Tăng tốc để khôi phục sản xuất thủy sản sớm nhất có thể

Tổng cục Thủy sản khuyến nghị các doanh nghiệp cần hỗ trợ giống cho người dân để bà con chăn nuôi khôi phục sản xuất.


Ngành tôm Việt Nam, bên cạnh những sản phẩm sơ chế, cũng có những sản phẩm giá trị gia tăng có vị thế trên thị trường. Ảnh: TL.

Hiện nay, dịch bệnh Covid-19 trong nước đang ảnh hưởng nặng nề tới việc sản xuất nông nghiệp nói chung và thủy sản nói riêng. Các chuỗi cung ứng vật tư đầu vào cũng như các hoạt động nuôi trồng, thu mua, chế biến của nông dân và các doanh nghiệp bị đình trệ, đứt gãy.

Nếu không có những giải pháp khẩn trương tháo gỡ những điểm nghẽn hiện nay, ngành thủy sản sẽ khó có thể đạt mục tiêu kim ngạch xuất khẩu 8,8 tỷ USD trong năm 2021.

Bên cạnh đó còn tạo ra nguy cơ thiếu hụt nguồn nguyên liệu vào những tháng cuối năm, làm đứt gãy hoạt động chế biến, xuất khẩu khi các doanh nghiệp trở lại hoạt động bình thường sau dịch Covid-19.

Theo Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản (Bộ NN-PTNT) Trần Đình Luân, việc đưa ra những phương án, giải pháp tháo gỡ cho các nhà máy chế biến là rất cần thiết nhưng quan trọng nhất vẫn là vấn đề người nông dân phải được duy trì sản xuất, phải có thu nhập.

Ông Luân cũng cho biết, ngay từ tháng 7, tháng 8 vừa qua, hệ thống sản xuất giống đã bị giảm công suất từ 30 – 40%. Lượng xuống giống tại một số địa phương cũng giảm đến 40%.

Vì việc xuống giống bị giảm sút nên hiện nay lượng giống đang dư thừa. Tổng cục Thủy sản đã đưa ra khuyến cáo các doanh nghiệp cần hỗ trợ giống cho người dân để bà con chăn nuôi có giống để khôi phục sản xuất.

“Theo đó, ngành nông nghiệp đã có những thống kê, đánh giá lại lượng tôm bố mẹ còn bao nhiêu, có đủ đảm bảo sản xuất hay không… Hiện nay các trại giống đang duy trì trên 55.000 con tôm bố mẹ, đủ để cung cấp giống cho các tháng nuôi tiếp theo”, ông Trần Đình Luân chia sẻ.

Cũng theo Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản, hiện nay có 15 nhà máy sản xuất thức ăn đang phải tạm dừng hoạt động do có ca F0. Tuy nhiên với công suất hiện tại, trong những tháng cuối năm, các nhà máy có thể sản xuất trên 2 triệu tấn thức ăn nên đây không phải vấn đề quá đáng ngại.

“Vấn đề chúng ta cần quan tâm là thu hoạch, vận chuyển, lưu thông. Hiện nay việc lưu thông giữa các thôn xóm, liên tỉnh… vẫn còn có khó khăn nhất định cần phải được tháo gỡ. Trong tháng 8, chúng tôi đã khuyến cáo người dân xuống giống với mật độ thưa, kéo dài thời gian nuôi. Những giải pháp kỹ thuật đó để người dân vẫn thả giống duy trì nguồn nguyên liệu cho các nhà máy một cách liên tục, không bị đứt quãng”, lãnh đạo Tổng cục Thủy sản thông tin.

Ngành tôm Việt Nam, bên cạnh những sản phẩm sơ chế, cũng có những sản phẩm giá trị gia tăng có vị thế trên thị trường. Chính vì vậy nguồn cung nguyên liệu tươi mới cho các sản phẩm giá trị gia tăng cần được sớm phục hồi và duy trì.

Chia sẻ về công tác phòng chống dịch bệnh, quản lý chất lượng thủy sản, ông Trần Đình Luân cho biết, năm 2021, do không thể di chuyển thuận lợi nên công tác chỉ đạo sản xuất gặp nhiều khó khăn.

Chính vì vậy, Tổng cục Thủy sản đã tăng cường các hoạt động chỉ đạo từ xa qua các cuộc họp, hướng dẫn trực tuyến để các địa phương nắm được tinh thần chung, kịp thời xử lý những tình huống bất ngờ, không để đứt gãy nguồn cung và tiếp tục duy trì sản xuất.

Bên cạnh đó, Tổng cục cũng giữ liên lạc để nắm bắt thường xuyên tình hình thực tế và có những hướng dẫn kĩ thuật, kết nối đến tận xã, đến người nuôi tại các địa phương. Đặc biệt là công tác dự báo, khuyến cáo về môi trường, thời tiết để giải thiểu rủi ro trong sản xuất, tối ưu chi phí.

“Công tác hướng dẫn, chỉ đạo luôn được duy trì một cách thường xuyên. Đối với mỗi địa phương khác nhau lại có những tình huống khác nhau. Trong bối cảnh dịch bệnh như hiện nay, việc Tổng cục đưa ra những hướng dẫn xử lý tình huống một cách tốt nhất tới các địa phương, doanh nghiệp để việc sản xuất thông suốt đang được triển khai hàng ngày”, ông Trần Đình Luân chia sẻ.

Tác giả: Phạm Hiếu

Nguồn tin: Nongnghiep.vn