Nuôi tôm đón nhu cầu xuất khẩu tăng

Thị trường tôm tươi về cuối năm sẽ hút hàng. Doanh nghiệp (DN) ở ĐBSCL dự đoán tôm nguyên liệu trong vùng có nhiều hy vọng. Hiện nay tôm nuôi thu hoạch đạt cỡ lớn đang có giá bán tốt, chỉ cần nuôi tôm trúng mùa sẽ bội thu.

Kỳ vọng con tôm, nhưng…

Diễn biến thị trường tôm năm nay càng về cuối năm đón nhận nhiều thông tin đảo chiều với chuyển biến bất ngờ. Trái ngược với diễn biến đầu năm tôm xuất khẩu chậm, một số nước còn tồn hàng, giảm nhập. Nhưng từ sau giữa năm khách hàng từ một số thị trường nhập khẩu tôm sang tìm mua tôm Việt Nam. Tôm nguyên liệu ở vùng ĐBSCL bắt đầu rục rịch tăng giá, do có thời điểm tôm nuôi thu hoạch rải vụ nên có dấu hiệu thiếu cục bộ. Hơn nữa khảo sát từ vùng nuôi, các DN chế biến thủy sản xuất khẩu khu vực bán đảo Cà Mau, cho rằng hiện chỉ còn tôm nuôi vụ 2. Do đó sản lượng tôm thu hoạch từ nay đến cuối năm khó tăng.

Dù vậy, hiện nay theo nhận định của các nhà xuất khẩu tôm Việt Nam, thị trường tiêu thụ tôm từ các nước chưa có dấu hiệu thiếu tôm. Song, do năm nay vùng nuôi tôm lớn nhất là Ấn Độ nguồn cung có thể giảm 200.000 tấn so mức cung năm 2018, đặc biệt là thiếu tôm cỡ lớn. Trong khi đó một số thương nhân theo dõi thị trường tiêu thụ tôm mạnh với nhu cầu lớn như Trung Quốc, từ nhiều năm qua Trung Quốc tiêu thụ mạnh nhất lại là loại tôm cỡ nhỏ cỡ 100 con/kg. Do đó có lúc thương lái vùng ĐBSCL chạy hàng tôm cỡ nhỏ nhắm bán vào thị trường nước nầy đã tác động loại tôm cỡ nhỏ giá tăng lên.

Vào những năm 2011-2012 là thời kỳ đỉnh điểm vùng nuôi tôm nội địa Trung Quốc đạt sản lượng tôm cao nhất khoảng 1,5 triệu tấn/năm. Nhưng rồi sau đó có dấu hiệu giảm dần. Năm 2018 sản lượng Trung Quốc giảm còn khoảng 600.000 tấn và năm nay có khả năng ước đạt mức 500.000-600.000 tấn. Vì vậy để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng tôm trong nước, Trung Quốc nhập khẩu tôm từ các nước Ấn Độ, Ecuador. Tôm Ecuador xuất khẩu chủ yếu sản phẩm tôm tươi nguyên con. Tuy nhiên gần đây Trung Quốc không nhập tôm từ Ecuador do lo ngại dịch bệnh có thể lây lan vào vùng nuôi tôm nội địa.

Thị trường tôm cuối năm mở viễn cảnh lạc quan. Thế nhưng vùng nuôi tôm ĐBSCL có tận dụng đón lấy cơ hội? Theo người nuôi tôm ở vùng ven biển Vĩnh Châu (Sóc Trăng), cú sốc “đau đầu” vừa qua khiến người nuôi tôm mất ăn mất ngủ chính là dịch bệnh trên tôm khá nặng nề. Bệnh vi bào tử trùng (EHP), một số diện tích ao nuôi bị thiệt hại nặng hơn là tôm bệnh phân trắng đã khiến người nuôi tôm không dám thả con giống nối vụ. Do vậy hiện nay diện tích, sản lượng tôm vụ 2 thu hoạch dài đến cuối năm không còn nhiều.

