Nuôi tôm vụ nghịch: Quản lý tốt, thành công cao

[Tạp chí Người Nuôi Tôm] – Theo dự báo của đài khí tượng thủy văn Nam bộ, từ nay đến cuối năm, còn ít nhất 2 – 4 cơn bão, áp thấp nhiệt đới có khả năng ảnh hưởng, gây mưa nhiều cho vùng ven biển ở ĐBSCL. Cùng với đó là dịch bệnh, nhất là bệnh đốm trắng và vi bào tử trùng (EHP) đang lưu hành tại các vùng nuôi tôm. Để hạn chế thiệt hại, tăng tỷ lệ thành công cho những diện tích đang còn tôm, đòi hỏi người nuôi phải áp dụng đồng bộ giải pháp, nhất là giải pháp an toàn sinh học.

Bổ sung khoáng chất, tạt vôi để cân bằng yếu tố môi trường sau những cơn mưa lớn

 

Vụ nghịch, vụ khó

Vụ tôm nước lợ năm 2022 ở ĐBSCL đang đi về giai đoạn cuối và về cơ bản theo đánh giá là khá thành công. Hiện số diện tích còn tôm tại các tỉnh không nhiều, chủ yếu là những diện tích nuôi lót bạt 2 – 3 giai đoạn, sử dụng lại nguồn nước từ vụ nuôi trước, do nguồn cấp hầu hết đã không còn mặn. Đối với những diện tích này và những diện tích sắp thả nuôi tới đây sẽ gặp không ít khó khăn, nhất là về thời tiết và dịch bệnh, do đây là vụ nghịch. Không nói đâu xa, những đợt mưa lớn diễn ra trên diện rộng và kéo dài những ngày qua khiến cho môi trường tại một số vùng nuôi có sự biến động mạnh, gây sốc và làm giảm sức đề kháng tôm nuôi, tạo điều kiện cho một số dịch bệnh nguy hiểm phát sinh, nhất là bệnh đốm trắng và bệnh còi – vi bào tử trùng (EHP).

Theo đánh giá của Sở NN&PTNT Sóc Trăng, vụ nghịch rơi vào thời điểm mưa bão nhiều, các yếu tố môi trường ao nuôi sẽ dễ bị biến động, đồng thời dịch bệnh trên tôm như bệnh hoại tử gan tụy, đốm trắng, phân trắng, vi bào tử trùng vẫn đang diễn ra rất khó lường tại các địa phương sẽ ảnh hưởng rất lớn đến việc chăm sóc, quản lý ao nuôi. Ông Hồ Quốc Lực – Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần thực phẩm Sao Ta, Đơn vị đang sở hữu hơn 300 ao nuôi đang còn tôm cho biết, cái khó của vụ nghịch năm nay không chỉ đến từ thời tiết, mà còn đến từ sự xuất hiện của EHP dai dẳng từ đầu năm đến nay. Vì vậy, sẽ rất khó để người nuôi có được thành công như mong muốn từ vụ nghịch này. Không chỉ lo lắng về EHP, người nuôi còn luôn trong trạng thái đề phòng bệnh đốm trắng có thể xuất hiện bất cứ lúc nào, nhất là đối với tôm dưới 45 ngày tuổi, bởi theo quy luật hàng năm, bệnh này thường bắt đầu xuất hiện từ tháng 9 và kéo dài đến tận tháng 3 – 4 của năm sau.

Khó khăn là điều đã được dự báo từ trước, nên vấn đề còn lại là làm sao để có thể khắc phục những khó khăn trên, nhằm hướng đến vụ nuôi thành công như mong muốn. Theo ông Lực, do ảnh hưởng của bệnh vi bào tử trùng làm tôm chậm lớn, gây khan hiếm tôm cỡ lớn, buộc doanh nghiệp phải đẩy giá lên cao mới có hàng để trả nợ hợp đồng nên thời gian gần đây, tôm cỡ lớn tăng giá mạnh. Còn theo ông Võ Văn Phục – Tổng giám đốc Công ty Cổ phần thủy sản sạch Việt Nam, muốn nuôi vụ nghịch có kết quả tốt đòi hỏi người nuôi phải có kinh nghiệm, kỹ thuật, công nghệ nuôi tiên tiến và cả hệ thống hạ tầng hợp lý nữa vì các điều kiện về: môi trường, dịch bệnh, thời tiết… ở vụ này đều bất lợi cho sự phát triển của tôm nuôi.

