Nước nuôi tôm: Chìa khóa cho vụ nuôi thành công

[Người Nuôi Tôm] – “Nuôi nước trước nuôi tôm” là câu châm ngôn truyền miệng của những người nuôi tôm. Thật vậy, kiểm soát được chất lượng nước đầu vào chính là kiểm soát được 70% rủi ro trong nuôi tôm.

 

Lo lắng nguồn nước nuôi tôm bị ô nhiễm

Theo báo cáo của Tổng cục Thủy sản, 6 tháng đầu năm nay, tổng diện tích nuôi tôm nước lợ bị thiệt hại trên 10.900 ha, trong đó thiệt hại do dịch bệnh là trên 2.334 ha, thiệt hại do môi trường, biến đổi thời tiết là trên 1.022 ha, thiệt hại không xác định được nguyên nhân là gần 7.544 ha. Vấn đề khó khăn và được quan tâm nhất hiện nay vẫn là vấn đề ô nhiễm nguồn nước, gây dịch bệnh cho tôm nuôi.

 Anh Võ T.Th, Thị xã Hoàng Mai, tỉnh Nghệ An đang xử lý hóa chất cho đầm tôm vụ 2 vừa thả được hơn 10 ngày chia sẻ: Gia đình làm 4 ha tôm, hiện vừa thu hoạch xong tôm vụ 1 được 2 ha, năng suất chỉ đạt 3 – 3,5 tấn/ha, tính ra vừa hòa vốn. Nguyên nhân là do nguồn nước đầu vào ở sông Hoàng Mai nhiễm bẩn gây ra nhiều các loại dịch bệnh. Để giảm thiểu dịch bệnh cho tôm nuôi, anh đã thực hiện các biện pháp kỹ thuật như cày xới đáy ao, phơi khô sau đó lọc nước ngâm đáy ao khoảng 3-5 ngày hút nước ra ngoài và phơi đáy cho đến khô nứt nẻ, bón vôi diệt các loại mầm bệnh.

Tại Hoằng Hóa, Thanh Hóa nhiều năm nay anh Nguyễn Văn Hoàng vẫn lấy nước nuôi tôm từ hệ thống sông Mã về cho qua xử lý rồi tiến hành nuôi. Anh cho biết, vì nuôi ao bạt, nguồn nước lấy từ sông về sẽ chứa trong ao lắng, xử lý hóa chất rồi mới sử dụng. Tuy nhiên, những năm gần đây, số hộ nuôi tôm ngày một tăng, chất lượng nguồn nước đầu vào cũng bị ảnh hưởng. Điều này thể hiện rõ rệt trong từng vụ nuôi, sản lượng kém dần và dịch bệnh cũng thường xuyên hơn. Lứa gần đây nhất, xuất bán trừ chi phí thu lãi 900 triệu đồng. Nhưng hiện lứa tôm vụ 2 khá bấp bênh, vì miền Trung thời gian này diễn biến thời tiết phức tạp. Các ao nuôi trên địa bàn bắt đầu thấy xuất hiện dịch bệnh phân trắng trên tôm nuôi, tôm vàng gan, chậm lớn. Các hộ nuôi tại đây đang tiến hành khắc phục, xử lý bằng hóa chất để diệt trừ mầm bệnh. Hiện tượng tôm chết vì bệnh hoặc không rõ nguyên nhân trong khoảng 30 – 45 ngày đầu tiên sau khi thả hoặc chậm lớn là khá phổ biến. Nguyên nhân (nếu tôm giống có nguồn gốc rõ ràng, sạch bệnh) chủ yếu liên quan đến cách thức cải tạo ao hoặc quản lý chất lượng nước. Kinh nghiệm thực tiễn đã khẳng định, nguyên tắc cốt lõi nuôi tôm tức là nuôi nước.

 

Xử lý nước nuôi tôm như thế nào để đạt hiệu quả?

