Quảng Ninh: Chủ động các biện pháp chống nóng cho tôm nuôi

Quạt nước, sục khí, bổ sung khoáng chất, che bạt ao nuôi… là những biện pháp mà nông dân đang tăng cường thực hiện để chống nóng cho tôm, đảm bảo mùa vụ thành công.

Nông dân phường Yên Hải (TX Quảng Yên) sử dụng các loại thức ăn chất lượng cao để tăng cường sức đề kháng cho tôm. Ảnh: Phạm Tăng

 

Nhiều hộ nuôi tôm ở Tiên Yên vẫn còn nhớ bài học năm 2015 khi chưa chủ động chống nóng cho tôm nuôi, dẫn đến thiệt hại kinh tế lớn. Khi đó toàn huyện có khoảng 80/1.335ha nuôi tôm bị chết do nắng nóng, nhiều diện tích tôm không lớn được, khiến nông dân bị thua lỗ nặng nề. Chính vì vậy, thời điểm này các hộ nuôi tôm của huyện đang tích cực thực hiện những biện pháp chống nóng cho các ao, đầm nuôi tôm.

Anh Bùi Khắc Tiến (thôn Bình Minh, xã Hải Lạng, huyện Tiên Yên) cho biết: Gia đình tôi bắt đầu nuôi tôm từ năm 2016, tới nay đã phát triển lên thành 7 ao nuôi. Tháng 3 vừa qua tôi đã thả 22 vạn con tôm giống. Mấy hôm nay trời nóng, cả nhà như ngồi trên đống lửa vì lo tôm chết. Mặc dù ngay từ khi mới nuôi tôm, tôi đã đầu tư hệ thống chống nóng bằng các nhà kín khung thép, tấm lợp bằng nhựa trắng, phủ lưới chống nóng tốn gần 1 tỷ đồng, nhưng khi nhiệt độ tăng cao, nếu không sử dụng nhiều biện pháp, tôm vẫn có thể chết.

Hiện nay, để chống nóng cho tôm nuôi, hầu hết các hộ ở Tiên Yên nói riêng và trên địa bàn Quảng Ninh nói chung đều áp dụng phương pháp nuôi ao vèo, gồm hệ thống ao xây dựng bằng bê tông được lót bạt phủ đáy để dễ vệ sinh khử độc khi hết vụ nuôi và chống nóng tốt. Các ao còn được đầu tư hệ thống quạt nước rất quy mô để làm mát nước.

Như khu nuôi trồng thủy sản của gia đình anh Đỗ Quang Huy (xã Vạn Ninh, TP Móng Cái) được đầu tư quy mô lớn để nuôi tôm theo hình thức công nghiệp từ năm 2013. Mỗi năm anh Huy nuôi 2 vụ, mỗi vụ thả hơn 50 vạn con tôm giống, thu hoạch từ 15-17 tấn tôm thương phẩm/vụ. Để chống nóng cho tôm nuôi, anh Huy phải liên tục thực hiện nhiều biện pháp. Cơ bản là cấp nước đầy đủ và duy trì mực nước trong ao nuôi luôn trên 1,4m; quạt nước liên tục giúp xáo trộn nước, tránh hiện tượng phân tầng nhiệt trong ao nuôi. Cùng với đó, tiến hành khử trùng ao nuôi bằng viên sủi để tăng sức đề kháng cho tôm, hạn chế dịch bệnh.

Anh Vũ Văn Cảo (khu Điền Công 1, phường Trưng Vương, TP Uông Bí) kiểm tra chất lượng tôm nuôi.

Anh Vũ Văn Cảo (khu Điền Công 1, phường Trưng Vương, TP Uông Bí) kiểm tra chất lượng tôm nuôi. Ảnh: Thu Trang

 

Một số hộ nuôi tôm trong tỉnh đã đầu tư hệ thống chống nóng bằng các nhà kín khung thép, tấm lợp bằng nhựa trắng hoặc phủ lưới chống nóng. Đây là một trong những biện pháp chống nóng hiệu quả nhất cho tôm, tuy nhiên chi phí lớn, nên không phải hộ nuôi nào cũng thực hiện được.

