Nuôi tôm công nghệ cao theo hướng bền vững

Dù thâm canh, gối vụ quanh năm, cơ sở nuôi tôm Huỳnh Hàn Châu vẫn dành tới 80% tổng diện tích đất để làm nơi trữ và chủ động nguồn nước.

Bắt đầu nuôi tôm theo hướng công nghệ cao từ khoảng năm 2019, nhưng phải sang tới năm 2021, trang trại nuôi tôm Huỳnh Hàn Châu, ấp Mỏ Ó, xã Trung Bình, huyện Trần Đề, tỉnh Sóc Trăng mới trúng lớn nhờ dự đoán đúng giá tôm sẽ tăng cao từ đầu năm, nhất là tôm thẻ cỡ lớn.

Vụ ấy, anh Châu thả nuôi sớm khoảng 450.000 con giống CPF Turbo G19. Trên tổng diện tích ao nuôi hơn 3.000m2, anh chia thành ba, mỗi ao chừng hơn 1.000m2. Đầu tiên, tôm giống được đưa vào ao vèo, ương khoảng 18 – 20 ngày. Sau đó, tôm được sang qua ao khác để tiếp tục nuôi độ 25 – 30 ngày, trước khi sang qua ao nuôi thương phẩm.

Sau hơn 130 ngày, anh Châu thu hơn 5 tấn tôm từ ao đầu tiên, cỡ 24 con/kg. Những ngày kế tiếp, thủy sản tiếp tục trúng, giúp anh thu lời hơn 1 tỷ đồng. Anh Châu nhẩm tính, nếu nuôi đủ 2 vụ tôm mỗi năm, cơ sở của anh có thể đạt tổng sản lượng đến 80 tấn/năm.


ThS. Huỳnh Hàn Châu cùng cán bộ ngành nông nghiệp tỉnh Sóc Trăng tại trang trại nuôi tôm công nghệ cao. Ảnh: Bảo Thắng.

Bí quyết nuôi tôm theo mô hình nuôi ao bạt, theo anh Châu không khó, bởi chi phí đầu tư, phương pháp thi công, điều kiện vận hành khá đơn giản, nhiều người nuôi tôm có thể áp dụng được, kể cả người không có diện tích đất lớn. Khi đã có mô hình, quy trình nuôi dưỡng, cũng như chủ động được con giống, thức ăn, việc nuôi tôm thẻ siêu thâm canh về kích cỡ lớn (khoảng 25-30 con/kg) hoàn toàn trong tầm tay.

“Trại của tôi hiện áp dụng mô hình nuôi tôm 4 giai đoạn, góp phần giảm rủi ro và chi phí trong quá trình nuôi tôm, tăng khả năng thành công; đồng thời giúp tôm nuôi nhanh chóng đạt kích cỡ lớn, thu về lợi nhuận”, anh Châu chia sẻ.

So với nuôi tôm kiểu truyền thống bằng mô hình ao đất, nuôi tôm công nghệ cao trong ao bạt giúp giải quyết được các vấn đề về thời tiết, biến đối khí hậu cũng như nguồn nước. Qua vài năm thực tế, anh Châu nhận thấy tỷ lệ nuôi thành công luôn đạt hơn 95 %. Đây cũng đang là lợi thế lớn của ngành tôm Sóc Trăng nói riêng và Việt Nam nói chung vì đến thời điểm này, hầu như chỉ có Việt Nam là nuôi được tôm thẻ về được kích cỡ 25 con/kg.


Anh Châu kiểm tra thức ăn tại ao nuôi tôm công nghệ cao. Ảnh: Bảo Thắng.

Bên cạnh thành công về hiệu quả mô hình, ThS. Huỳnh Hàn Châu còn đặc biệt tâm đắc đến việc trại của anh đã phát triển theo hướng bền vững. Cụ thể, trong tổng diện tích hơn 10 ha đất, trang trại nuôi tôm của anh đã chừa tới khoảng 80 % diện tích để trữ và xử lý nước.

Nguyên nhân được anh Châu chỉ ra, là nuôi tôm trong ao bạt, nguồn nước cần phải luôn vận động. Do đó, cả hệ thống nước trong trang trại cung cấp cho ao nuôi phải chủ động, không bị ô nhiễm công nghiệp, đồng thời cần lắp đặt thêm cánh quạt để cung cấp đủ oxy cho tôm. Từng hàm lượng như pH, lưu huỳnh, NH3 hay H2S… trong nước phải được kiểm soát và ghi chép hàng ngày.

“Muốn nuôi tôm mau lớn, sạch bệnh thì yếu tố tiên quyết là nguồn nước phải trong, sạch ở tất cả các ao nuôi. Từ đó mới tăng được tỷ lệ nuôi tôm”, anh Châu nhấn mạnh.

Song song với việc bố trí đủ đất để trữ và xử lý nước, ThS. Huỳnh Hàn Châu còn chú trọng lắp đặt thêm nhiều ứng dụng công nghệ cao trong khu nuôi như: máy lọc nước sử dụng điện cực ion, giúp tạo ra nước sạch, tuần hoàn liên tục, đồng thời giúp duy trì hệ vi sinh như khuẩn, tảo có sẵn trong nước, tạo đà cho tôm giống sinh trưởng và phát triển.

Chưa bằng lòng với những gì đã có được, anh Châu tiếp tục cho xây dựng thêm nhiều ao mới, theo công thức: 1 ao vèo, 3 ao nuôi. Anh gọi mỗi cụm ao như vậy là “1 block”. Tôm giống ban đầu được thả trong ao vèo, sau đó vớt lần lượt sang các ao nuôi. Tại đây, anh cũng cho lắp đặt hệ thống cho ăn tự động, với tốc độ 20-30 phút/lần cho ăn.

Anh Châu tâm sự, năng suất nuôi tôm nếu được khoảng 5 tấn cho mỗi 1.000 m2 mặt nước (tương đương 50 tấn/ha) là đạt yêu cầu. Tuy nhiên, khi nuôi 4 giai đoạn như này, người dân không nên vội thu hoạch sớm, mà cần kiên nhẫn, đợi đến lúc tôm lột vỏ và phát triển về ngưỡng 20-25 con/kg hẵng thu hoạch.

“Thị trường hiện chủ yếu khan hiếm tôm cỡ lớn. Giá bán giữa các loại cũng khá chênh lệch. Nếu đạt cỡ 20-25 con/kg, chúng tôi có thể bán hơn 200.000 đ/kg, nhưng nếu chỉ đạt cỡ 30 con/kg, giá có thể thấp hơn chỉ bằng 2/3”, anh Châu bày tỏ.

Để nuôi tôm trong ao bạt đạt hiệu quả, ThS. Huỳnh Hàn Châu cho rằng cần làm thật phẳng đáy ao, đảm bảo nền ao có độ nghiêng về phía cống rãnh thoát nước, và nên làm ao dạng hình tròn để tránh các góc chết.

Bạt lót ao nuôi tôm nên sử dụng loại HDPE để phủ đều hết đáy và bờ ao. Trong quá trình trải bạt HDPE cho ao nuôi tôm cần đảm bảo bạt sát với nền đáy. Khi cấp nước cho ao nuôi, cần xử lý trước qua ao lắng, có diện tích khoảng 30% so với ao nuôi chính.

Bảo Thắng – Trọng Linh

Báo Nông nghiệp Việt Nam

Tin mới nhất

T6,22/11/2024