Nông dân Kim Sơn thu nhập khá nhờ mở rộng diện tích nuôi tôm vụ đông

Vài năm trở lại đây, cùng với định hướng và chính sách phát triển nuôi trồng thủy sản của tỉnh, của huyện, nhiều hộ nuôi tôm ở các xã ven biển Kim Sơn đã quyết định đầu tư nhà bạt, áp dụng công nghệ tiên tiến để nuôi tôm vụ đông, mang lại hiệu quả cao.

Anh Trịnh Đình Tú (khối 10, thị trấn Bình Minh) kiểm tra sức khỏe của lứa tôm đông chuẩn bị xuất bán vào dịp Tết Thanh Minh tới đây

Trong thời tiết giá lạnh một ngày đầu năm, chúng tôi về với vùng nuôi trồng thủy sản ven biển huyện Kim Sơn. Khi phần lớn các hộ nuôi tôm quảng canh khác đang cải tạo, vệ sinh ao đầm chuẩn bị cho vụ nuôi xuân hè năm 2024 thì diện tích nuôi tôm thẻ chân trắng của anh Trịnh Đình Tú (khối 10, thị trấn Bình Minh) vẫn phát triển ổn định mặc cho nhiệt độ có thời điểm giảm xuống chỉ còn 12-15 độ C.

Anh Tú chia sẻ: Trên tổng số 7 ao nuôi, gia đình đã đầu tư xây cố định, phủ bạt nilon 4 ao nhằm kiểm soát môi trường, nhiệt độ để nuôi tôm quanh năm. Bên cạnh đó, để tránh rủi ro kể cả về dịch bệnh cũng như thị trường, tôi không xuống giống đồng loạt ở tất cả các ao mà thả xen kẽ, cứ khoảng 2 tháng lại xuống giống 1 lứa, một năm nuôi 6-7 lứa. Rằm tháng Giêng vừa qua, gia đình vừa thu 3 tấn tôm vụ đông, bán với giá 210 nghìn đồng/1kg, sau khi trừ chi phí còn lãi gần 400 triệu đồng. Hiện, trong khu trại của gia đình vẫn còn một ao tôm nữa với kích cỡ khoảng 100 con/kg, dự kiến sẽ thu hoạch vào dịp nghỉ lễ 30/4 tới đây.

Cũng theo anh Tú, mặc dù nuôi tôm vụ đông yêu cầu kỹ thuật cao, thời gian kéo dài, chí phí đầu tư ban đầu lớn nhưng bù lại rất thuận lợi về đầu ra và hiệu quả kinh tế cao hơn nhiều so với nuôi quảng canh.

Giống như anh Tú, hộ gia đình anh Nguyễn Văn Sỹ (xóm 4, xã Kim Trung) cũng mới xuất bán hơn 1 tấn tôm vụ đông, thu về 250 triệu đồng. Anh Sỹ thông tin: Năm nay, mặc dù còn gặp nhiều khó khăn do môi trường, dịch bệnh, rét đậm kéo dài, tôm nuôi chậm lớn nhưng nhìn chung cứ hộ nào đầu tư ao đầm bài bản, tuân thủ đúng quy trình kỹ thuật đều có lãi.

Cán bộ Trạm Kiểm ngư thủy sản (Chi cục Thủy sản, Sở Nông nghiệp & PTNT) hướng dẫn người dân kỹ thật chăm sóc tôm qua đông

Còn đối với ông Trần Văn Huệ (xóm 2, xã Kim Đông), thời gian qua, diện tích nuôi tôm công nghệ cao qua đông đã mang lại lợi nhuận ổn định hàng tỷ đồng mỗi năm cho gia đình. Ông Huệ cho biết: Nuôi thủy sản nói chung, nuôi tôm nói riêng là nghề truyền thống của các xã ven biển. Tuy nhiên, nuôi quảng canh tiềm ẩn nhiều rủi ro do khó kiểm soát dịch bệnh, một năm chỉ nuôi được cùng lắm là 2 vụ, 5-6 tháng vụ đông xuân ao đầm bỏ không, rất lãng phí. Do vậy, tôi đã đầu tư để cải tạo hạ tầng nuôi, phủ bạt toàn bộ hệ thống ao, trang bị thêm nhiều thiết bị phụ trợ như: máy tạo oxy, máy quạt, bạt lót… để nuôi tôm vụ đông. Kết quả năm 2023, tôi thu về gần 1 tỷ đồng. Năm nay, trên diện tích 3 mẫu ao nuôi, tôi tiếp tục thả 45 vạn con tôm giống, hiện con tôm đang sinh trưởng, phát triển tốt, dự kiến sẽ thu tập trung từ dịp Tết thanh minh trở đi.

“Mặc dù nuôi tôm công nghệ cao, các yếu tố môi trường, nhiệt độ, cơ bản được kiểm soát, tuy nhiên tôi tuyệt đối không chủ quan, lơ là. Bởi thời tiết hiện nay thay đổi liên tục, hôm trước nhiệt độ còn 15-20 độ C, hôm sau có thể lên tới 30 độ C, thậm chí ngay mùa đông nhưng vẫn có những cơn mưa rào lớn. Nếu không cẩn thận, tôm dễ sốc nhiệt, sốc môi trường lại thành ra mất trắng” – ông Huệ chia sẻ thêm.

Được biết, cùng với anh Tú, anh Sỹ, ông Huệ, vụ đông 2023-2024 này, rất nhiều nông dân nuôi tôm vùng ven biển huyện Kim Sơn đã đầu tư nâng cấp ao đầm để nuôi tôm vụ đông. Xu hướng chung là bà con không mở rộng diện tích nuôi mà chú trọng nâng cao chất lượng hạ tầng kỹ thuật để nuôi tôm với mật độ cao, kích cỡ thương phẩm lớn. Theo thống kê sơ bộ của ngành chuyên môn, trong năm nay, diện tích nuôi tôm thẻ chân trắng thâm canh và bán thâm canh toàn vùng tăng lên trên 300 ha, trong đó có 75 ha nuôi siêu thâm canh.

Mặc dù thời điểm hiện tại, giá tôm vụ đông thấp hơn so với năm ngoái, trung bình từ 210-220 nghìn đồng/1kg, loại tôm 45 con/1kg và 240-250 nghìn đồng/1kg, loại 30 con/1kg. Tuy nhiên, theo những người nuôi tôm, so với giá thành sản xuất ra thì với mức giá này bà con vẫn thu lãi khá, hộ ít cũng được một vài trăm triệu, hộ nhiều thu về cả tỷ đồng.

Có thể thấy, thắng lợi trong tôm vụ đông năm nay là kết quả của việc ứng dụng khoa học kỹ thuật, chủ động khắc phục được tính mùa vụ trong nuôi trồng thủy sản, thích ứng kịp thời với biến đổi khí hậu của người nuôi tôm trên địa bàn huyện Kim Sơn, qua đó, đáp ứng nhu cầu của thị trường. Đây là nền tảng quan trọng nâng cao giá trị sản phẩm, thúc đẩy tăng trưởng toàn ngành, góp phần phát triển nông nghiệp bền vững.

Nguyễn Lựu – Minh Đường

Báo Ninh Bình

Tin mới nhất

T6,22/11/2024