Thủy sản Việt Nam đang đi đúng hướng

[Người Nuôi Tôm] – Chia sẻ với báo chí, ông Trần Đình Luân, Tổng cục Trưởng Tổng cục Thủy sản (Bộ NN&PTNT) cho biết: Trong 6 tháng đầu năm, ngành tôm Việt Nam duy trì tốt chuỗi sản xuất trước tác động tiêu cực của Covid-19 với mức kim ngạch xuất khẩu đạt 1,5 tỉ USD. Tuy nhiên, để ngành tôm thật sự trụ vững trước diễn biến khó có thể lường trước của Covid-19 trên toàn cầu rất cần có những giải pháp mang tính căn cơ.

 

Ông Trần Đình Luân, Tổng Cục trưởng Tổng Cục Thủy sản

Tổng cục Trưởng Tổng cục Thủy sản, ông Trần Đình Luân đã có cuộc trao đổi với phóng viên báo chí xung quanh những hướng đi của ngành tôm Việt Nam trong thời gian tới, để đạt được mục tiêu đề ra của ngành thủy sản năm 2021.

 

Phóng viên (PV): Thưa ông, ông nhìn nhận thế nào về tín hiệu thị trường của chúng ta những tháng cuối năm, cũng như ngành tôm Việt Nam cần thích ứng với những tín hiệu này như thế nào?

 

Ông Trần Đình Luân: Qua số liệu thu thập được, có thể nói, khi thị trường thế giới mở cửa trở lại, các hoạt động được lới lỏng, nhu cầu sử dụng các sản phẩm thủy sản nói chung tăng dần, đặc biệt là với sản phẩm tôm. Bên cạnh đó việc chúng ta đang kiểm soát dịch bệnh và tổ chức sản xuất một cách bình thường có thể coi là một lợi thế lớn. Đây là một tín hiệu rất tốt để ngành thủy sản có những giải pháp thiết thực, cụ thể để khai thác được tiềm năng lợi thế về thị trường 6 tháng cuối năm 2021 đối với lĩnh vực thủy sản cũng như đối với ngành tôm.

 

PV: Gắn với Chiến lược mới theo Quyết định của Thủ tướng, theo ông trong thời gian tới ngành tôm sẽ đẩy mạnh theo hướng như thế nào? Đối với những thị trường đòi hỏi chất lượng cao, ngành Tôm Việt Nam hiện có đáp ứng tốt không, thưa ông?

 

Ông Trần Đình Luân: Thời gian qua ngành tôm đã đi rất đúng hướng, tập trung phát triển nuôi tôm công nghệ cao ở những vùng có thể kiểm soát được môi trường đặc biệt là ở những khu vực có tiềm năng đầu tư của doanh nghiệp để phát triển nuôi tôm công nghệ cao, giúp ngành tôm Việt Nam đạt sản lượng hàng lớn, truy xuất nguồn gốc, nâng cao chất lượng con tôm.

Bên cạnh đó, chúng ta sẽ đẩy mạnh phát triển những khu vực tiềm năng phát triển các loại mô hình nuôi sinh thái, điển hình là các mô hình tôm – lúa, tôm – rừng. Đây là những mô hình đặc thù, lợi thế mà có lẽ chỉ Việt Nam mới ưu ái có được. Hiện nay, những khu vực này đang được nước đang đầu tư, nghiên cứu để nâng cao năng suất, chất lượng. Cùng với đó, người dân và các địa phương đang tiến hành đánh dấu mã số cơ sở nuôi, giúp truy xuất nguồn gốc, ứng dụng khoa học công nghệ, tăng năng suất cũng như chất lượng con tôm, hướng tới xây dựng thương hiệu tôm hữu cơ của Việt Nam.

Có thể thấy, một số quốc gia đang bắt đầu phát triển trở lại con tôm sú, trong đó có Việt Nam. Việt Nam vẫn đang tiếp tục duy trì được sản lượng, diện tích tôm sú phục vụ cho sản xuất trong nước và xuất khẩu. Đây cũng có thể coi là một trong những lợi thế mà tôi tin rằng, trong thời gian tới song song với việc phát triển những vùng nuôi tôm công nghiệp có kiểm soát ứng dụng khoa học công nghệ chất lượng cao, thì những vùng tôm lúa, tôm rừng và tôm quảng canh sẽ là một trong những thế mạnh của ngành tôm Việt Nam.

Đối với việc ứng dụng công nghệ 4.0 để truy xuất nguồn gốc, chúng ta cũng đã xây dựng những mô hình có sự hỗ trợ từ phía các doanh nghiệp, các tổ chức quốc tế, giúp hình thành những chuỗi liên kết, ứng dụng tiến bộ khoa học, truy xuất nguồn gốc từ khâu sản xuất đến khâu tiêu thụ. Đặc biệt, giúp tìm hiểu được quá trình sản xuất ra con tôm hữu cơ ở Việt Nam để nâng cao giá trị và giá bán của con tôm.

 

PV: Liên quan đến mã số vùng nuôi, trái với ngành cá tra của Việt Nam hiện đang làm khá tốt, ngành tôm hiện giờ triển khai còn rất chậm, ông có thể cho biết nguyên nhân và giải pháp nào cho vấn đề này?

