Nuôi tôm nước lợ năm 2024 ở Phú Yên, Giá cả bấp bênh, thu nhập không cao, ngành chức năng khuyến cáo

Từ đầu năm 2024 đến nay, hoạt động nuôi tôm nước lợ trên địa bàn tỉnh Phú Yên cơ bản ổn định, dịch bệnh trên tôm nuôi ít xảy ra. Tuy nhiên, ảnh hưởng thời tiết bất lợi, giá tôm thương phẩm thấp nên hiệu quả kinh tế không cao.

 

Giá tôm thương phẩm giảm

Năm 2024 hoạt động nuôi tôm nước lợ trên địa bàn tỉnh cơ bản ổn định. Tuy nhiên, do thời tiết bất lợi nên tôm nuôi phát triển chậm, trong khi đó giá tôm thương phẩm khi xuất bán cũng bấp bênh nên lợi nhuận không cao.

Ông Lê Văn Sang nuôi tôm ở phường Hòa Hiệp Nam (TX Đông Hòa) cho biết: Năm nay, gia đình tôi thả nuôi 3 hồ tôm thẻ chân trắng với tổng diện tích gần 1,8ha. Vụ thứ nhất có một hồ hơn 0,5ha tôm nuôi hơn 20 ngày thì bị bệnh. So với các năm trước, tình hình dịch bệnh trên tôm nuôi năm nay có giảm.

Tuy nhiên, giá tôm thẻ chân trắng loại 100 con/kg lúc đầu vụ khoảng 100.000 đồng/kg, nhưng từ giữa đến cuối vụ chỉ còn khoảng 80.000 đồng/kg, có thời điểm chỉ còn 70.000-75.000 đồng/kg. Do giá tôm thương phẩm thấp nên cả ba vụ nuôi năm nay chỉ lãi hơn 30 triệu đồng.

Còn theo ông Nguyễn Văn Bút, người nuôi tôm ở xã Hòa Tâm (TX Đông Hòa), từ đầu năm đến nay, gia đình ông thả nuôi 3 vụ tôm thẻ chân trắng trên diện tích khoảng 1,5ha. Do tình hình dịch bệnh trên tôm nuôi mấy năm gần đây phức tạp, nên năm nay gia đình ông quyết định thả nuôi tôm với mật độ thưa để nuôi xen ghép với cua xanh.

Đến nay, tôm nuôi đã thu hoạch xong, cả ba vụ không xảy ra dịch bệnh. Tuy nhiên, chi phí đầu tư tăng cao do tôm nuôi phát triển chậm, thêm vào đó là giá cả bấp bênh nên hiệu quả mang lại không cao. Cả ba vụ nuôi này, trừ các khoản chi phí còn lãi khoảng 30 triệu đồng.

Người nuôi tôm ở phường Hòa Hiệp Nam (TX Đông Hòa, tỉnh Phú Yên) kiểm tra tôm nuôi. Ảnh: ANH NGỌC.

 

Theo UBND TX Đông Hòa, tổng diện tích nuôi trồng thủy sản từ đầu năm đến nay trên địa bàn khoảng 900ha, trong đó chủ yếu là tôm thẻ chân trắng. Tình hình dịch bệnh trên thủy sản nuôi, đặc biệt là tôm nước lợ giảm hơn so với các năm trước.

Ông Nguyễn Văn Hồng, Phó Chủ tịch UBND TX Đông Hòa thông tin: Tình hình dịch bệnh trên thủy sản nuôi đến nay cơ bản khống chế kịp thời, không để lây lan ra diện rộng. Tuy nhiên, thời tiết khắc nghiệt làm tôm nuôi kém phát triển; giá tôm thương phẩm giảm hơn 20.000 đồng/kg so với các năm trước nên đa số người nuôi tôm có thu nhập không cao.

Từ đầu năm đến nay, bệnh trên tôm nuôi nước lợ xảy ra rải rác tại hầu hết vùng nuôi trên địa bàn tỉnh, với khoảng 49,5ha tôm nuôi nước lợ bị bệnh.

