Quảng Trị: Cảnh báo nguy cơ bùng phát dịch bệnh trên tôm nuôi

Theo thống kê của Chi cục Chăn nuôi và Thú y, từ đầu năm đến nay dịch bệnh trên tôm nuôi đã xảy ra tại 3 huyện Vĩnh Linh, Gio Linh, Triệu Phong và thành phố Đông Hà (tỉnh Quảng Trị) với tổng diện tích 56,76 ha. Tuy nhiên, đáng lưu ý là đa số các hộ nuôi tôm khi phát hiện tôm nuôi bị bệnh đã tự xử lý mà không báo cáo với cơ quan chuyên môn, dẫn đến tiềm ẩn nguy cơ bùng phát và lây lan dịch bệnh trên diện rộng, gây thiệt hại lớn cho người nuôi tôm.

Kiểm tra sức khỏe tôm nuôi trong ao – Ảnh: L.A

Mặc dù đã có kinh nghiệm nuôi tôm khá dày dạn và áp dụng nhiều biện pháp phòng ngừa bệnh nhưng vụ nuôi tôm năm nay dịch bệnh hoại tử gan tụy cấp tính vẫn làm các thành viên của Hợp tác xã (HTX) Phan Hiền, xã Vĩnh Sơn, huyện Vĩnh Linh thiệt hại khá nặng nề. Trong tổng số 76 ha diện tích nuôi tôm của HTX đã có hơn 48 ha bị nhiễm bệnh. Tuy nhiên, điều đáng nói là thay vì báo cho cơ quan chuyên môn để lấy mẫu xét nghiệm xác định nguyên nhân gây bệnh và nhận hỗ trợ hóa chất xử lý dập dịch thì các hộ nuôi tôm đã tự xử lý bằng cách xả bỏ toàn bộ. Ông Trần Văn Dụng, Phó Giám đốc HTX Phan Hiền cho biết, nguyên nhân là do năm 2020, khi tôm nuôi bị bệnh, để được nhận hỗ trợ hóa chất xử lý dập dịch, thẩm định dịch bệnh hỗ trợ sản xuất…người nuôi tôm phải gửi mẫu bệnh phẩm ra Chi cục Thú y vùng III tại tỉnh Nghệ An để xác định bệnh. Việc này vừa gây tốn kém chi phí cho người nuôi tôm, vừa kéo dài thời gian xác định tác nhân gây bệnh. Bình quân từ khi phát hiện tôm nuôi bị bệnh đến khi được nhận hóa chất phải mất từ 7 – 12 ngày. Do vậy, vụ nuôi năm nay, khi phát hiện tôm nuôi bị bệnh hầu hết các hộ nuôi tôm đều tự xử lý và xả bỏ toàn bộ ao nuôi ra môi trường. Sau đó, tiến hành cải tạo ao nuôi và thả nuôi lại lứa khác.

Chủ tịch UBND xã Vĩnh Sơn Thân Trọng Dũng cho biết, trong tổng số gần 160 ha diện tích nuôi tôm toàn xã đã có hơn 50 ha bị thiệt hại do dịch bệnh hoại tử gan tụy cấp tính và đốm trắng. Ước thiệt hại khoảng 4 – 5 tỉ đồng. Dịch bệnh xảy ra trên tôm nuôi sau khi thả giống từ 30 – 35 ngày, gây bệnh trên cả 2 đối tượng nuôi là tôm sú và tôm thẻ chân trắng. Nguyên nhân được xác định là do thời tiết diễn biến bất thường, nắng nóng gay gắt kéo dài làm các yếu tố môi trường trong ao nuôi thay đổi; mầm bệnh tiềm ẩn trong con giống, môi trường… nên khi gặp thời tiết bất lợi đã làm dịch bệnh bùng phát. Trao đổi với chúng tôi về việc người dân khi phát hiện tôm nuôi bị nhiễm bệnh không báo cáo cơ quan chuyên môn mà tự xử lý, ông Dũng thông tin, do vụ nuôi năm 2020, để được hỗ trợ hóa chất, người nuôi tôm phải mang mẫu bệnh phẩm ra Chi cục Thú y vùng III tại tỉnh Nghệ An để xác định bệnh. Bên cạnh đó, do sau các đợt mưa lũ cuối năm 2020 vừa qua, địa phương được hỗ trợ hơn 16 tấn Chlorine để tiêu độc, khử trùng, ngăn chặn và hạn chế sự phát sinh, lây lan của dịch bệnh tại các vùng nuôi tôm. Toàn bộ số hóa chất này đã được cấp phát đến từng hộ nuôi tôm tùy theo diện tích. Do vậy, khi phát hiện tôm nuôi bị bệnh, các hộ đã tự xử lý bằng số hóa chất được cấp phát này. “UBND xã đã chỉ đạo các HTX, các tổ nuôi tôm cộng đồng tăng cường tuyên truyền, vận động các hộ nuôi tôm tập trung chăm sóc những diện tích còn lại. Khi phát hiện dịch bệnh phải báo ngay cho chính quyền địa phương và cơ quan chuyên môn để được hỗ trợ, hướng dẫn xử lý dập dịch đúng phương pháp. Tuyệt đối không được tự xử lý hay xả nước trong các ao nuôi bị bệnh ra môi trường để tránh lây lan. Đối với những diện tích bị thiệt hại do dịch bệnh, trước khi thả nuôi lại phải cải tạo ao nuôi đúng kỹ thuật, tôm giống phải được kiểm dịch và thả nuôi với mật độ thưa… để tôm nuôi phát triển nhanh, đảm bảo thu hoạch trong tháng 8 (âm lịch) để tránh thiệt hại do mưa lũ”, ông Dũng thông tin thêm.

