Thuế quan tạm hoãn: Thủy sản Việt Nam tạm thoát “vòng xoáy” áp thuế Hoa Kỳ

[Người nuôi tôm] – Quyết định tạm hoãn áp thuế quan đối ứng trong 90 ngày của Tổng thống Donald Trump đã làm thay đổi cục diện thương mại toàn cầu, đặc biệt trong lĩnh vực xuất khẩu thủy sản. Động thái này không chỉ mở ra giai đoạn đàm phán song phương căng thẳng, mà còn đặt các chiến lược thương mại trước bài toán phải điều chỉnh linh hoạt trong thời gian tới.

Thuế quan lùi 90 ngày mở đường cho các thỏa thuận song phương

Tổng thống Donald Trump vừa tuyên bố tạm hoãn áp dụng mức thuế quan đối ứng hơn 30% trong vòng 90 ngày, nhằm tạo “đòn bẩy tối đa” cho quá trình đàm phán với hơn 75 quốc gia bị ảnh hưởng bởi loạt thuế mới công bố hôm 2/4. Theo thông báo trên Truth Social, ông cho biết nhiều quốc gia đã chủ động liên hệ để thảo luận, và cam kết hướng đến các “thỏa thuận công bằng”. Phát biểu ngày 7/4, Trump nhấn mạnh rằng cả “thuế quan vĩnh viễn” lẫn “đàm phán song song” đều là các kịch bản có thể xảy ra.

Bộ trưởng Tài chính Scott Bessent cho biết ông cùng Đại diện Thương mại Jamieson Greer đã được giao nhiệm vụ đàm phán riêng rẽ với từng quốc gia, trong đó các cuộc tiếp xúc ban đầu đã diễn ra, bao gồm một cuộc họp với phái đoàn Việt Nam vào ngày 9/4 và đàm phán sơ bộ với đại diện Nhật Bản.

Việc trì hoãn áp thuế đã buộc nhiều nước điều chỉnh chiến lược thương mại, đặc biệt trong lĩnh vực xuất khẩu thủy sản. Ecuador và Chile, vốn kỳ vọng vào lợi thế thuế quan ngắn hạn để mở rộng thị phần tôm, cá ngừ và cá hồi, nay mất ưu thế – ít nhất trong ba tháng tới. Ngược lại, các nước từng đối mặt với nguy cơ bị áp thuế cao như Việt Nam, Thái Lan, Indonesia và Đài Loan có thể tạm thời thở phào nhẹ nhõm khi áp lực thuế quan được nới lỏng. Tuy nhiên, cục diện này vẫn đầy biến động, khi triển vọng đàm phán và nguy cơ thuế quan vẫn song hành trong thời gian tới.

Phương Nhung

Tin mới nhất

T7,12/04/2025