Tăng cường thực hiện giải pháp để nuôi tôm nước lợ thành công

Hiện tại, tỉnh Sóc Trăng đã thả nuôi tôm nước lợ hơn 50.129/51.000ha, đạt trên 98% kế hoạch và bằng 94% so cùng kỳ, trong đó diện tích tôm thẻ chân trắng hơn 37.399ha, tôm sú hơn 12.730ha. Diện tích tôm nuôi thiệt hại 2.116ha (thấp hơn 580ha so với cùng kỳ), chiếm 4,2% diện tích thả nuôi. Nguyên nhân thiệt hại chủ yếu do bệnh đốm trắng, yếu tố môi trường, bệnh gan tụy, vi bào tử trùng và phân trắng…

Theo thống kê của ngành Nông nghiệp tỉnh, diện tích thu hoạch tôm nuôi nước lợ trên địa bàn tỉnh hơn 37.711ha, chiếm tỷ lệ hơn 75% diện tích thả nuôi, sản lượng hơn 206.700 tấn (tôm thẻ chân trắng hơn 184.500 tấn, tôm sú hơn 22.200 tấn), thấp hơn 2,3% so với sản lượng tôm cùng kỳ. Hiện nay, tôm trên đồng còn khoảng 10.302ha.

Đồng chí Lư Tấn Hòa – Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Sóc Trăng cho biết: “Vụ nuôi tôm nước lợ năm nay tiến độ thả chậm so với năm 2022, đạt trên 92% so với kế hoạch. Nguyên nhân là do đầu năm độ mặn trên các tuyến sông đến trễ; giá tôm nguyên liệu liên tục giảm… trong khi chi phí vật tư đầu vào, như: thức ăn, giống, sản phẩm xử lý cải tạo môi trường tăng cao. Bên cạnh đó, hộ nuôi tôm khó tiếp cận nguồn vốn vay từ các tổ chức tín dụng để cải tạo, đầu tư chuyển đổi mô hình do hầu hết các hộ nuôi nhỏ lẻ không còn tài sản thế chấp. Việc liên kết tiêu thụ sản phẩm còn nhiều hạn chế, phần lớn hộ nuôi tôm có quy mô nuôi nhỏ lẻ, không đủ sản lượng để được công ty thu mua tại ao, nên phải bán tôm thông qua thương lái. Môi trường và chất lượng nước phục vụ nuôi trồng thủy sản chưa đảm bảo, làm tăng thêm chi phí xử lý môi trường, dịch bệnh, từ đó làm giảm lợi nhuận sản xuất, tăng rủi ro”.

Hiện diện tích thu hoạch tôm nuôi nước lợ trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng hơn 37.711/51.000ha kế hoạch thả nuôi. Ảnh: THÚY LIỄU

Trước khó khăn chung của mùa vụ nuôi tôm năm 2023, đồng chí Mã Chí Thọ – Trưởng Phòng Kinh tế thị xã Vĩnh Châu thông tin, hiện nay trên địa bàn thị xã Vĩnh Châu đã thu hoạch tôm nuôi với diện tích 19.000ha, đạt sản lượng trên 85.000 tấn, còn 6.000ha đang nuôi và thả mới. Để hỗ trợ cho hộ nuôi tôm trong tình hình giá tôm nuôi giảm, giá thức ăn tăng… đơn vị đã triển khai các giải pháp tập trung theo dõi sát tình hình thả nuôi, cũng như khuyến cáo hộ dân thả nuôi tôm rải vụ và quan tâm tình hình diễn biến thời tiết; thả nuôi mật độ phù hợp, vừa phải; cố gắng tích lũy vốn để mua sản phẩm vật tư đầu vào. Cùng với đó, mở các lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật đến hộ nuôi. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, quản lý thức ăn cung cấp cho tôm nuôi trên địa bàn thị xã.

Để mùa vụ nuôi tôm nước lợ trên địa bàn tỉnh đạt kế hoạch đề ra, theo đồng chí Huỳnh Ngọc Nhã – Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Sóc Trăng, ngành Nông nghiệp tỉnh sẽ tiếp tục triển khai có hiệu quả Luật Thủy sản năm 2017, đặc biệt là đẩy nhanh tiến độ công tác cấp giấy đăng ký đối tượng nuôi chủ lực, lồng bè theo Nghị định số 26/2019/NĐ-CP, ngày 8/3/2019 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Thủy sản. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra nhằm ngăn chặn kịp thời và xử lý nghiêm những hành vi vi phạm pháp luật về sản xuất, kinh doanh hàng hóa lĩnh vực vật tư thủy sản, không đảm bảo chất lượng. Phát huy vai trò của các tổ hợp tác, hợp tác xã trong việc tập trung, hợp tác thành các vùng sản xuất nguyên liệu lớn theo các quy chuẩn sản xuất có trách nhiệm, an toàn như: VietGAP, GlobalGAP, ASC, BAP… để nâng cao chất lượng sản phẩm; đồng thời kết nối với các doanh nghiệp cung ứng vật tư đầu vào gắn với thị trường tiêu thụ, theo chuỗi giá trị để hạ giá thành và đảm bảo đầu ra cho sản phẩm.

Song song đó, ngành Nông nghiệp tỉnh sẽ không ngừng đổi mới công tác tuyên truyền về hình thức, nội dung và phương pháp chuyển giao khoa học kỹ thuật đến người nuôi thủy sản kịp thời, hiệu quả. Thực hiện công tác xây dựng và triển khai nhân rộng các mô hình nuôi mới, các giải pháp, công nghệ nuôi thích ứng với điều kiện biến đổi khí hậu. Tăng cường công tác quan trắc, cảnh báo môi trường các vùng nuôi tôm tập trung, để kịp thời đưa ra những cảnh báo, khuyến cáo nhằm giúp người nuôi tôm hạn chế thấp nhất thiệt hại khi thời tiết bất lợi. Nâng cao nhận thức về chuyển đổi số, cũng như khuyến khích người nuôi tôm áp dụng công nghệ số vào sản xuất.

Thúy Liễu

Báo Sóc Trăng

Tin mới nhất

T6,22/11/2024