Theo thống kê của Chi cục Chăn nuôi và Thú y (CN&TY), trong tổng số hơn 907 ha tôm nước lợ toàn tỉnh, đến nay đã có hơn 56,76 ha diện tích nuôi tôm tại các huyện Vĩnh Linh, Gio Linh, Triệu Phong và thành phố Đông Hà bị chết do dịch bệnh. Điều đáng nói là trong đó chỉ có 4,09 ha được xác định bị bệnh hoại tử gan tụy cấp tính, số diện tích còn lại khi xảy ra hiện tượng tôm chết các hộ nuôi đã tự xử lý mà không báo cáo với cơ quan chuyên môn. Phó Chi cục trưởng Chi cục CN&TY Trần Hoãn cho biết, qua nắm bắt tình hình, tại huyện Vĩnh Linh hiện tượng tôm chết chủ yếu xảy ra tại xã Vĩnh Sơn, tuy nhiên do năm 2020 địa phương được hỗ trợ hóa chất Chlorine từ nguồn trung ương nên khi hiện tượng tôm chết xảy ra, các hộ nuôi đã sử dụng số hóa chất này để xử lý dập dịch mà không lấy mẫu xét nghiệm xác định nguyên nhân gây bệnh cũng như không báo cáo với chính quyền địa phương và cơ quan chuyên môn. Với diện tích 4,09 ha được xác định bị bệnh hoại tử gan tuy cấp tính, Chi cục CN&TY đã kịp thời cấp 1.848 kg hóa chất Chlorine hỗ trợ hộ nuôi dập dịch nhằm ngăn chặn và hạn chế sự lây lan của dịch bệnh.

Hiện nay đang là vụ nuôi tôm chính, diện tích thả nuôi lớn. Với tính chất nguy hiểm, khả năng lây lan nhanh của dịch bệnh cộng với thời tiết nắng nóng gay gắt, môi trường nước biến động lớn, sức đề kháng giảm thì việc các hộ nuôi tôm khi dịch bệnh xảy ra không báo cáo, không phối hợp với cơ quan chức năng để lấy mẫu, gửi mẫu xét nghiệm nhằm xác định tác nhân gây bệnh để nhận hóa chất hỗ trợ xử lý dập dịch theo đúng kỹ thuật mà tự xử lý và xả thải trực tiếp ra môi trường không những làm các ao nuôi xung quanh bị ảnh hưởng mà còn làm tăng nguy cơ lây lan dịch bệnh cho các vùng nuôi khác. Để hạn chế ảnh hưởng của dịch bệnh trên tôm nuôi, Phó Chi cục trưởng Chi cục CN&TY Trần Hoãn đề nghị các địa phương cần tăng cường chỉ đạo các tổ nuôi tôm cộng đồng, các hộ nuôi thủy sản khi dịch bệnh xảy ra cần báo cáo ngay với chính quyền địa phương và cơ quan chức năng để lấy mẫu gửi xét nghiệm xác định nguyên nhân gây bệnh. Tuyệt đối không được xả thải ra môi trường khi chưa được xử lý dập dịch theo quy định. Đối với những hộ đang có tôm nuôi trong ao cần theo dõi chặt chẽ tình hình sức khỏe tôm nuôi, thường xuyên kiểm tra các yếu tố thủy lý, thủy hóa trong ao; bổ sung thêm vitamin và khoáng chất để tăng cường sức đề kháng cho tôm nuôi. Dùng lưới rào chắn xung quanh ao để ngăn chặn các loài giáp xác mang mầm bệnh vào ao; xử lý nước trước khi cấp vào ao nuôi. Không nên thả nuôi mới khi các ao nuôi xung quanh đang bị bệnh. Đẩy mạnh áp dụng các quy trình kỹ thuật tiên tiến như nuôi tôm 2 – 3 giai đoạn, nuôi ít thay nước để hạn chế dịch bệnh.

Trao đổi với chúng tôi về việc để được nhận hỗ trợ hóa chất dập dịch người nuôi tôm phải gửi mẫu ra Chi cục Thú y vùng III tại tỉnh Nghệ An để xác định bệnh, dẫn đến vừa tốn kém chi phí vừa kéo dài thời gian dập dịch, ông Trần Hoãn thông tin, để chủ động trong công tác phòng, chống dịch bệnh kịp thời, có hiệu quả, ngăn chặn và hạn chế sự lây lan của dịch bệnh, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho người nuôi tôm trong vụ nuôi thủy sản 2021, Sở Nông nghiệp và PTNT đã có công văn số 773/SNN-KHTC ngày 28/4/2021 về việc công nhận kết quả xét nghiệm bệnh trên động vật thủy sản. Theo đó, để đủ điều kiện nhật hóa chất hỗ trợ dập dịch hoặc tham khảo, đánh giá tình hình sức khỏe tôm nuôi, các hộ nuôi có thể gửi mẫu bệnh phẩm đến Chi cục CN&TY Quảng Trị để xét nghiệm. Kết quả xét nghiệm mẫu bệnh phẩm của Chi cục CN&TY được sử dụng để làm thủ tục nhận hóa chất hỗ trợ dập dịch thủy sản bị bệnh nếu mẫu bệnh phẩm dương tính với các bệnh nằm trong danh mục các bệnh nguy hiểm phải công bố dịch. “Do vậy, với các bệnh thường gặp ở tôm nuôi trên địa bàn tỉnh như bệnh đốm trắng, bệnh hoại tử gan tụy cấp tính… đều được sử dụng kết quả xét nghiệm của Chi cục CN&TY tỉnh để làm thủ tục nhận hóa chất hỗ trợ dập dịch”, ông Trần Hoãn khẳng định.

Nguồn tin: Báo Quảng Trị