 

Ông Trần Đình Luân: Đối với việc cấp mã số cơ sở vùng nuôi, Bộ NN&PTNT đã tổ chức một buổi Hội thảo cùng với các địa phương để bàn về giải pháp. Một mặt, các địa phương cần phải tập trung tuyên truyền cho bà con nông dân thấy được cái lợi trước mắt cũng và lâu dài cũng như ý nghĩa của việc cấp mã số đối với việc truy xuất nguồn gốc và đối với việc xây dựng hình ảnh của ngành nuôi tôm. Vấn đề này cần sự đồng hành của người dân cũng như doanh nghiệp. Rất mong các địa phương giúp đỡ các doanh nghiệp và người dân đơn giản thủ tục hành chính để người nuôi có thể đăng ký cấp mã số một cách dễ dàng. Một điểm nữa, đó là một số những quy định có thể chưa phù hợp trong việc quản lý đất đai, Bộ NN&PTNT đang tham mưu để sửa Nghị định 26 để những điều kiện để được cấp mã số của cơ sở nuôi tôm được đơn giản và dễ dàng nhất.

Sau khi có mã số, Cục Thủy sản cũng đang xây dựng kế hoạch ứng dụng công nghệ thông tin giúp doanh nghiệp có thể tiếp cận được vào hệ thống, nhanh chóng tìm và liên hệ được với những cơ sở đã được cấp mã số vùng nuôi, dễ dàng tiếp cận với những hộ nuôi đạt chuẩn trong việc truy xuất nguồn gốc.

 

PV: Với những diễn biến thị trường từ đầu năm đến nay, ông có dự đoán gì về kim ngạch xuất khẩu năm 2021 đối với con tôm, thưa ông?

 

Ông Trần Đình Luân: Với kết quả của 06 tháng đầu năm 2021, kim ngạch xuất khẩu tôm ước đạt 1,5 tỷ USD, cùng với tốc độ tăng trưởng như hiện nay, nếu kịch bản về Covid-19 tại Việt Nam được kiểm soát tốt, đặc biệt ở khu vực ĐBSCL sớm khống chế được dịch bệnh. Cùng với những giải pháp đồng bộ của Chính phủ, tiêm vaccine cho các cơ sở sản xuất, xuất khẩu tôm. Những giải pháp về vận tải, giúp lưu thông hàng hóa từ con giống, thức ăn đến việc vận chuyển, thu hoạch những sản phẩm tôm về các nhà máy chế biến của Chính phủ được các địa phương làm đồng bộ. Ngành tôm Việt Nam có thể kỳ vọng kim ngạch xuất khẩu đạt từ 3,8 – 4 tỷ USD.

 

PV: Trong bối cảnh hiện nay, thị trường quốc tế đang mở cửa trở lại, Việt Nam tận dụng những cơ hội gì để thích ứng với việc mở cửa này, thưa ông?

 

Ông Trần Đình Luân: Có thể thấy rằng, khi dịch Covid-19 khiến chúng ta phải thực hiện giãn cách xã hội, Việt Nam đã có những điều chỉnh để thích ứng rất tốt. Sản phẩm thủy sản được điều chỉnh để phù hợp với bối cảnh mới, doanh nghiệp chuyển hướng sang các sản phẩm tiện lợi, phù hợp với nhu cầu sử dụng tại các hộ gia đình.

Khi giãn cách xã hội được gỡ bỏ, nhu cầu của nhà hàng, khách sạn sẽ được tăng lên. Đây là lúc ngành tôm cần tranh thủ đẩy mạnh những sản phẩm vào những thị trường tiềm năng, bên cạnh những phương pháp điều chỉnh mặt hàng phù hợp với như cầu thị trường như cách chúng ta đã làm trong những giai đoạn vừa qua.

 

PV: Thưa ông, bên cạnh những khó khăn về tình hình dịch bệnh, ngành thủy sản vẫn đang phải đối mặt với nhiều những khó khăn khác, ông có thể nêu ra một số khó khăn vướng mắc mà ngành tôm đang gặp phải?

 

Ông Trần Đình Luân: Khó khăn lớn nhất mà chúng ta có thể nhận thấy chính là tình hình dịch bệnh Covid-19 hiện nay đã khiến cho việc lưu thông vận chuyển hàng hóa gặp nhiều trở ngại, nếu không làm tốt những chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ thì rất có thể sẽ làm tăng giá thành sản xuất, ví dụ như giá thành vận chuyển giống, vận chuyển thức ăn, vận chuyển vật tư đầu vào cho người nuôi. Giá thành vận chuyển từ lúc thu hoạch đến nhà máy chế biến, từ các cơ sở chế biến đến các cảng để xuất khẩu. Đây là những vấn đề cần khắc phục sớm, nếu không làm tốt sẽ đẩy giá thành sản xuất tôm lên cao.

Thêm nữa, trong những năm vừa qua, bên cạnh những Hiệp định thương mại tự do được ký kết thì có rất nhiều những rào cản kỹ thuật, điển hình như việc thực hiện truy xuất nguồn gốc, chất lượng sản phẩm. Hiện nay, những vấn đề này đang được các cơ quan chức năng chủ động phối hợp với người nuôi, doanh nghiệp triển khai giải pháp để hạn chế mức tối đa những ảnh hưởng của rào cản kỹ thuật đối với ngành tôm.

PV: Trân trọng cảm ơn ông!

Phạm Huệ (ghi)

Tin mới nhất

T5,21/11/2024