Để “nuôi” được nước, người nuôi cần hiểu về yêu cầu chất lượng nước ban đầu và diễn biến điển hình của nó trong một vụ nuôi. Hơn nữa, đánh giá chất lượng nước bằng cảm quan chỉ hiệu quả với những người đã có nhiều năm kinh nghiệm. Nếu người nuôi mới bắt đầu nuôi tôm thì cần phải thực hiện một cách nghiêm túc các công đoạn trong quá trình cải tạo ao, dự đoán thời điểm có thể xảy ra sự cố và thường xuyên quan trắc các yếu tố môi trường quan trọng trong suốt quá trình nuôi.

Hiện nay, để giải quyết bài toán môi trường nước nuôi, nhiều công nghệ tiên tiến giúp xử lý nước đầu vào trong nuôi tôm đang được cộng đồng người nuôi tôm quan tâm. Thông thường, các hộ nuôi lấy nước vào ao lắng rồi tiến hành xử lý bằng hóa chất trước khi đưa vào ao nuôi. Cách làm này khá hiệu quả, nhưng tiêu tốn nhiều thời gian. Nhằm nâng cao chất lượng nước nuôi, trang trại nuôi tôm của anh Tran Bang tại Cần Giờ đã áp dụng công nghệ xử lý nước điện hóa siêu âm. Anh Bang chia sẻ, những năm trước anh nuôi tôm ao đất, tận dụng nước nuôi cá để nuôi tôm, nhưng vài năm trở lại đây anh chuyển hẳn qua nuôi tôm ao bạt. Vì nuôi theo phương thức không sử dụng kháng sinh nên vấn đề chất lượng nước nuôi được anh đặc biệt quan tâm. Qua nghiên cứu và tham khảo từ những phương pháp xử lý nước, biết đến công nghệ xử lý nước điện hóa siêu âm. Sau một thời gian áp dụng, chất lượng nước nuôi có sự cải thiện rõ rệt. “Chi phí đầu tư cho công nghệ này khá cao, nhưng sau thời gian dài tìm hiểu tôi quyết tâm đầu tư và đã cho thấy hiệu quả rõ rệt. Ít dịch bệnh, tôm lớn khỏe mà không cần lạm dụng đến kháng sinh, vì vậy mà chất lượng và giá trị con tôm cũng được nâng cao”.

Chỉ với 3 ao tôm diện tích 3.000 m2, sau 99 ngày thả nuôi, anh Lê Văn Tân, huyện Năm Căn, tỉnh Cà Mau đã thu về lợi nhuận hơn 1 tỷ đồng. Anh chia sẻ, nuôi tôm khó nhất là giữ được nguồn nước sạch bệnh, vậy nên ở công đoạn xử lý nước anh đầu tư rất bài bản. Muốn biết chính xác chất lượng nước trong ao tôm của mình như thế nào, anh Tân sử dụng các thiết bị đo lường. Để giữ nguồn nước sạch tự nhiên, anh ưu tiên dùng các chế phẩm sinh học. Có nước sạch vẫn chưa đủ, muốn tôm khỏe, lớn nhanh, bí quyết của anh Tân là chọn lựa thật kỹ để có được nguồn giống chất lượng cao. Nhờ con giống chất lượng cao, ứng dụng vi sinh, oxy già con tôm không chỉ khỏe, lớn nhanh mà còn đồng đều, đặc biệt không bị sẹo. Đây là tiêu chí giúp tôm nuôi ở khu vực này luôn bán với giá cao.

Chất lượng nước nuôi là yếu tố rất quan trọng, nó bị ảnh hưởng do nguồn nước cấp, do hoạt động sản xuất hàng ngày, nước thải từ những vùng lân cận và hóa chất sử dụng còn tồn dư. Hiện nay, các giải pháp kiểm soát nước nuôi trồng không nhiều, để áp dụng có hiệu quả cần phải đánh giá được chất lượng nước tại thời điểm quan tâm. Nhưng quan trọng hơn là sự hiểu biết đầy đủ, nghiêm túc về các giải pháp đó cũng như sự tương tác dây chuyền khi áp dụng. Sau khi các tác nhân ô nhiễm được loại bỏ, nước ở ao sẵn sàng có một chất lượng ổn định, nhất quán. Nước sạch được cung cấp đầy đủ ổn định cho vụ tôm về đích thành công.

HẠ NHIÊN

 

Tin mới nhất

CN,24/11/2024