Cách kiểm soát dịch bệnh

Vừa qua tôm bệnh vi bào tử trùng (EHP) và bệnh phân trắng xảy ra không riêng gì ở Việt Nam. Dịch bệnh này bùng phát trên cả 3 vùng nuôi tôm lớn của thế giới như các nước ASEAN, Trung Mỹ và Ấn Độ. Trong khi đó, bệnh EHP hiện gần như bất trị. Đã có nhiều diện tích ao nuôi tôm bị nhiễm EHP vì không điều trị dứt đã chuyển sang nhiễm nặng hơn do bệnh phân trắng khiến người nuôi tôm bị thiệt hại nặng nề. Trong khi bệnh phân trắng chưa xác định được nguyên nhân và tác nhân gây bệnh, các nhà nghiên cứu bệnh vật nuôi thủy sản gọi là hội chứng, giống như có thời kỳ tôm bị bệnh hoại tử gan tụy cấp trong giai đoạn đầu bùng phát.

Người dân nuôi tôm ven biển khu vực Bán đảo Cà Mau, cho biết: Từ sau tháng 10-2019 mưa ngớt dần. Mùa mưa có thể hết sớm và hạn có khả năng sẽ tới sớm cùng kỳ những năm qua. Diễn biến thời tiết trong vùng còn cho thấy chuyển từ hình thái trung hòa hơi nghiêng về pha nóng. Đối với một số cây trồng có thể sẽ gặp khó. Nhưng với nuôi tôm thì không khó, thậm chí là có chút lợi thế trong việc chuẩn bị thả nuôi vào vụ sớm.

Vừa qua, một công ty chuyên sản xuất con giống và thức ăn chăn nuôi thủy sản lớn trong cả nước tổ chức một hội thảo tại Cần Thơ, dành cho các trang trại nuôi tôm lớn về vấn đề bệnh do vi bào tử trùng và phân trắng. Các nhà nghiên cứu bệnh học của công ty này cho hay: Vừa qua tại vùng nuôi tôm tập trung của Ấn Độ, dịch bệnh trên bùng phát đã gây thiệt hại nặng cho người nuôi. Hơn nữa vùng nuôi này cũng sử dụng một kênh vừa cấp vừa thoát tương tự như vùng nuôi tôm Mỹ Thanh của Sóc Trăng, nên dịch bệnh lây lan rất nhanh.

Theo các chuyên gia bệnh tôm, bệnh EHP và bệnh phân trắng hiện chưa có thuốc trị, nên giải pháp tốt nhất là ngăn ngừa từ xa bằng cách sản xuất 4 sạch. Trước hết là sạch về con giống. Người mua con giống từ công ty phải được kiểm 10 loại dịch bệnh, kết quả phải âm tính mới đạt yêu cầu. Thứ hai, là nước sạch, mà để có nước sạch, quy trình xử lý là rất quan trọng, bởi phải làm sao cho môi trường nước không còn chỗ cho vi khuẩn gây hại bám víu (không có giá thể), nhất là chất rắn lơ lửng vì vi bào tử trùng rất khó diệt. Do đó, cần làm cho tất cả chất rắn lơ lửng lắng xuống đáy, sau đó bơm lấy nước trong tầng trên cũng hạn chế được vi bào tử trùng. Hoặc có giải pháp hạ pH đến ngưỡng phù hợp (khoảng 6) nhằm phá hủy lớp bảo vệ của vi bào tử trùng, sau đó có giải pháp nâng pH lên lại cho phù hợp với con tôm.

Tôm sạch và nước sạch là 2 yếu tố cơ bản quyết định đến thành công của vụ nuôi tôm, nhưng để phòng ngừa 2 bệnh trên, cần phải sạch thêm các dụng cụ, trang thiết bị, con người, phương tiện phục vụ ao nuôi (khử trùng kỹ trước khi sử dụng). Thậm chí ngay cả ao lót bạt, sau vài năm nuôi cũng cần dỡ lên, bón thêm vôi vào phần đất đáy ao sau đó mới lót bạt trở lại. Theo các nhà chuyên môn nuôi trồng thủy sản, nếu không có giá thể, chỉ sau khoảng 15 phút là vi bào tử trùng sẽ chết, nhưng trong điều kiện thực tế, giá thể của vi bào tử trùng là rất đa dạng, chứ không chỉ có trong chất rắn lơ lửng hay thức ăn dư thừa, phân tôm… nên việc khử trùng toàn bộ dụng cụ, trang thiết bị nuôi tôm một cách kỹ lưỡng là rất cần thiết để ngăn ngừa dịch bệnh vào ao nuôi.

Bài, ảnh: HỮU ĐỨC

Tin mới nhất

T4,04/12/2024