Nhiều người nuôi tôm ở miền Tây khát vốn

Giấy tờ nhà đất nằm ở ngân hàng và vụ tôm 2022 thua lỗ khiến nhiều nông dân ở miền Tây không còn vốn để tái sản xuất.

Hai tuần qua, nhiều người nuôi tôm ở miền Tây “đứng ngồi không yên” khi thấy giá tôm tăng mạnh. Đặc biệt là nhiều doanh nghiệp đang tranh nhau mua tôm tươi sống (tôm oxy) để cung ứng cho thị trường các tỉnh phía Bắc khiến tôm kích cỡ lớn càng hút hàng.

Giá thức ăn chênh lệch cao khi mua ghi nợ

Chiều 5/2, anh N.P.K. (30 tuổi, ngụ xã Phước Long, huyện Phước Long, Bạc Liêu) tiếp tục bơm nước để chuẩn bị phơi đáy ao trên diện tích đất nuôi tôm rộng 3 ha. Sau khi phơi đáy ao và rải vôi, anh K. sẽ cấp nước trở lại cho ao tôm để thả con sú giống vụ đầu tiên của năm 2023.

Tuy nhiên, điều làm cho anh K. và nhiều nông dân của vùng nuôi tôm quảng canh trăn trở là thiếu vốn. Theo anh K., người nuôi tôm thường giữ lại vốn của vụ trước để thả giống cho vụ sau nhưng cuối năm 2022 nhiều nông dân mất vốn vì thua lỗ.

“Vụ này tôi dự kiến thả 50.000 con tôm sú giống vì vốn còn ít quá. Những năm trước vụ tôm chính này gia đình tôi thường thả 120.000 con giống”, anh K. nói.


Nông dân thị xã Vĩnh Châu (Sóc Trăng) cào bùn đáy ao nuôi tôm để chuẩn bị cho vụ mùa đầu năm 2023. Ảnh: zingnews.vn

Tại xã Vĩnh Hiệp, thị xã Vĩnh Châu (Sóc Trăng), anh T.V.H. đang chạy khắp nơi để tìm vốn cho đợt thả tôm giống chính vụ cho 3 ao tôm lót bạt đáy đã phơi mưa nắng gần nửa năm. Nông dân 40 tuổi này cho biết để sửa chữa một số thiết bị, hàn lại bạt đáy, rải vôi và con giống cần đến 120 triệu đồng nhưng ngân hàng không cho vay nữa.

Gần 2 năm trước, giấy tờ nhà đất của gia đình anh H. được thế chấp cho ngân hàng. Được nhà băng giải ngân hơn 600 triệu đồng để đầu tư 3 ao tôm lót bạt, anh H. nuôi nhiều vụ nhưng chưa trả được đồng vốn nào cho ngân hàng và không còn tiền để tái đầu tư.

“Em tôi có 2 ao không trải bạt, muốn nuôi tôm sú nhưng cũng không còn vốn. Hai năm qua, đứa em nợ đại lý bán thức ăn cho tôm gần 100 triệu đồng, còn tôi nợ hơn 200 triệu. Nợ như thế này mà nuôi tôm tiếp thì phải mua thức ăn bằng tiền tươi vì không nơi nào cho mình nợ tiếp”, người nông dân xứ biển chia sẻ.

Cùng ngày, anh H. tìm hiểu giá thức ăn nuôi tôm nếu mua bằng tiền tươi tại phường 1, thị xã Vĩnh Châu là 32.500 đồng/kg. Anh H. đến huyện Mỹ Xuyên hỏi giá thức ăn cùng loại nếu mua theo hình thức ghi nợ là 42.150 đồng/kg.

“Một vụ tôm tôi thả gần 500.000 con giống, thức ăn sử dụng khoảng 500 bao loại 25 kg. Với giá chênh lệnh cao, nếu mua ghi nợ sẽ mất hơn 100 triệu đồng. Giá tôm giống năm nay đại lý báo 160 đồng/con, năm 2022 chỉ có 147 đồng”, anh H. chia sẻ.

Chuyển vùng mua tôm vẫn thiếu nguyên liệu

Cùng ngày, Công ty TNHH Thủy sản Tấn Phát (huyện Cù Lao Dung, Sóc Trăng) đưa công nhân sang huyện Cù Lao Dung thu hoạch 7 tấn tôm tươi sống nuôi trong 2 ao, kích cỡ 50 con/kg. Với kích cỡ này, người nuôi bán được giá 130 con/kg, thu lãi mỗi ao 150 triệu đồng.

Anh Lưu Trường Giang, đại diện kinh doanh của Công ty TNHH Thủy sản Tấn Phát, nói rằng tôm kích cỡ lớn nông dân thu hoạch không nhiều. Loại 30-40 con/kg vừa tăng thêm 5.000-10.000 đồng/kg.

Cụ thể, loại 30 con/kg giá 190.000 đồng, 40 con/kg giá 155.000 đồng. Trong khi đó, tôm loại 20 con/kg đang đứng giá 280.000 đồng và 25 con giá 220.000 đồng.

Theo chủ một doanh nghiệp mua tôm kích cỡ nhỏ ở xã Song Phụng, huyện Long Phú (Sóc Trăng), nhiều ngày qua đơn vị đưa xe tải đến vùng nuôi tại tỉnh Trà Vinh nhưng vẫn không tìm đủ nguyên liệu để sơ chế cho đối tác. Tôm thẻ loại 60 con/kg đang ở mức giá cao là 118.000 đồng, 70 con giá 111.000 đồng, 80 con giá 106.000 đồng, 100 con giá 95.000 đồng.


Tôm kích cỡ lớn đang được các doanh nghiệp ở miền Tây tranh mua với giá cao. Ảnh: zingnews.vn

Một lãnh đạo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết tôm nguyên liệu không nhiều vào đầu năm 2023 do ảnh hưởng từ 2 vụ nuôi trong năm 2022. Đó là vụ đầu năm 2022 diện tích tôm thả nuôi ở miền Tây giảm 30% do mưa sớm; vụ cuối năm gặp thời tiết xấu, giá giảm trong khoảng thời gian từ tháng 7 đến tháng 11.

“Thị trường đang thiếu tôm nên loại 50 con/kg trở lên. Những năm trước, doanh nghiệp thường chọn mua tôm 40 con/kg trở lên với giá tôm cao, năm nay thiếu tôm nên giãn kích cỡ”, vị lãnh đạo VASEP nói.

Theo vị này, hiện nay thời tiết lạnh, nông dân các tỉnh miền Tây thả tôm giống với diện tích không đáng kể. Việc thả tôm với diện tích nhỏ như hiện nay cũng một phần do người nuôi không còn vốn, đại lý bán thức ăn cũng “vỡ nợ” vì nhiều vụ không thu được tiền của nông dân.

“Đại lý cũng vay vốn ngân hàng mua thức ăn tôm về bán cho nông dân. Người nuôi tôm lỗ vài vụ, không có tiền trả kéo dài thì nguy cơ đại lý bán thức ăn sẽ vỡ nợ”, chủ một doanh nghiệp chế biến tôm xuất khẩu chia sẻ.

Việt Tường

Zing news

Tin mới nhất

T6,22/11/2024