Quản lý an toàn sinh học: Yếu tố then chốt phòng ngừa tận gốc EHP

[Người Nuôi Tôm] – Các nghiên cứu gần đây đã chỉ ra rằng, việc can thiệp vào quá trình sinh học phân tử của mầm bệnh EHP có thể là một chiến lược hiệu quả để kiểm soát bệnh. Công nghệ sinh học sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc hiện thực hóa tiềm năng này.

Nâng cao an toàn sinh học là biện pháp then chốt phòng ngừa được EHP

 

Quản lý hiệu quả EHP chủ yếu dựa vào các biện pháp an toàn sinh học và thực hành quản lý tốt trong trang trại. Đầu tiên, việc lựa chọn nguồn giống sạch để cung cấp trứng và ấu trùng là rất quan trọng nhằm ngăn chặn sự xâm nhập của mầm bệnh vào hệ thống nuôi. Tuân thủ nghiêm ngặt các quy trình an toàn sinh học và quản lý ao nuôi, như khử trùng bằng clo, khử clo trong nước, bón vôi, phơi khô và cày xới… để phòng ngừa nhiễm EHP. Bởi vì, một khi bào tử đã xuất hiện trong ao, việc loại trừ bệnh sẽ trở nên vô cùng khó khăn.

Việc ức chế sự phát triển của bào tử EHP là một phương pháp hiệu quả để kiểm soát nhiễm bệnh. Bào tử có thể được vô hiệu hóa bằng cách đun nóng ở 75 °C hoặc đông lạnh ở −20 °C. Ngoài ra, xử lý ao bằng vôi sống (CaO) trước khi thả giống cũng rất có lợi, vì pH thấp có khả năng tiêu diệt bào tử. Một nghiên cứu cho thấy, khi bào tử được ủ ở các mức pH 4, 7 và 9, tỷ lệ nảy mầm lần lượt là 5%, 10% và 90%.

Tôm nuôi nên được kiểm tra EHP thường xuyên bằng các kỹ thuật phân tử. Cần lấy mẫu từ nhiều vị trí khác nhau trong ao, vì mức độ nhiễm trùng có thể không đồng đều. Phương pháp eDNA có thể được áp dụng bằng cách lấy mẫu nước và đất để xác định sự hiện diện của EHP. Kỹ thuật này giúp tiết kiệm thời gian trong việc thu thập và xử lý mẫu, vì không cần phải xử lý động vật.

Tăng cường hệ miễn dịch cho tôm là một cách hiệu quả để kiểm soát dịch bệnh trong nuôi trồng thủy sản. Các phụ gia thức ăn chứa kẽm và selen có thể cải thiện sức khỏe miễn dịch của tôm, trong đó kẽm giúp nhanh chóng chữa lành vết thương. Tôm là động vật không xương sống, chủ yếu dựa vào hệ miễn dịch bẩm sinh để chống lại các bệnh như vi bào tử trùng gan tụy (HPM) và hoại tử gan tụy cấp tính (AHPND)… Phát triển trí nhớ miễn dịch bẩm sinh xuyên thế hệ ở tôm có thể giúp thế hệ sau có khả năng chống lại bệnh truyền nhiễm tốt hơn. Việc tiếp xúc sớm với vi khuẩn sống, vi khuẩn chết hoặc protein virus đã được chứng minh là cải thiện khả năng bảo vệ trong các đợt nhiễm trùng thứ cấp và tăng tỷ lệ sống sót cho tôm.

Gần đây, một nghiên cứu đã tạo ra trí nhớ miễn dịch bẩm sinh xuyên thế hệ ở tôm ngâm nước muối (Artemia franciscana) để chống lại các bệnh nhiễm trùng do Vibrio. Trong nghiên cứu, một thế hệ cha mẹ được tiếp xúc với Vibrio parahaemolyticus sống hoặc chết, trong khi một thế hệ khác tiếp xúc với Vibrio campbellii sống hoặc chết. Kết quả cho thấy, con cái của các cha mẹ được kích thích có trí nhớ miễn dịch bẩm sinh mạnh mẽ hơn so với con cái của cha mẹ đối chứng, giúp chúng phòng vệ tốt hơn trước các bệnh nhiễm trùng Vibrio trong tương lai. Việc nâng cao khả năng miễn dịch này có thể hỗ trợ quan trọng cho việc kiểm soát bệnh tật và phát triển nuôi trồng thủy sản bền vững.

