Nuôi trồng thủy sản năm 2025: Chọn con tôm công nghệ cao làm khâu đột phá

Khép lại năm 2024 cũng là lúc ngành Nông nghiệp và các địa phương nhìn nhận lại hiệu quả hoạt động nuôi trồng thủy sản (NTTS) trong năm qua để dồn sức nhiều hơn nữa cho thế mạnh đặc thù hàng đầu này.

 

Đứng đầu về sản lượng

Năm qua, Bạc Liêu đã quan tâm chỉ đạo sản xuất và thế mạnh NTTS tiếp tục được giữ vững với diện tích canh tác hơn 136.710ha, đạt 100,04% kế hoạch. Trong đó, diện tích nuôi tôm 132.663ha, đạt 100,07% kế hoạch. Với nhiều loại hình sản xuất đa dạng, mang lại lợi ích kinh tế và giá trị sản xuất thủy sản cao phải kể đến các mô hình nuôi tôm siêu thâm canh, thâm canh, bán thâm canh (STC, TC, BTC) 32.987ha, đạt 112,2% kế hoạch và tăng 113,14% so với cùng kỳ, đặc biệt mô hình tôm – lúa được giữ vững với 46.854ha. Nếu so với cả nước thì năm 2024 Bạc Liêu đứng đầu với sản lượng NTTS 432.172 tấn (tôm 305.300 tấn, cá và thủy sản khác 126.872 tấn), trong khi các tỉnh thế mạnh khác như Cà Mau chỉ đạt 410.000 tấn, hay Sóc Trăng chỉ đạt 310.000 tấn.

Điều đáng ghi nhận trong NTTS năm qua là mô hình sản xuất sạch, hữu cơ, ứng dụng công nghệ cao đã được nhiều công ty, doanh nghiệp ứng dụng. Đến nay, Bạc Liêu có 6 công ty, doanh nghiệp được Bộ NN&PTNT, UBND tỉnh cấp Giấy chứng nhận doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và có 23 doanh nghiệp, HTX và 316 hộ dân được chứng nhận các tiêu chuẩn quốc tế (BAP, GlobalGAP, ASC…), 5 tổ chức được chứng nhận sản phẩm hữu cơ (tăng 5 đơn vị so với năm 2023)…

Cải tạo ao vuông cho nuôi tôm công nghiệp

 

Để đạt được những kết quả quan trọng trên là do các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng đã được tỉnh và các bộ, ngành Trung ương quan tâm đầu tư như: Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao phát triển tôm Bạc Liêu, giao thông, điện, thủy lợi phục vụ NTTS tại các vùng sản xuất tập trung của tỉnh. Việc nghiên cứu, ứng dụng tiến bộ khoa học – công nghệ vào ngành tôm đã có bước phát triển mạnh mẽ và trình độ kỹ thuật của người nuôi ngày càng được nâng cao. Nhiều mô hình sản xuất hiệu quả, bền vững được áp dụng vào sản xuất như: Nuôi tôm STC ứng dụng công nghệ cao, NTTS có chứng nhận (VietGAP, GlobalGAP, ASC hoặc Organic…), mô hình tôm – lúa… đã đem lại hiệu quả cho người nuôi tôm.

Mặt khác, số lượng nhà máy chế biến trên địa bàn tỉnh tương đối nhiều so với các tỉnh, thành nuôi tôm trọng điểm cả nước. Hầu hết các nhà máy chế biến tôm được đầu tư tương đối đồng bộ với dây chuyền hiện đại (hấp, cấp đông siêu tốc…) và dây chuyền sản xuất bán tự động đến tự động (rửa, phân cỡ, cân, mạ băng, đóng gói, vận chuyển sản phẩm…) gắn với công nghệ chế biến đạt tiêu chuẩn chất lượng và vệ sinh an toàn thực phẩm khi đưa ra thị trường tiêu thụ và xuất khẩu.

Ngoài ra, Bạc Liêu cũng đã thu hút được nhiều doanh nghiệp trong, ngoài nước đến đầu tư trong lĩnh vực NTTS, góp phần đưa Bạc Liêu phát triển nhanh về NTTS và hướng đến xây dựng tỉnh trở thành trung tâm ngành công nghiệp tôm cả nước.

 

Tổ chức lại sản xuất

Sản xuất và NTTS năm qua tuy gặt hái được nhiều kết quả quan trọng, nhưng nhìn trên tổng thể vẫn còn đương đầu với nhiều khó khăn, thách thức và cần một giải pháp chiến lược cho con tôm. Đó là tình hình biến đổi khí hậu, nắng nóng gay gắt kéo dài, nhiệt độ, độ mặn tăng cao đã ảnh hưởng trực tiếp đến sức đề kháng của thủy sản nói chung và tôm nuôi nói riêng, làm cho tôm nuôi chậm lớn, dễ phát sinh dịch bệnh, gây thiệt hại kinh tế cho hộ nuôi. Thêm vào đó, giá vật tư đầu vào (thức ăn, thuốc, sản phẩm cải tạo môi trường trong NTTS) luôn có xu hướng tăng, trong khi giá tôm nguyên liệu có những thời điểm giảm sâu, nhất là giá tôm thẻ chân trắng gây khó khăn rất lớn cho người nuôi tôm.

