Nhiều vụ nuôi tôm chân trắng trên cát ven biển Ngũ Điền bị dịch bệnh

Nhiều vụ nuôi tôm chân trắng trên cát ven biển Ngũ Điền (tỉnh Thừa Thiên Huế) liên tiếp bị dịch bệnh, thua lỗ khiến người dân lo lắng.

Người dân thả tôm nuôi vụ mới

 

Thua lỗ hàng trăm triệu đồng/vụ

 

Ông Võ Kháng ở thôn Hải Thế, xã Phong Hải (Phong Điền) chia sẻ, tôm chân trắng nuôi trên cát ven biển liên tục xảy ra dịch bệnh từ 3 năm nay. Các loại bệnh thường gặp như đốm trắng, đen mang, gan tụy… Tính riêng ba vụ liên tiếp gần đây, vụ nào nào cũng bị dịch bệnh, tôm chết hàng loạt, nhiều hộ nuôi thua lỗ hàng trăm triệu đồng trở lên/vụ.

 

Ông Kháng cho biết, môi trường nước, ao nuôi thời gian gần đây thường thay đổi đột ngột. Nguồn nước cấp, nước biển luôn được kiểm soát, xử lý bằng công nghệ máy móc, đảm bảo các yếu tố môi trường mới đưa vào ao nuôi. Nhưng tầm vài tuần sau trở đi thì nguồn nước bỗng thay đổi, xuất hiện nhiều loại khí độc gây bất lợi, có hại sức khỏe tôm nuôi. Một số yếu tố môi trường thay đổi đột ngột, không thể xử lý kịp thời dẫn đến tôm dịch bệnh và chết.

 

Ông Kháng nghi ngờ, có thể con giống kém chất lượng cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến tôm thường bị dịch bệnh. Hầu hết nguồn tôm giống phục vụ nuôi tại vùng cát Ngũ Điền đều được người dân mua từ các tỉnh phía nam. Dù kinh nghiệm đến mấy thì với mắt thường không thể nào phát hiện, kiểm soát dịch bệnh trên tôm giống với kích cỡ quá nhỏ. Khâu vận chuyển đường xa cũng ít nhiều ảnh hưởng đến sức khỏe tôm, mất sức đề kháng dễ xảy ra dịch bệnh.

 

Phần nhiều hộ dân trước khi thả tôm nuôi không kiểm dịch, kiểm tra bằng máy PCR để xử lý nguồn bệnh tiềm ẩn trên tôm giống. Ông Kháng thừa nhận, thường người nuôi tôm tin tưởng gần như tuyệt đối vào cơ sở giống được xem đảm bảo uy tín, chất lượng. Một phần, lo ngại sức khỏe, tôm giống có thể chết vì quá trình vận chuyển đường xa nên thường mua về được người dân thả ngay. Nhiều hộ còn ngại hao tốn chi phí đầu tư nên không muốn kiểm dịch tôm giống trước khi thả.

 

“Không ít vụ nuôi tôm chân trắng trên cát được mùa lại mất giá, lãi chẳng là bao. Còn các vụ bị dịch bệnh, tôm chết thì thua lỗ đến vài trăm triệu đến cả tỷ đồng”, ông Kháng nói. Lo ngại tiếp tục thua lỗ vì dịch bệnh, tôm chết nên vụ vừa qua, một số hộ chuyển sang nuôi cá kình “vớt vát” trả nợ, còn lại phần lớn các hộ không thả nuôi, bỏ hoang gây lãng phí ao hồ. Tôm nuôi vụ đông này (thường được xem là vụ chính trong năm), nhiều hộ bắt đầu thả giống từ hơn 20 ngày nay, nhưng đã có một số ao hồ bị dịch bệnh.

 

Dịch tôm vụ đông có nguy cơ lây lan

 

Phó Chủ tịch UBND xã Phong Hải, ông Nguyễn Viết Tưởng nhận định, nguy cơ dịch bệnh lây lan diện rộng ngay từ đầu vụ rất cao. Cán bộ thủy sản đang tập trung hướng dẫn các hộ nuôi chủ động triển khai các biện pháp bảo vệ an toàn cho tôm nuôi, trong đó chú trọng các giải ứng phó, xử lý các yếu tố môi trường có hại. Tuy nhiên, với kinh nghiệm, năng lực nuôi tôm của người dân, cán bộ địa phương có hạn rất khó để bảo vệ an toàn tôm nuôi trong điều kiện biến đổi khí hậu, môi trường, dịch bệnh diễn biến phức tạp, khó lường.