Vì vậy, nhiều hộ nuôi quy mô nhỏ tiếp tục áp dụng các biện pháp thông thường, đỡ tốn kém hơn, như: Điều chỉnh mực nước trong ao lên 1,2-1,5m; thay nước liên tục và tăng cường quạt nước, nhằm khuấy đảo nước, đảm bảo cân bằng nhiệt độ, độ mặn và ôxy ở lớp nước mặt và lớp nước dưới…

Một số hộ còn thả bèo tây trên mặt ao (khoảng 1/3 diện tích) để làm chỗ trú mát cho tôm. Việc sử dụng những loại thức ăn chất lượng cao, thường xuyên bổ sung các loại vitamin, khoáng chất vào thức ăn cũng rất cần thiết để tăng cường sức đề kháng cho tôm.

Ở một số địa phương như TX Quảng Yên, việc đảm bảo phòng chống dịch bệnh, nhất là chống nóng cho tôm đã được địa phương khuyến cáo người dân ngay từ đầu năm. Được biết, các hộ đã nuôi thả trên 500 triệu tôm giống trong vụ xuân hè năm 2021. Vì vậy, TX Quảng Yên đã ban hành nhiều văn bản hướng dẫn chỉ đạo các xã, phường quan tâm đến công tác triển khai nuôi trồng thủy sản phù hợp với tình hình thực tế.

Bên cạnh đó, hướng dẫn cụ thể công tác cải tạo ao đầm đối với từng đối tượng nuôi, khung thời vụ nuôi. Khuyến cáo người nuôi thường xuyên theo dõi diễn biến điều kiện thời tiết, tình trạng sức khỏe thủy sản nuôi và các yếu tố môi trường, nhằm phát hiện kịp thời những hiện tượng bất thường để có biện pháp xử lý phù hợp.

Hộ nuôi tại xã Quảng Thành, huyện Hải Hà sử dụng nhà kín khung thép, tấm lợp bằng nhựa trắng hoặc phủ lưới chống nóng cho tôm.

Hộ nuôi tại xã Quảng Thành, huyện Hải Hà sử dụng nhà kín khung thép, tấm lợp bằng nhựa trắng hoặc phủ lưới chống nóng cho tôm.

Theo thống kê của Sở NN&PTNT, năm 2021, tổng diện tích nuôi tôm toàn tỉnh ước đạt khoảng 10.000ha. Từ đầu tháng 5 đến nay, thời tiết nắng nóng liên tục kéo dài, đặc biệt có những ngày nhiệt độ lên tới trên 35 độ C, kéo dài hơn 12 tiếng/ngày.

Theo dự báo của cơ quan chuyên môn, mùa hè năm nay thời tiết nắng nóng vẫn còn tiếp tục kéo dài, nắng nóng đặc biệt gay gắt với nền nhiệt cao phổ biến từ 37-39 độ C, có nơi trên 40 độ C. Bên cạnh đó, đã xuất hiện dịch bệnh trên tôm nuôi. Trong 5 tháng đầu năm, toàn tỉnh đã có 24,61ha nuôi tôm bị dịch bệnh. Nguyên nhân tôm chết chủ yếu do dịch bệnh hoại tử gan tụy cấp tính (AHPNS) và bệnh đốm trắng do vi rút (WSSV).

Để đảm bảo chất lượng tốt nhất cho vụ tôm nuôi năm nay, Chi cục Thủy sản khuyến cáo, các hộ nuôi nên tiến hành thả gối, không tập trung xuống giống vào 1 thời điểm để kiểm soát rủi ro tốt hơn. Bên cạnh đó, các hộ nên chủ động dự trữ nguồn nước để kịp thời bổ sung cho các ao nuôi vào những ngày nắng nóng.

Người dân cũng nên tính toán lượng thức ăn hợp lý, tránh dư thừa thức ăn gây lãng phí, ô nhiễm môi trường khu vực nuôi, bổ sung chất khoáng, vitamin, thuốc phòng bệnh vào trong khẩu phần ăn, nhằm nâng cao sức đề kháng cho vật nuôi. Ngoài ra, các hộ nuôi cần khoanh vùng tôm nhiễm bệnh, thu hoạch tôm khỏe để tránh lây lan dịch bệnh. Thường xuyên kiểm tra, vệ sinh khu vực nuôi, khi thủy sản nuôi có dấu hiệu bất thường báo và báo cáo ngay cho cơ quan chuyên môn để xác định nguyên nhân và kịp thời xử lý.

Hoàng Quỳnh

Tin mới nhất

T6,22/11/2024