Trong đó, 30ha tôm nuôi bị bệnh hoại tử gan tụy cấp (TX Đông Hòa), 1,5ha bị bệnh hoại tử cơ quan tạo máu và cơ quan biểu mô (TX Đông Hòa), 13ha bị bệnh đốm trắng (TX Đông Hòa 2ha, huyện Tuy An 10ha, TX Sông Cầu 1ha), 5ha bị bệnh vi bào tử trùng (TX Đông Hòa).

Ông Trương Văn Bình, Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và thú y tỉnh cho biết: Chi cục đã phối hợp với các địa phương hướng dẫn biện pháp phòng và trị bệnh trên tôm nuôi, cấp thuốc sát trùng sodium chlorite 20% để xử lý các diện tích hồ nuôi có tôm bị bệnh, không để dịch bệnh lây lan ra diện rộng.

 

Tăng cường quản lý vùng nuôi

Từ đầu năm đến nay, người dân trên địa bàn tỉnh đã thả nuôi khoảng 2.685ha thủy sản các loại, trong đó có khoảng 2.170ha tôm nước lợ. Sản lượng thủy sản nuôi trồng khoảng 16.760 tấn, trong đó sản lượng tôm nước lợ hơn 12.770 tấn.

Mới đây, Chi cục Thủy sản đã lấy mẫu nước tại các vùng nuôi trồng thủy sản trên địa bàn tỉnh để phân tích. Kết quả cho thấy, tại vùng nuôi các xã An Hòa Hải và An Cư (huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên), chỉ số chất lượng nước rất tốt, tuy nhiên độ mặn thấp hơn ngưỡng cho phép.

Tại các xã Xuân Lộc, Xuân Cảnh (TX Sông Cầu, tỉnh Phú Yên), chất lượng nước ở mức trung bình; lượng ôxy hòa tan và độ mặn nằm ngoài ngưỡng cho phép. Ở phường Hòa Hiệp Nam và các xã Hòa Tâm, Hòa Xuân Đông (TX Đông Hòa), chất lượng nước tốt; pH, độ kiềm và ôxy hòa tan nằm ngoài ngưỡng cho phép.

Ông Đào Quang Minh, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản khuyến cáo: Đối với các vùng nuôi tôm nước lợ, người nuôi cần dự phòng bình khí ôxy, chuẩn bị máy sục khí đề phòng trường hợp tôm bị thiếu dưỡng khí do thiếu ôxy cục bộ.

Bổ sung thêm CaCO3, super alkaline, khoáng tổng hợp để duy trì độ kiềm và pH trong nước ao nuôi. Siphon đáy ao sau mỗi lần tôm ăn xong; rải vôi xung quanh bờ ao trước những lúc trời sắp chuyển mưa nhằm hạn chế sự thay đổi đột ngột môi trường nước ao nuôi.

Theo dõi các chỉ tiêu môi trường nước ở ao nuôi như nhiệt độ, pH, độ kiềm, màu tảo… Tăng cường sục khí tránh hiện tượng phân tầng nhiệt độ trong ao nuôi, bổ sung vitamin C và khoáng chất nhằm nâng cao sức đề kháng cho tôm nuôi.

Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Phú Yên Nguyễn Tri Phương: Sở NN&PTNT tiếp tục chỉ đạo các đơn vị trực thuộc tăng cường kiểm tra điều kiện sản xuất, kinh doanh giống thủy sản và sản xuất, kinh doanh thức ăn, sản phẩm xử lý môi trường trong nuôi trồng thủy sản trên địa bàn tỉnh. Tiếp tục phối hợp thực hiện quan trắc, cảnh báo môi trường các vùng nuôi, khuyến cáo các giải pháp xử lý phù hợp.

Nguồn: Anh Ngọc (Báo Phú Yên)

Tin mới nhất

T7,21/12/2024