 

Đảm bảo an toàn sinh học

Theo ông Phục, người nuôi cần quan tâm thực hiện triệt để vấn đề an toàn sinh học, để có những dự báo cũng như biện pháp xử lý phù hợp khi có xuất hiện dịch bệnh, ao nuôi bị thiếu khoáng (do độ mặn thấp), hay các yếu tố môi trường ao nuôi có sự biến động mạnh, nhất là sau những trận mưa lớn… Tuy nhiên, qua trao đổi với những người nuôi tôm lâu năm, ngoài các yếu tố trên, vấn đề chất lượng con giống năm nay là có vấn đề. Một chủ trang trại nuôi tôm lớn ở TX. Vĩnh Châu (Sóc Trăng), cho rằng chất lượng con giống năm nay có phần kém so với năm rồi, trong đó khả năng con giống có mang mầm bệnh từ cơ sở sản xuất vẫn không thể loại trừ. Do đó, người nuôi cần quan tâm nhiều hơn đến chất lượng tôm giống vì mùa này hầu hết các trại giống khu vực ĐBSCL thường bị nhiễm bệnh do môi trường nước xấu.

Ông Đào Văn Bảy – Phó Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Sóc Trăng, cho biết thêm hiện do là cuối vụ nên chất lượng nước tại hầu hết các vùng nuôi cũng giảm do ảnh hưởng từ các ao tôm đang thu hoạch và cải tạo. Do đó, dù giá tôm hiện tại đang cao, nhưng ngành cũng không khuyến cáo những hộ nuôi mô hình cấp thấp, nuôi ao đất thả giống vì rủi ro rất cao… Riêng đối với những diện tích đang có tôm, người nuôi cần giữ mực nước trong ao đủ cao để ổn định nhiệt độ; độ kiềm luôn ổn định ở mức 80 – 120 để cung cấp đủ khoáng và giữ cho pH ổn định. Cố gắng duy trì hệ tảo trong ao, nếu giữ được nước có màu xanh vỏ đậu là tốt nhất. Bổ sung vitamin C, khoáng, enzyme vào khẩu phần ăn hàng ngày nhằm giúp tôm tăng sức đề kháng, tiêu hóa và hấp thu khoáng tốt hơn. Nếu thấy mật độ cao nên thu tỉa để đảm bảo mật độ nuôi vừa phải, phù hợp với mô hình và trình độ quản lý, như: đối với tôm thẻ ao đất nên thả 40 – 80 con/m2, còn ao bạt cũng chỉ nên thả khoảng 150 con/m2.

Để chủ động ứng phó với điều kiện thời tiết cực đoan và hạn chế được dịch bệnh nhằm bảo vệ đàn tôm hiện có, ngành nông nghiệp các tỉnh trong khu vực khuyến cáo người nuôi nên tăng cường các biện pháp an toàn sinh học, về: quan tâm chất lượng con giống, quản lý môi trường ao nuôi, thức ăn, dịch bệnh… Theo đó, người nuôi cần tăng cường đo đạc các yếu tố môi trường, theo dõi màu nước trong ao nuôi thường xuyên trước và sau khi mưa; điều chỉnh các yếu tố môi trường sao cho ổn định và tối ưu cho tôm nuôi trong giai đoạn này, như độ pH trung bình 7.5, độ kiềm từ 120 mg/l, độ trong 20 – 35cm, Oxy hoà tan trong nước đảm bảo từ 5 mg/l trở lên. Bổ sung hàm lượng khoáng chất thiết yếu cho tôm như Canxi, Magiê, Kali đầy đủ. Cần dự trữ các vật tư đầu vào cần thiết trong giai đoạn này như vôi, chế phẩm vi sinh, khoáng lắng tụ, yucca, oxy viên… để kịp thời xử lý trong các trường hợp cấp bách.

Hoàng Nhã

 

Tin mới nhất

T6,22/11/2024