Vaccine và thuốc kích thích miễn dịch là biện pháp phòng ngừa nhằm tăng cường hệ miễn dịch của vật chủ. Tôm chỉ có hệ miễn dịch bẩm sinh, không có hệ miễn dịch thích ứng, nên phát triển vaccine cho chúng là việc tốn thời gian và chi phí. Trong khi đó, thuốc kích thích miễn dịch là hóa chất giúp tăng cường khả năng phòng thủ không đặc hiệu của tôm chống lại vi sinh vật xâm nhập. Do đó, thuốc kích thích miễn dịch là giải pháp hứa hẹn để quản lý sức khỏe tôm, khắc phục hạn chế của vaccine và cải thiện khả năng miễn dịch của chúng. Thuốc kích thích miễn dịch được ưa chuộng hơn kháng sinh trong nuôi tôm vì kháng sinh có thể gây dị ứng, độc tính và kháng thuốc ở người. Thuốc kích thích miễn dịch không để lại dư lượng độc hại và dễ sử dụng cho ấu trùng và tôm. Để kiểm soát bệnh hiệu quả, cần chiến lược tích hợp nâng cao hiểu biết về khả năng miễn dịch của tôm.

Mặc dù chưa có bằng chứng cho thấy EHP lây nhiễm cho động vật khác ngoài tôm, việc phát hiện EHP ở tôm vẫn rất quan trọng cho sức khỏe con người. Tôm nhiễm bệnh thường không có triệu chứng rõ ràng trong thời gian ngắn và tôm khỏe mạnh có thể bị lây nhiễm khi sống chung với tôm bệnh. Các xét nghiệm sinh hóa và phân tích 16S rRNA được đề xuất là phương pháp chẩn đoán hiệu quả để theo dõi sự thay đổi của hệ vi sinh vật đường ruột tôm và tình trạng sức khỏe, từ đó đảm bảo an toàn thực phẩm. Vì vậy, phát triển phương pháp phát hiện EHP ở tôm, đặc biệt trong giai đoạn đầu của nhiễm trùng là rất cần thiết.

Nghiên cứu gần đây cho thấy virus có thể lây truyền sang tôm nuôi qua sản phẩm đông lạnh, nhưng không có bằng chứng dịch tễ học liên quan đến đợt bùng phát bệnh tôm ở trang trại hay tự nhiên. Mặc dù chưa có chứng minh bệnh tôm lây sang người tiêu thụ nhưng vẫn cần thực hiện các biện pháp phòng ngừa để đảm bảo an toàn thực phẩm. Do đó, điều tra các con đường lây truyền EHP từ tôm sang người là rất quan trọng để đánh giá tính an toàn của chuỗi cung ứng này.

Có thể thấy, EHP đã trở thành một trong những bệnh nhiễm trùng quan trọng nhất ở châu Á, gây HPM ở tôm chân trắng Penaeus vannamei. Bệnh này ảnh hưởng lớn đến hoạt động nuôi tôm và tính bền vững của sản xuất, đòi hỏi sự cân bằng giữa môi trường, phòng ngừa bệnh qua chẩn đoán và khảo sát dịch tễ học.

Hiện nay chưa có phương pháp điều trị EHP, do đó, phòng ngừa là biện pháp tốt nhất, đặc biệt khi chưa có liệu pháp hiệu quả về chi phí cho các trang trại. Nghiên cứu này sẽ giúp hiểu rõ hơn về EHP, chẩn đoán và phác đồ điều trị, từ đó nâng cao chất lượng môi trường và an toàn thực phẩm. Cần tuân thủ các hướng dẫn quản lý trong nuôi tôm và nghiên cứu sâu về chẩn đoán nhiễm EHP để đảm bảo an toàn thực phẩm và ngăn ngừa lây truyền sang người.

__

Tài liệu tham khảo

Enterocytozoon hepatopenaei Infection in Shrimp: Diagnosis, Interventions, and Food Safety Guidelines; Thenmoli Govindasamy, Subha Bhassu and Chandramathi Samudi Raju

Hiểu Lam (Lược dịch)

Tin mới nhất

T6,24/01/2025