Một bộ phận người nuôi tôm chưa có ý thức cao trong công tác bảo vệ môi trường, còn tự ý xả nước thải, chất thải chưa qua xử lý ra bên ngoài và chưa tuân thủ tốt về công tác phòng, chống dịch bệnh, gây nguy cơ phát tán mầm bệnh rất cao và làm ô nhiễm môi trường xung quanh. Việc định hướng, tổ chức sản xuất, liên kết bao tiêu sản phẩm nông nghiệp nói chung và nuôi tôm nói riêng trong dân còn chậm, chưa theo kịp xu thế phát triển. Các chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ đã hình thành nhưng số lượng, tính tuân thủ trong hợp tác còn hạn chế, từ đó thu nhập của người dân còn bấp bênh, tính ổn định trong sản xuất chưa cao. Nhu cầu nguồn vốn trong nuôi tôm rất lớn, nhất là đối với mô hình nuôi STC ứng dụng công nghệ cao. Đây là yếu tố đầu vào quan trọng hàng đầu, song hộ nuôi tôm còn gặp khó khăn trong tiếp cận các nguồn vốn vay từ ngân hàng. Tổ chức sản xuất với quy mô nhỏ lẻ, phương thức sản xuất còn mang tính tự phát nên việc tập trung các nguồn lực đầu tư không phát huy hiệu quả. Việc đa dạng hóa các đối tượng NTTS mang lại hiệu quả kinh tế cao chưa phát triển, chỉ tập trung các đối tượng nuôi chủ lực là tôm sú và tôm thẻ chân trắng…

Nông dân huyện Phước Long thu hoạch tôm trên đất lúa. Ảnh: K.T

 

Với quyết tâm khai thác và phát huy tốt thế mạnh kinh tế hàng đầu này, trong năm 2025 Bạc Liêu sẽ tập trung hoàn thành xây dựng Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao phát triển tôm Bạc Liêu và tổ chức thực hiện đồng bộ các giải pháp xây dựng Bạc Liêu trở thành trung tâm ngành công nghiệp tôm cả nước. Đồng thời, tập trung phát triển các đối tượng chủ lực (tôm sú, tôm thẻ chân trắng, cua biển, nhuyễn thể) gắn với phát huy lợi thế về nuôi tôm sú, tôm thẻ chân trắng tại các vùng nuôi STC, TC, BTC và xác định mô hình nuôi STC ứng dụng công nghệ cao là điểm nhấn. Cũng như, phát triển ổn định, bền vững mô hình nuôi tôm sạch (tôm – lúa, tôm – rừng…).

Song song đó, hướng dẫn nông dân thực hiện lịch thời vụ NTTS năm 2025 và thực hiện đồng bộ các giải pháp phòng, chống dịch bệnh trong NTTS. Xây dựng các vùng NTTS ứng dụng công nghệ cao, hữu cơ với các sản phẩm chủ lực và tăng cường thực hiện quyết liệt các giải pháp xử lý ô nhiễm môi trường trong nuôi tôm.

Cùng với đó là tiếp tục tham mưu cấp thẩm quyền đầu tư hoàn chỉnh kết cấu hạ tầng phục vụ nuôi trồng, nhất là Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao phát triển tôm Bạc Liêu (giai đoạn 2); các vùng nuôi tôm STC, TC, BTC, vùng sản xuất lúa – tôm đảm bảo an toàn dịch bệnh gắn với xây dựng cánh đồng lớn; xúc tiến xây dựng vùng sản xuất giống thủy sản ứng dụng công nghệ cao và đầu tư các công trình thuộc Chương trình mục tiêu phát triển kinh tế thủy sản bền vững và Kế hoạch hành động phát triển ngành tôm trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu. Vận dụng linh hoạt các cơ chế, chính sách hiện hành nhằm khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư mở rộng diện tích NTTS. Tổ chức lại sản xuất với trọng tâm là phát triển các hợp tác xã kiểu mới, tổ hợp tác, trang trại, doanh nghiệp tư nhân. Xác định mô hình nuôi, phương thức nuôi phù hợp (trong đó xác định mô hình nuôi tôm STC, ứng dụng công nghệ cao là khâu đột phá để hình thành các vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao). Hình thành mối liên kết chặt chẽ theo chuỗi giá trị trong lĩnh vực thủy sản (từ sản xuất đến chế biến, tiêu thụ tôm)…

Nguồn: Kim Trung (Báo Bạc Liêu)

Tin mới nhất

T2,13/01/2025