải cho ăn đủ khẩu phần và chế độ hợp lý theo kích cỡ và mật độ nuôi, giảm từ 15 – 30% lượng thức ăn trong những ngày thời tiết biến động lớn.

Trần Tuấn

Nguồn: https://baothaibinh.com.vn/

Tin mới nhất

T4,28/05/2025