 

Chủ tịch UBND xã Điền Hòa, ông Nguyễn Đăng Phúc cho rằng, với thực trạng dịch bệnh trên tôm nuôi như hiện nay gần như hoàn toàn nằm ngoài tầm kiểm soát của người dân và chính quyền địa phương. Rất cần sự quan tâm vào cuộc mạnh hơn nữa của cơ quan chức năng, nghiên cứu tìm ra nguyên nhân và các biện pháp phòng trừ dịch bệnh, kết hợp các mô hình nuôi tôm an toàn, hiệu quả và bền vững.

 

Tiến sĩ Nguyễn Văn Hưng, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y (CNTY) tỉnh chia sẻ, nghề nuôi tôm trên đầm phá Tam Giang – Cầu Hai và vùng cát ven biển lâu nay có những lúc thăng trầm. Có hộ nuôi trở nên khá giả, làm giàu nhưng cũng có không ít hộ nuôi gặp khó khăn, thua lỗ do dịch bệnh. Nhất là các vụ tôm chân trắng gần đây, hầu hết các hộ nuôi vùng Ngũ Điền đều bị thua lỗ vì dịch bệnh. Chi cục CNTY cùng các ban, ngành đang triển khai biện pháp ứng phó dịch bệnh trên tôm chân trắng.

 

Trước mắt, Chi cục CNTY khuyến cáo người dân thực hiện đầy đủ biện pháp vệ sinh, tẩy dọn ao, bón vôi, phơi ao, cấp và xử lý nước… đúng quy trình kỹ thuật trước khi thả nuôi. Tôm giống thả nuôi phải được mua tại các cơ sở sản xuất và cung ứng có uy tín, tuyệt đối không mua giống trôi nổi, không rõ nguồn gốc. Tôm trước khi thả nuôi phải được kiểm dịch và xét nghiệm bằng kỹ thuật PCR nhằm tuyển chọn con giống không nhiễm các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm như đốm trắng, đầu vàng, taura…

 

Trong quá trình nuôi cần theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết, môi trường ao nuôi, phát hiện và xử lý kịp thời những dấu hiệu bất thường của tôm, kết hợp kiểm tra chặt chẽ chủng loại, hạn sử dụng thức ăn, thuốc thú y. Tuyệt đối không sử dụng các sản phẩm cấm, sản phẩm quá hạn và phải bảo quản thức ăn, thuốc thú y nơi khô ráo, thoáng mát. Khi phát hiện ao tôm có dấu hiệu bị bệnh, người dân phải báo ngay đến Chi cục CNTY tỉnh, chính quyền địa phương để có biện pháp xử lý kịp thời và hiệu quả.

 

Điều kiện tiên quyết trong nuôi tôm chân trắng trên cát hiện nay là kỹ thuật, hệ thống cấp, thoát nước, cơ sở hạ tầng phải được đầu tư một cách thỏa đáng, bài bản. Theo quy định, cứ 3-5 ao nuôi phải có ít nhất một ao xử lý nguồn nước cấp và nước trong ao trước khi thải ra môi trường. Các thiết bị, máy móc phục vụ kiểm tra, giám sát, theo dõi các yếu tố môi trường nước trong ao, xung quanh khu vực nuôi tôm phải được trang bị đầy đủ.

 

Vùng Ngũ Điền hiện có khoảng 400ha ao hồ nuôi tôm chân trắng trên cát ven biển của các doanh nghiệp, hộ cá nhân; trong đó hộ gia đình, nhóm hộ nuôi tập trung nhiều nhất tại xã Phong Hải với khoảng 70ha. Trong quy hoạch của huyện Phong Điền, nuôi tôm chân trắng trên cát khoảng 900ha, kết hợp đa dạng phương thức, công nghệ, đối tượng nuôi. Ngoài các biện pháp đầu tư cơ sở hạ tầng, các ban, ngành chức năng và người dân đang nuôi thử nghiệm một số mô hình thủy sản như nuôi tôm bằng ao tròn công nghệ cao, nuôi ốc hương, cá kình…

 

Bài, ảnh: HOÀNG TRIỀU

Nguồn tin: Báo Thừa Thiên Huế

Tin mới nhất

T7,23/11/2024